Đơn đề nghị Công ty CP Bắc Trung Nam gửi Báo Công lý |
Tranh cãi về việc “ngồi nhầm ghế”.
Năm 2010, Công ty Cổ phần Bắc Trung Nam (Công ty Bắc Trung Nam), có địa chỉ tại phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa, thế chấp toàn bộ hạng mục công trình tài sản trên đất, bao gồm: 02 nhà kho, cống, tường rào, nhà bảo vệ, sân vườn và các công trình tài sản trên đất khác tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Thanh Hóa để bảo lãnh cho khoản vay 4,2 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Việt Mỹ (Công ty Việt Mỹ).
Do mất khả năng thanh toán, phía ngân hàng khởi kiện Công ty Việt Mỹ ra TAND huyện Yên Định yêu cầu bên vay trả nợ gốc và lãi. Tại phiên xét xử sơ thẩm, TAND huyện Yên Định tuyên Công ty Việt Mỹ phải trả cho ngân hàng 43.600.100.000 đồng và số tiền lãi là 35.115.666.410 đồng, tổng cả gốc và lãi là 78.715.766.410 đồng. Sau đó tại phiên tòa phúc thẩm, TAND tỉnh Thanh Hóa cũng tuyên y án sơ thẩm.
Theo nội dung bản án, trong trường hợp Công ty Việt Mỹ không thực hiện nghĩa vụ hoặc thực hiện nghĩa vụ trả nợ không đầy đủ thì ngân hàng có quyền yêu cầu Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) TP Thanh Hóa và Chi cục THADS huyện Yên Định xử lý tài sản bảo đảm của Công ty Việt Mỹ, tài sản bảo lãnh của Công ty Bắc Trung Nam. Ngày 05/9/2019, Chi cục THADS TP Thanh Hóa ban hành Quyết định 147/QĐ-CCTHADS, quyết định về việc thi hành bản án nói trên.
Quyết định thi hành án của Chi cục THADS TP Thanh Hóa |
Công ty Bắc Trung Nam cho rằng mình là đơn vị phải thi hành án chứ không phải là đơn vị có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nên có đơn đề nghị gửi Chi cục THADS TP Thanh Hóa, Cục THADS tỉnh Thanh Hóa về việc xem xét hoãn thi hành án. Ngày 25/6/2019, TAND TP Thanh Hóa ban hành Quyết định số 02/QĐ-MTTPS về việc mở thủ tục phá sản đối với Công ty Bắc Trung Nam.
Ngày 06/8/2020, Chi cục THADS TP Thanh Hóa có Công văn số 862/CV-CCTHADS trả lời Công ty Bắc Trung Nam cho rằng, những nội dung mà đơn vị đề nghị là không có căn cứ. Theo Chi chục THADS TP Thanh Hóa, Công ty Bắc Trung Nam chỉ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (bên thứ 3), không phải người phải thi hành án, nên việc tạm đình chỉ thi hành án là không có cơ sở.
Đến ngày 14/8/2020, Cục THADS Thanh Hóa có văn bản xác định Công ty Bắc Trung Nam là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Bà Đỗ Thị Hồng, đại diện pháp luật của Công ty Bắc Trung Nam cho biết, việc Chi cục THADS xác định chúng tôi là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án trên là thiếu căn cứ, trái quy định của pháp luật, đang gây nhiều tổn thương và thiệt hại cho công ty. Bên cạnh đó, đơn vị thi hành án đã tiến hành đấu giá thành công tài sản của công ty và đang tiến hành cưỡng chế để bàn giao tài sản cho bên trúng đấu giá khiến doanh nghiệp rơi vào cảnh lao đao, tiến thoái lưỡng nan.
Cần xác định rõ tư cách pháp lý của Công ty Bắc Trung Nam
Trao đổi với phóng viên, Luật sư Trần Tuấn Anh - Công ty Luật Minh Bạch (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, trong lĩnh vực thi hành án, phải xác định bên có tài sản bảo đảm là người phải thi hành án. Bởi lẽ, khoản 3, Điều 3 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014 quy định khái niệm về người phải thi hành án là người phải thi hành án là cá nhân, cơ quan, tổ chức phải thực hiện nghĩa vụ trong bản án, quyết định được thi hành.
Như vậy, rõ ràng người có tài sản bảo đảm trong trường hợp này phải được xác định là người phải thực hiện nghĩa vụ trong bản án, quyết định được thi hành, cụ thể ở đây chính là nghĩa vụ bàn giao tài sản bảo đảm cho cơ quan thi hành án để cơ quan này bán phát mại tài sản, thu hồi nợ cho bên cho vay trong trường hợp bên vay không trả được khoản nợ theo bản án đã tuyên.
Quyết định mở thủ tục phá sản đối với Công ty CP Bắc Trung Nam của TAND TP Thanh Hóa |
Việc xác định bên có tài sản bảo đảm là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo như quy định tại khoản 4, Điều 3 và Điều 7b Luật Thi hành án dân sự sửa đổi năm 2014 là không đúng bản chất pháp lý của bên phải thực hiện nghĩa vụ, xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ như trong vụ việc trên.
Trong vụ việc này, nếu cơ quan thi hành án xác định bên có tài sản bảo đảm phải thực hiện nghĩa vụ bàn giao tài sản để bán phát mại, thu hồi nợ cho bên cho vay thì phải xác định họ là người phải thi hành án và đương nhiên họ sẽ có những quyền của người phải thi hành án, trong đó có quyền khi Tòa án mở thủ tục phá sản với doanh nghiệp của họ, thì cơ quan thi hành án phải ban hành quyết định đình chỉ thi hành án, tài sản bảo đảm đối với khoản vay trong trường hợp này sẽ phải xử lý theo trình tự, thủ tục của Luật Phá sản.
Cũng theo Luật sư Trần Tuấn Anh, việc Chi cục THADS TP Thanh Hóa xác định người có tài sản bảo đảm trong trường hợp này là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo như cách xác định của Tòa án cũng chưa chính xác. Bởi đây là 2 Luật khác nhau, quy định khác nhau về quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia trong vụ án.
Chi cục THADS TP Thanh Hóa cần xem xét lại tư cách pháp lý của Công ty CP Bắc Trung Nam |
Cụ thể, theo Bộ Luật Tố tụng dân sự thì người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được xem là đương sự trong vụ án, họ có đầy đủ quyền và nghĩa vụ của đương sự nói chung, ngoài ra còn có các quyền và nghĩa vụ khác tương ứng theo quy định của pháp luật. Trong khi đó, cũng tên gọi ấy, nhưng Luật Thi hành án dân sự lại không xác định tư cách họ là đương sự và chỉ coi bên phải thi hành án và bên được thi hành án mới là đương sự theo quy định tại khoản 1, Điều 3 Luật Thi hành án dân sự.
Từ cách xác định này, dẫn đến đã hạn chế quyền của bên có tài sản bảo đảm, trong đó có những quyền cơ bản trong việc thi hành án như: Quyền được tự nguyện thi hành án; Thỏa thuận thi hành án; Quyền yêu cầu thay đổi chấp hành viên….hay quyền được thanh toán khoản nợ theo Luật Phá sản khi doanh nghiệp của họ bị Tòa án mở thủ tục phá sản.
Có thể nói rằng, trong vụ án dân sự họ được Tòa án xác định tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, nhưng khi đến giai đoạn thi hành án, đặc biệt là khi bên vay không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ của mình mà chuyển việc thực hiện nghĩa vụ này sang cho bên có tài sản bảo đảm, thì cần phải xác định họ là bên phải thi hành án để phù hợp với khái niệm về người phải thi hành án là người phải thực hiện nghĩa vụ trong bản án trong Luật Thi hành án dân sự, cũng như tránh được sự mâu thuẫn, xung đột về nội dung giữa Luật này với các quy phạm pháp luật khác như Luật Phá sản chẳng hạn”, Luật sư Trần Tuấn Anh nói.
Do đó, cơ quan chức năng cần xem xét kỹ lưỡng lại việc xác định tư cách pháp lý của Công ty Bắc Trung Nam tránh để thiệt thòi cho doanh nghiệp, cũng như bảo đảm việc thi hành án theo bản án của TAND được kịp thời, chính xác.
Tác giả: Quốc Huy
Nguồn tin: conglyxahoi.net.vn