Nếu cấp bổ sung trạm tiếp nhiên liệu vào hạng mục Điểm dừng nghỉ Thanh Bình là không phù hợp với quy định tại khoản 2.6.11, Thông tư số 22, Bộ Xây dựng năm 2019. |
Theo đơn khiếu nại của ông Nguyễn Văn Phương: Ngày 25/5/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký Thông báo số 93/TB-UBND gửi các ngành tham mưu về việc lấy ý kiến điều chỉnh chủ trương, dự án Khu tổ hợp dịch vụ văn phòng khách sạn Thanh Bình thành Điểm dừng nghỉ Thanh Bình. Đây là một thông báo khiến cho ông Phương lo lắng đến sự tồn tại của Công ty Trúc Lâm và việc điều chỉnh này là không tuân thủ theo sự chỉ đạo trước đó của Chủ tịch UBND tỉnh cũng như vi phạm các quy định, khoảng cách đảm bảo về an toàn cháy nổ của Bộ Xây dựng.
Được biết, ngày 9/10/2019, tại Công văn số 13572/UBND-THKH của UBND tỉnh đã nêu rõ: Theo Thông tư số 48/2012/TT-BGTVT ngày 15/11/2012, Bộ Giao thông vận tải ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về trạm dừng nghỉ đường bộ, thì trạm dừng nghỉ loại 1 bắt buộc phải bố trí công trình trạm cấp nhiên liệu. Do đó, UBND tỉnh không đồng ý chủ trương điều chỉnh đầu tư dự án Khu tổ hợp dịch vụ văn phòng, khách sạn Thanh Bình thành trạm dừng nghỉ loại 1, do hạng mục trạm cấp nhiên liệu của dự án trạm dừng nghỉ không đảm bảo về khoảng cách đối với cửa hàng xăng dầu liền kề, như ý kiến của Sở Công Thương và các quy định của pháp luật.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng phê bình Sở Giao thông vận tải trong việc tham mưu đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo Bộ Giao thông vận tải bổ sung quy hoạch trạm dừng nghỉ loại 1 mà chưa nghiên cứu, phối hợp chặt chẽ với các ngành, đơn vị liên quan về đảm bảo khoảng cách quy định đối với cửa hàng xăng dầu liền kề làm ảnh hưởng đến đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.
Việc lấy ý kiến và tham mưu điều chỉnh dự án rõ ràng là không phù hợp, thiếu nhất quán. Cụ thể, theo quy định tại khoản 2.8.16 mục 2.8 Chương II, Quy chuẩn xây dựng Việt Nam QCXDVN 01:2008/BCX của Bộ Xây dựng ban hành kèm Quyết định số 04/2008/QĐ-BXD ngày 3/4/2008 quy định trạm xăng trong đô thị về đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và bảo vệ cảnh quan thì khoảng cách tối thiểu không được dưới 300m. Tuy nhiên, khoảng cách giữa cửa hàng xăng dầu 888 Trường Lâm với trạm cấp nhiên liệu của trạm dừng nghỉ (nếu được chấp thuận) chỉ là 50m.
Cũng tại khoản 2.6.11 Thông tư số 22, Bộ Xây dựng năm 2019, nêu rõ quy định đối với vị trí cửa hàng xăng dầu xây dựng cố định quy hoạch mới phải bảo đảm tuân thủ các quy định về phòng cháy chữa cháy trong QCVN 01:2013/BCT; Khoảng cách giữa hai cửa hàng xăng dầu xây dựng cố định quy hoạch mới tối thiểu là 300m; Khoảng cách giữa cửa hàng xăng dầu xây dựng cố định quy hoạch mới đến những nơi thường xuyên tụ họp đông người (chợ, trung tâm thương mại, cơ sở giáo dục, cơ sở y tế, các thiết chế văn hóa, thể dục thể thao, công sở) tối thiểu là 50m.
Như vậy, với khoảng cách đó không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, đến sự sống còn của doanh nghiệp mà còn vi phạm pháp luật nghiêm trọng đến an toàn cháy nổ mà Bộ Xây dựng đã quy định.
Bất bình trước thực trạng trên, doanh nghiệp đã nhiều lần làm đơn khiếu nại tuy nhiên không hiểu vì lý do gì mà các cấp ngành tham mưu vòng vo, né tránh, viện dẫn quy định đó chỉ sử dụng giữa cửa hàng xăng dầu với cửa hàng xăng dầu chứ không phải cho trạm cấp nhiên liệu với cửa hàng xăng dầu.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Nguyễn Văn Phương không giấu được sự bức xúc của mình nói: “Chúng tôi vẫn hiểu chính quyền phải tạo điều kiện giúp đỡ doanh nghiệp, nhưng phải đúng quy định của pháp luật và lương tâm đạo đức nghề nghiệp, không thể vì doanh nghiệp này mà đẩy doanh nghiệp khác đến bờ vực phá sản”.
Trước những diễn biến trên, đồng quan điểm với doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa, ngày 17/7/2020 cũng đã có đơn kiến nghị gửi Chủ tịch UBND tỉnh tỏ rõ quan điểm. Ban Thường trực hội đã họp, thảo luận cũng như nghiên cứu các quy định của pháp luật, Hiệp hội doanh nghiệp thị xã Nghi Sơn nhận thấy việc kiến nghị của Công ty Trúc Lâm là có cơ sở.
Để đảm bảo các quy định của pháp luật về an toàn phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, bảo vệ cảnh quan và tránh lãng phí đầu tư của xã hội cũng như đảm bảo quyền lợi cho Công ty Trúc Lâm trong việc kinh doanh hoạt động… Hiệp hội doanh nghiệp thị xã Nghi Sơn đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa không chấp thuận hạng mục cấp nhiên liệu (cửa hàng xăng dầu) vào Điểm dừng nghỉ Thanh Bình của Công ty TNHH Thanh Bình, chỉ chấp thuận trạm dừng nghỉ loại 2, không bao gồm trạm cấp nhiên liệu (cửa hàng xăng dầu).
Trong khi đó, UBND xã Trường Lâm, thị xã Nghi Sơn cũng đã có Tờ trình số 108 gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa bày tỏ quan điểm không bổ sung trạm cấp nhiên liệu (cửa hàng xăng dầu) tại Km 381 +540 trong dự án trạm dừng nghỉ của Công ty TNHH Thanh Bình. Lý do hiện tại vị trí KM 381+500 trái tuyến Quốc lộ 1A đang có 1 cửa hàng xăng dầu loại 1 của Công ty Trúc Lâm với đầy đủ các loại hình dịch vụ đang hoạt động và tại KM 382+50 phải tuyến cách dự án trạm dừng nghỉ 500m đã có 1 cửa hàng xăng dầu của Công ty xăng dầu Thanh Hóa đang hoạt động. Việc cấp thêm 1 trạm cấp nhiên liệu (cửa hàng xăng dầu) sẽ gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường tại khu vực vì mật độ xăng, dầu quá dày.
Bên cạnh đó, việc bố trí diện tích đất lớn tại vị trí trên cũng gây lãng phí không cần thiết, lãng phí đầu tư xã hội cũng như nguồn lực của doanh nghiệp bởi trong vòng chưa đầy 500m đã có 2 cửa hàng xăng dầu đáp ứng đủ nhu cầu phục vụ nhân dân địa bàn cũng như lưu lượng xe qua lại. Mặt khác, muốn đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, UBND xã Trường Lâm có thể dành quỹ đất đó cho ngành nghề kinh doanh khác không phải xăng dầu.
Tác giả: Trần Mạnh
Nguồn tin: Báo Xây Dựng