Công trình sửa chữa thuyền, bè hay còn được gọi là Triền Đà tại khu phố Thành Thắng, phường Quảng Cư (TP. Sầm Sơn - Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng từ cuối năm 2010 với tổng mức đầu tư lên đến gần 10 tỷ đồng, do Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão làm chủ đầu tư. Theo dự toán, đến năm 2011, công trình sẽ hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Công trình xây dựng nhằm tạo ra khu sửa chữa tập trung cho những tàu, bè của các ngư dân địa phương có công suất nhỏ.
Tuy nhiên, khi công trình hoàn thiện để đi vào hoạt động thì lại bỏ hoang do công trình có diện tích nhỏ, quy mô tàu thuyền trên thực tế lại lớn, địa thế không phù hợp, kết hợp với dòng hải lưu mạnh vì gần cửa biển.
Quy mô công trình 10 tỷ được xây dựng hình chữ U nay bỏ hoang, gây lãng phí tiền ngân sách Nhà nước. |
Ngư dân Nguyễn Mạnh Tiến, trú tại phường Quảng Cư, cho biết: “Tàu, thuyền của ngư dân chúng tôi công suất trên dưới 800CV. Do diện tích của Triền Đà không đến 600m2, nên việc các tàu, thuyền ra vào sửa chữa rất khó khăn. Dòng chảy của nước sông mạnh, nếu không có công cụ hỗ trợ thì việc đưa một chiếc thuyền lên sửa chữa không phải dễ”.
Còn ngư dân Viên Đình Lâm bức xúc: “Công trình xây dựng hàng tỷ đồng có cũng như không, mỗi khi tàu, thuyền bị hư hỏng thì không thể kéo lên sửa được đành phải chạy tới khu vực sửa chữa tại phường Quảng Tiến. Tại khu vực đó lại có quá nhiều tàu, thuyền của ngư dân các nơi đổ về khiến việc ra vào, sửa chữa gặp nhiều khó khăn, tốn kém”.
Ghi nhận tại khu sửa chữa tàu thuyền gần 10 tỷ cho thấy, ngoài bờ bê tông được xây dựng thẳng với chiều cao 2m theo hình chữ U, rộng khoảng 600m2, không có phương tiện hay máy móc nào khác. Do bị bỏ hoang khá lâu nên tàu thuyền cũng không lui tới nơi này.
Việc xây dựng khu sửa chữa tàu thuyền cũng khiến không ít người dân bức xúc, vì để xây dựng công trình này, tuyến đê đang thẳng bỗng bị bẻ cong thành hình chữ U vuông góc, không có biển cảnh báo nên rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Nhiều người khi qua đây do không để ý đã bị rơi vào chỗ nguy hiểm này.
Nhiều tàu, thuyền không thể vào sửa chữa được đành nằm ngoài bờ. |
Trong đó phải kể đến vụ vợ chồng anh Tuấn (phường Quảng Tiến) đèo nhau trên xe máy, khi đến khu vực này không quan sát đã bị tai nạn. Người chồng bị chấn thương sọ não, còn vợ ngồi sau bị gãy sương vai, chiếc xe máy hư hỏng nặng. Không chỉ có vậy, mỗi khi thủy triều lên cao hay có mưa lớn thì công trình vô tình tạo thành những bãi rác lớn, gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Ông Viên Đình Quyền, ở khu phố Thành Thắng, phường Quảng Cư, có thuyền 500CV, cho biết: “Do việc khảo sát và thiết kế xây dựng công trình này của cơ quan chức năng chỉ phù hợp với việc sửa chữa thuyền, bè có công suất nhỏ mà không tính toán đến sự phát triển, đầu tư mua sắm tàu thuyền công suất lớn như hiện nay. Vì thế, việc công trình bị bỏ hoang không hoạt động được là điều hiển nhiên. Mong các cơ quan chức năng sớm có biện pháp cụ thể, chuyển đổi hay san lấp tạo thành bãi tập kết ngư lưới cụ, dịch vụ hậu cần, sửa chữa máy móc để người dân chúng tôi thuận bề đánh bắt, buôn bán hải sản được tốt hơn”.
Được biết, trước sự bất hợp lý của khu sửa chữa tàu, cũng như những phản ánh của người dân, UBND phường Quảng Cư đã làm văn bản đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa chuyển công năng của công trình cho phù hợp với thực tế.
Để có câu trả lời về vấn đề này, chúng tôi đã liên hệ với người đại diện của Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Thanh Hóa. Tại đây, đơn vị này khẳng định, khu sửa chữa này không thuộc quản lý của Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão mà do Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Thanh Hoá quản lý. Khi chúng tôi liên hệ với Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Thanh Hoá thì nhận được câu trả lời là cơ quan này không quản lý công trình trên.
Như vậy, một công trình xây dựng gần 10 tỷ, giờ đành bỏ hoang, gây tốn kém tiền của và mất an toàn giao thông, nhưng cho đến nay không một cơ quan nào đứng ra chịu tránh nhiệm và tìm hướng giải quyết mà lại đổ lỗi cho nhau.
Báo Kinh tế nông thôn tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Tác giả: Hà Khải - Xuân Sơn
Nguồn tin: Báo Kinh tế nông thôn