Trong tỉnh

Thanh Hóa có 2 người chết và 86 người phơi nhiễm bệnh dại

Trước tình hình bệnh dại động vật có chiều hướng gia tăng, tổng số đàn vật nuôi lớn, Thanh Hóa đã và đang tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dại động vật, trong đó tập trung đẩy mạnh tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho chó, mèo.

Thanh Hóa là một trong những địa phương có tổng đàn chó, mèo lớn, những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, Thanh Hóa đã xảy ra 3 ổ bệnh dại trên động vật, làm chết 2 người và 86 người bị phơi nhiễm. Từ đầu năm đến nay đã xảy ra 3 ổ dịch bệnh dại tại xã Thạch Tượng, huyện Thạch Thành; xã Bãi Trành và xã Xuân Bình, huyện Như Xuân.

Bệnh dại có chiều hướng gia tăng

Theo thông tin từ Hệ thống Quản lý thông tin Dịch bệnh động vật Việt Nam - Cục Thú y, tình hình bệnh dại động vật trên cả nước đang diễn biến rất phức tạp, có chiều hướng tăng. Từ đầu năm 2023 đến nay đã xảy ra 213 ổ dịch bệnh dại tại 31 tỉnh, thành phố, làm 72 người tử vong.

Bệnh dại rất nguy hiểm và có thể đe dọa tính mạng tới nhiều người. Thế nhưng, nhận thức của người dân trong việc chấp hành các quy định về nuôi chó mèo và phòng chống bệnh dại, tiêm phòng vắc-xin còn hạn chế. Nhiều hộ gia đình cố tình hoặc đặt nhẹ vấn đề tiêm vắc- xin cho vật nuôi. Thêm vào đó công tác kiểm soát, kinh doanh chó, mèo còn bỏ ngõ.

Trên các cung đường, tuyến phố, công tác quản lý đàn chó, mèo chưa được chặt chẽ, tình trạng chó thả rông nơi công cộng, không rọ mõm, xích, không có người dắt còn phổ biến.

Đẩy manh tiêm phòng cho đàn vật nuôi

Để chủ động ngăn chặn có hiệu quả bệnh dại bùng phát trên địa bàn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có văn bản về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại trên địa bàn.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Giám đốc các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan, tập trung nguồn lực để tổ chức thực hiện quyết liệt và đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh dại theo quy định của Luật Thú y, Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền đến cộng đồng dân cư về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh dại và các biện pháp phòng, chống bệnh hiệu quả.

Vận động người nuôi chó có trách nhiệm thực hiện nghiêm các quy định về quản lý chó, không để chó chạy rông, khi đưa chó ra ngoài cần thực hiện nghiêm việc đeo rọ mõm và có người dắt, chấp hành tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn và các phòng, ban, ngành liên quan triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh dại; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về phòng, chống bệnh dại ở người và động vật.

Người đứng đầu UBND các cấp chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh dại. Phân công lực lượng tăng cường giám sát đến tận thôn, bản, tổ dân phố để phát hiện sớm bệnh dại trên động vật, có biện pháp xử lý, ngăn chặn và khống chế dịch bệnh kịp thời.

Tác giả: Thanh Phương

Nguồn tin: congly.vn

  Từ khóa: bệnh dại , thanh hóa

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok