Trong tỉnh

Thanh Hóa: Chợ đầu tư tiền tỷ vắng như "chùa Bà Đanh"

Chợ Mom, xã Quảng Nham huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa được đầu tư khang trang tiền tỷ nhưng từ khi xây dựng đến nay vẫn vắng như "chùa Bà Đanh".

Doanh nghiệp "cầu cứu" các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa

Ngày 28/2/2019 UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Công văn số 2258 về việc xóa bỏ các chợ tự phát trên địa bàn tỉnh, phấn đấu đến ngày 30/5/2019 cơ bản các chợ tự phát tại các địa phương được xóa bỏ và không tái chiếm. Công văn yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố gửi kế hoạch trước ngày 20/3/2019 và báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 5/6/2019 về Sở Công thương để theo dõi, tổng hợp và báo cáo UBND tỉnh.

UBND tỉnh Thanh Hóa cũng ban hành các văn bản quy định rõ, các doanh nghiệp trên địa bàn đầu tư xây dựng chợ theo 3 hạng sẽ được nhà nước hỗ trợ.

Tuy nhiên, trên thực tế một doanh nghiệp đầu tư xây dựng chợ tại xã Quảng Nham đang gặp khó khăn.

Cụ thể, tại chợ Mom, xã Quảng Nham, ngay đầu tuyến đường vào chợ, cảnh mua bán diễn ra tấp nập, hàng hóa bày tràn lan, lấn chiếm lòng đường gây cản trở giao thông còn bên trong chợ được đầu tư bài bản, khang trang, chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11856:2017 về chợ an toàn thực phẩm lại vắng vẻ, nhiều gian hàng bị bỏ trống.

Ông Lê Đình Trọng, giám đốc công ty TNHH DV TM Trọng Len, là đơn vị đầu tư, quản lý, kinh doanh khai thác chợ Mom cho biết, chợ được chuyển đổi mô hình từ tháng 10/2017 với tổng vốn đầu tư hơn 4 tỷ đồng, quy mô khoảng 170 gian hàng, mỗi gian hàng trung bình khoảng 7m2.

Chợ Mom đầu tư hàng tỷ đồng vắng như "chùa Bà Đanh"

Mặc dù đã đi vào hoạt động được 2 năm nhưng số hộ tiểu thương vào chợ chỉ có 78 hộ, phí cho thuê gian hàng chỉ đủ để trả tiền lương, điện, vệ sinh hàng tháng khiến công ty gặp nhiều khó khăn.

Chia sẻ về sự việc này, đại diện công ty Trọng Len cho hay, nguyên nhân khiến các tiểu thương không vào chợ là do sự xuất hiện của chợ cóc có tên chợ Đón tại xã Quảng Trạch và Trung tâm thương mại Đức Cẩm, xã Quảng Nham vốn không có trong mạng lưới quy hoạch chợ của địa phương nhưng người dân vẫn tổ chức họp chợ nơi đây.

“Việc các tiểu thương không vào họp trong chợ, mà họp ở chợ cóc, chợ tạm, điển hình chợ Đảo diễn ra khá phố biến, thường xuyên và không có dấu hiệu rời đi đã ảnh hưởng xấu đến cảnh quan chung, gây tắc ngẽn giao thông, mất vệ sinh công cộng và gây ô nhiễm môi trường. Cho nên, chúng tôi gửi kiến nghị các cấp tỉnh Thanh Hóa có biện pháp xóa bỏ chợ tạm, chợ cóc để đưa các tiểu thương vào họp trong chợ”, ông Lê Đình Trọng cho biết.

Trao đổi về sự việc, ông Hà Thế Anh, Chủ tịch UBND xã Quảng Nham cho biết: “Hiện tại trên địa bàn xã chỉ có chợ Mom là thuộc mạng lưới quy hoạch chợ của địa phương, còn Trung tâm thương mại Đức Cẩm được UBND huyện Quảng Xương cho thuê đất từ năm 2018 với mục đích kinh doanh dịch vụ, thương mại. Việc họ cho thuê bán hàng tại chợ cóc là do nhu cầu và thói quen tiện đâu mua đó đã tồn tại lâu đời của người dân địa phương”.

Khi được hỏi về việc tồn tại chợ cóc gây khó khăn cho doanh nghiệp đã đầu tư chợ Mom và việc doanh nghiệp đã có kiến nghị gửi các cấp tỉnh Thanh Hóa, ông Thế Anh cho rằng, doanh nghiệp đã được giao chợ, việc hoạch toán, đầu tư, kinh doanh làm sao có lợi là việc doanh nghiệp phải làm.

Tác giả: Trịnh Tuyên- Phương giang

Nguồn tin: Báo Gia đình Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok