Trong tỉnh

Thanh Hóa: Chấn chỉnh hoạt động vận tải của nhà xe Vân Anh

Sở GTVT Thanh Hóa đã giải quyết thủ tục hành chính, cấp phù hiệu xe tuyến cố định cho 14 phương tiện của nhà xe Vân Anh để khai thác trên tuyến Thanh Hóa - Hà Nội

Liên quan đến việc nhà xe Vân Anh (Công ty TNHH Du lịch & Vận tải Vân Anh) có hành vi bỏ bến, sử dụng xe trung chuyển trái phép và tổ chức đón trả khách tại văn phòng bán vé tại Thanh Hóa, ông Vũ Minh Thuận, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Thanh Hóa cho biết, đơn vị đã nhắc nhở, chấn chỉnh và yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện đăng ký xe trung chuyển để được cấp phù hiệu cũng như đảm bảo đủ điều kiện mới được hoạt động.

Đồng thời, Sở GTVT tỉnh Thanh Hóa có văn bản gửi Công ty CP Đầu tư phát triển ngành Nước và Môi trường (Đơn vị quản lý bến xe khách Nước Ngầm) về việc Công ty TNHH Du lịch & Vận tải Vân Anh đăng ký tần suất khai thác trên tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh Thanh Hóa (bến xe phía Bắc TP Thanh Hóa) - Hà Nội (bến xe Nước Ngầm) và ngược lại.

Nhà xe Vân Anh đón trả khách tại văn phòng bán vé và sử dụng xe trung chuyển trái phép.

Theo Sở GTVT Thanh Hóa, hiện, doanh nghiệp này đã giảm số chuyến khai thác từ 40 chuyến/ngày xuống còn 24 chuyến/ngày so với thời gian đầu khi hoạt động. Đến thời điểm hiện tại, Sở GTVT Thanh Hóa đã giải quyết thủ tục hành chính, cấp phù hiệu xe tuyến cố định cho 14 phương tiện của nhà xe Vân Anh để thực hiện khai thác trên tuyến Thanh Hóa - Hà Nội, trong đó có 8 xe 10 chỗ và 6 xe 24 chỗ.

Đối với việc đón/trả khách tuyến cố định tại văn phòng đại diện 40 Lê Hoàn của nhà xe này mà không vào bến xe phía Bắc TP Thanh Hoá, ông Thuận cho biết, đã yêu cầu nhà xe này chấp hành nghiêm quy định đưa xe vào bến hoạt động và tháo dỡ văn phòng tại đây.
Tiếp đó, Cục Đường bộ VN (Bộ GTVT) cũng đã ra văn bản gửi các Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW đề nghị tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải.

Theo đó, để từng bước lập lại trật tự hoạt động vận tải, đảm bảo công bằng, bình đẳng giữa các loại hình kinh doanh vận tải đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải..., Cục Đường bộ VN đề nghị các Sở GTVT tăng cường khai thác, sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, camera lắp trên xe để theo dõi chặt chẽ hoạt động của phương tiện và lái xe đảm bảo thực hiện đúng các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải; thường xuyên có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời đối với các trường hợp vi phạm.

Cùng với đó, tiếp tục công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng số điện thoại đường dây nóng của Sở GTVT, đơn vị chức năng thuộc Sở, bến xe, bãi đỗ xe và các lực lượng có chức năng liên quan để tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân, đơn vị vận tải, lái xe và nhân viên phục vụ trên xe, qua đó kịp thời đưa ra các biện pháp xử lý theo quy định.

Cục Đường bộ VN cũng đề nghị các Sở GTVT chỉ đạo Thanh tra Sở GTVT tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, bố trí thêm lực lượng phối hợp với Cảnh sát giao thông kiểm tra phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về trật tự ATGT; có biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm và kiên quyết các trường hợp người lái xe sử dụng phương tiện chở quá số người quy định ngay từ thời điểm đón, trả khách và trong suốt quá trình vận chuyển; phương tiện chạy sai hành trình, niêm yết và tăng giá vé trái với quy định, quá niên hạn kiểm định, đón, trả khách không đúng nơi quy định.

Đồng thời, Cục Đường bộ VN cũng đề nghị các Sở GTVT chỉ đạo các đơn vị kinh doanh khai thác bến xe thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tình trạng kỹ thuật của phương tiện trước khi xuất bến, kiên quyết không cho các phương tiện không đảm bảo kỹ thuật, các phương tiện niêm yết giá vé, bán vé không đúng quy định xuất bến; kiểm tra các hình thức bán vé, niêm yết giá vé trên xe và tại quầy vé của đơn vị kinh doanh vận tải; hỗ trợ, ưu tiên và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có nhu cầu mua vé, đồng thời, có biện pháp phòng chống việc đầu cơ, buôn bán vé, không để tình trạng tăng giá vé trái quy định gây mất an ninh trật tự trong bến, ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ.

Trước đó, trong vai hành khách sử dụng xe Vân Anh limousine giường nằm từ Hà Nội về Thanh Hóa và ngược lại, PV Báo Tri thức và Cuộc sống đã ghi nhận và phản ánh tình trạng nhà xe Vân Anh sử dụng xe trung chuyển không phép đón trả tại các điểm theo yêu cầu. Thậm chí, chiếc xe khách giường nằm của nhà xe này di chuyển từ bến xe Nước Ngầm về thẳng về số 40 đường Lê Hoàn, phường Điện Biên, TP. Thanh Hóa mà không vào Bến xe phía Bắc Thanh Hóa để làm thủ tục về bến theo quy định.

Về khu đất 40 Lê Hoàn – nơi Công ty TNHH du lịch vận tải Vân Anh đặt làm chi nhánh văn phòng bán vé, nhưng có hoạt động “bến cóc” đón trả khách, Sở GTVT Thanh Hóa đã chỉ rõ: “Tại vị trí này, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông đông, không đảm bảo ATGT khi các xe khách của Công ty ra vào đón, trả khách. Mặc khác, hệ thống PCCC của văn phòng công ty chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép”.

Tác giả: Thiên Tuấn

Nguồn tin: kienthuc.net.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok