Sông Lò tại khu vực xã Tam Thanh, Tam Lư, huyện Quan Sơn khá hẹp và dốc với nhiều đá lởm chởm, thế nhưng tại khu vực bản Piềng Khóe, xã Tam Lư lòng sông được mở rộng, thoải, gấp khúc vì vậy xuất hiện một bãi cát bồi lắng rộng hàng trăm mét trên khúc sông này, nơi này được người dân xem như vựa cát.
Khu vực sông Lò tại xã Tam Lư, huyện Quan Sơn mà “cát tặc” ngang nhiên hoành hành |
Nhiều người dân tại đây cho biết, khu vực này đã xảy ra hiện tượng đưa máy móc đến đào xới khai thác cát đã hơn 3 tháng nay, điều đặc biệt là tại đây cứ sau một trận lũ là cát lại bồi hoàn như cũ, thậm chí nhiều hơn nên không lo hết cát. Hơn nữa, đây là khu vực biên giới nhưng hoạt động khai thác cát lại được diễn ra một cách rầm rộ, ngang nhiên nhưng chưa thấy chính quyền địa phương và lực lượng chức năng xử lý.
Cát được vun đống khô rồi chất lên các xe vận chuyển đưa đi tiêu thụ |
Sau nhiều ngày theo dõi, PV Báo Tài nguyên & Môi trường đã nắm rõ tình hình, quy luật, cách thức cũng như mọi hoạt động tại điểm khai thác cát trái phép quy mô lớn này. Vì là bãi cát bồi lắng lộ thiên nên tại đây chỉ cần máy xúc, xúc trực tiếp, vun đống chờ cát khô rồi đưa lên các xe trọng tải lớn đem đi tiêu thụ. Cát khô được vun đống không quá cao và quá to, hết lại đào, lại vun. Một ngày sẽ có 1 – 2 lượt đoàn xe này đến “ăn hàng” rồi lặng lẽ hướng về phía đường tiểu ngạch biên giới. Chiếc máy xúc sau khi moi móc lòng sông, gây biến dạng dòng sông, vun đống chờ cát khô hoặc sau khi đã chất đầy hàng lên các xe thì sẽ được đánh sang bờ hữu của sông Lò núp giữa lùm cây như không hề liên quan đến việc khai thác cát trái phép. Đó là chưa kể đến việc, khai thác cát trái phép gây nguy cơ ô nhiễm nguồn nước sông Lò.
Sông Lò bị đục khoét nham nhở suốt một thời gian dài |
Theo quan sát của PV tại điểm “cát tặc này”, sông Lò bị đục khoét ra tận giữa sông, tầng cát tại đây bị đào xới sâu từ 2 – 3 m, nham nhở như những hố bom. Đường vận chuyển ngay dưới sông dài hàng trăm mét, in hằn rõ những vệt bánh xe. Các xe vận chuyển cát được cơi nới thành thùng xe, mặc dù chở cát nhưng cũng không thèm che chắn bạt.
Khi PV phản ánh vụ việc trên với ông Vi Văn Piên – Chủ tịch UBND xã Tam Lư thì lúc đầu ông Piên cho rằng: Không có hiện tượng khai thác cát trái phép trên địa bàn. Tuy nhiên, sau khi PV đưa hình ảnh “cát tặc” vừa lộng hành cách đó ít phút thì vị Chủ tịch xã lại cho biết rằng: Cát tại bản Piềng Khóe của Doanh nghiệp Phương Hà, mới khai thác được một ít? Tháng 03/2017 khi phát hiện, xã cũng đã lập biên bản yêu cầu tạm dừng rồi báo cáo Phòng TN&MT huyện nhưng không xử phạt hành chính. Còn hiện tại việc khai thác cát trái phép đang diễn ra rầm rộ thì chúng tôi chưa nắm được vì cách đây xa?
Chiếc máy xúc sau khi vun cát và xúc cát lên các xe liền trở sang bờ hữu và núp giữa lùm cây |
Trao đổi với PV Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Lương Tiến Thành – Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn cho biết: Trên địa bàn huyện Quan Sơn không có mỏ cát nào, việc khai thác cát trái phép đã có chỉ thị cấm từ tháng 12/2016. Việc “cát tặc” ngang nhiên lộng hành tại bản Piềng Khóe, xã Tam Lư huyện chưa nắm được, cũng chưa thấy báo cáo của chính quyền địa phương? Vấn đề này sẽ giao cho liên ngành công an, phòng TN&MT, địa phương và đồn biên phòng xác minh, làm rõ thuộc về trách nhiệm cá nhân, tập thể nào và xử lý theo quy định pháp luật.
Con đường vận chuyển cát lậu ngay bên bờ sông Lò in hằn những vệt bánh xe |
Theo Nghị định 34/2014/NĐ – CP ngày 29/04/2014 của Chính phủ về Quy chế khu vực biên giới đất liền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tại Điều 4 Các hành vi bị nghiêm cấm trong khu vực biên giới đất liền gồm: “Khoản 2. Làm thay đổi dòng chảy tự nhiên, làm cạn kiệt nguồn nước, gây ngập úng, ô nhiễm môi trường của sông, suối biên giới; Khoản 3. Cư trú, khai thác lâm thổ sản, thăm dò, khai thác khoáng sản, thủy sản trái phép”.
Rõ ràng, hành vi khai thác cát trái phép trên sông Lò, thuộc xã Tam Lư, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) không chỉ gây thất thoát tài nguyên khoáng sản mà còn vi phạm nghiêm trọng đến khu vực biên giới. Thế nhưng, hành vi vi phạm nghiêm trọng ấy vẫn được diễn ra trong suốt thời gian dài một cách ngang nhiên. Vậy, ai đã tiếp tay cho “cát tặc” lộng hành vùng biên và hành trình của “cát tặc” sẽ ra sao?
Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường sẽ thông tin tiếp vụ việc.
Tác giả: Anh Tú
Nguồn tin: Báo Tài nguyên & Môi trường