|
Gần nửa năm chờ bồi thường thiệt hại
Đầu tháng 3/2021, người dân nuôi cá lồng trên sông Mã đoạn chảy qua 2 huyện Bá Thước và Cẩm Thủy (Thanh Hóa) phát hiện tình trạng cá chết hàng loạt, kèm theo nước sông Mã chuyển màu đen quánh, bốc mùi hôi thối có dấu hiệu ô nhiễm. Ngoài ra, các loài thủy sinh như cá, tôm, nhuyễn thể sống tự nhiên trên sông cũng chết nhiều được người dân phát hiện.
Tiến hành kiểm tra, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện 13 doanh doanh nghiệp sản xuất, chế biến lâm sản, tinh bột sắn trên địa bàn vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, xả thải trộm ra sông Mã.
Theo thống kê, sau hơn 1 tháng nước sông Mã có dấu hiệu ô nhiễm, trên địa bàn 2 huyện Cẩm Thủy và Bá Thước đã có tổng số 656 lồng nuôi của 468 hộ nuôi bị thiệt hại, với hơn 56 tấn cá các loại bị chết.
Tuy nhiên, đã gần nửa năm trôi qua, các hộ nuôi cá bị thiệt hại vẫn chưa nhận được tiền bồi thường. Người nuôi hiện đang “mắc cạn” bên những lồng thưa thớt cá, những khoản nợ ngân hàng và rất cần nguồn vốn để tái sản xuất tìm kế sinh nhai, ổn định cuộc sống.
Người nuôi khắc khổ bên những lồng cá bị thiệt hại sau sự cố môi trường. |
Chia sẻ với Người Đưa Tin, bà Nguyễn Thị Lan (SN 1962), hộ nuôi cá ở thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước cho biết: “Đợt cá chết bất thường vừa qua gia đình tôi thiệt hại gần 1 tạ cá các loại, giá trị khoảng hơn 20 triệu đồng, tuy nhiên, tới nay tôi vẫn chưa nhận được tiền bồi thường thiệt hại để tái sản xuất, ổn định cuộc sống. Mấy hôm đầu, chính quyền huyện cũng có hỗ trợ khuyến khích, động viên mỗi gia đình từ 1 đến 2 triệu tùy số lượng cá chết, mặc dù nhà tôi nuôi cá có giá trị cao nhưng người ta cũng chỉ hỗ trợ theo giá cá trắm tổng được 2 triệu đồng”.
Chị Hiền bên lồng cá "nằm bờ" của gia đình khi không có tiền để tái sản xuất và do lo sợ tình trạng cá chết tái diễn. |
Cũng trong tình trạng trên nhưng các hộ nuôi cá trên sông Mã tại huyện Cẩm Thủy còn bi đát hơn khi chưa nhận được bất kỳ khoản tiền hỗ trợ hay bồi thường nào sau sự cố trên.
Chị Quách Thái Điều (SN 1985) nuôi cá lồng tại xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy cho biết: “Đợt vừa rồi cá của gia đình tôi đột nhiên chết bất thường, chính quyền địa phương sau đó cũng xuống thống kê thiệt hại, nhà tôi có 2 bè cá thì có hơn 2 tạ cá trắm bị chết, thời điểm đó nước sông đen, có mùi hôi thối. Tới nay, đã gần nửa năm nhưng tôi và những hộ nuôi ở địa phương chưa nhận được bất cứ khoản tiền hỗ trợ cũng như bồi thường thiệt hại nào để ổn định cuộc sống và tái sản xuất”.
Người dân bỗng dưng “lãnh” hậu quả
Trước tình trạng trên, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Thủy cho biết: “Sau khi xảy ra sự cố huyện cũng đã thống kế thiệt hại và tham mưu, chỉ đạo để người dân tái sản xuất nhưng cũng tùy vào các hộ chứ huyện không có kinh phí để hỗ trợ. Về quy định, phải xác định được nguyên nhân cá chết thì mới bồi thường được. Trong kết luận ngày 30/7/2021 của lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa liên quan tới sự cố trên, tôi cũng chưa thấy đề cập đến vấn đề bồi thường thiệt hại cho người dân để huyện có phương án giải quyết”.
Để có thể hiểu rõ về nguyên nhân cá chết, phóng viên cũng đã có cuộc trao đổi với ông Lê Xuân Thắng, Phó chi cục thủy sản Thanh Hóa thì được cho biết, việc xác định nguyên nhân cá chết là rất khó khăn, gần như trong trường hợp này không thể xác định được:
“Sau khi có hiện tượng cá chết chúng tôi đã xuống hiện trường lấy mẫu và tiến hành các xét nghiệm. Sau đó, đã xác định được cá chết của các hộ nuôi không phải do dịch bệnh. Đồng thời, khi đo đạc phát hiện lượng oxy hòa tan trong nước sông Mã thời điểm đó thấp, nên có thể khiến cá chết bất thường. Nhưng về nguyên nhân gây nên tình trạng đó chúng tôi cũng không thể xác định được, do cần nguồn lực lớn và phải có thời gian dài và mới làm được”.
Tác giả: Việt Phương
Nguồn tin: nguoiduatin.vn