Phát biểu trên truyền hình, Thống đốc bang Hawaii, ông Josh Green cho biết hơn 2.200 công trình đã bị phá hủy và 500 công trình khác bị hư hại, với thiệt hại ước tính gần 6 tỷ USD. Nhiều khả năng con số này sẽ tăng khi công tác tìm kiếm nạn nhân vẫn tiếp tục được triển khai.
Hiện lực lượng tìm kiếm cứu nạn gồm 470 nhân viên cùng 40 chó nghiệp vụ đang nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân bị vùi lấp ở hàng trăm công trình bị thiêu rụi. Ít nhất 1.000 người hiện vẫn mất tích. Nhóm cứu hộ thị trấn Lahaina đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm các nạn nhân bị vùi lấp trong đống đổ nát trước khi một trận mưa lớn có thể sẽ xảy ra vào tuần tới.
Sẽ phải mất nhiều năm và tiêu tốn hàng tỷ USD để có thể tái thiết thị trấn Lahaina. Thảm họa cháy rừng đã thiêu rụi nhiều công trình tại điểm đến du lịch nổi tiếng này trên đảo Maui.
Cảnh đổ nát sau thảm họa cháy rừng - Ảnh: THX |
Thống đốc Green cho biết ông đã yêu cầu các cơ quan chức năng liên quan đánh giá tổng thể và chi tiết phương án ứng phó khẩn cấp với thảm họa cháy rừng ở Maui.
Hôm 17/8, người đứng đầu cơ quan quản lý khẩn cấp hạt Maui, ông Herman Herman Andaya, đã đệ đơn từ chức trong bối cảnh cơ quan này đang chịu nhiều ý kiến chỉ trích về cách thức ứng phó với thảm họa cháy rừng được cho là tồi tệ nhất thế kỷ.
Trong một thông báo đưa ra hồi đầu tuần, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tới thị sát Maui vào ngày 20/8 (theo giờ địa phương). Chuyến thị sát này nhằm đánh giá tình hình thiệt hại cũng như động viên tinh thần các nạn nhân.
Hiện chưa xác định được nguyên nhân cháy rừng ở Maui, song Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ cho rằng thảm thực vật khô, gió mạnh và độ ẩm thấp đã gây ra cháy rừng. Theo ông Thomas Smith, Giáo sư địa lý môi trường tại Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London, cháy rừng xảy ra hằng năm ở Hawaii, nhưng đám cháy năm nay bùng phát nhanh và lớn hơn bình thường.
Thảm họa cháy rừng tại Maui xảy ra trong bối cảnh hàng loạt điều kiện thời tiết cực đoan hoành hành ở Bắc Mỹ trong mùa Hè này. Cháy rừng vẫn tiếp diễn ở Canada gây ra mức phát thải kỷ lục, trong khi khu vực Tây Nam nước Mỹ vẫn đang hứng chịu đợt sóng nhiệt khắc nghiệt.
Các nhà khoa học cho rằng tình trạng ấm lên toàn cầu do con người gây ra đang làm gia tăng nguy cơ xảy ra thảm họa thiên nhiên.
Tác giả: An Đông (T/h)
Nguồn tin: moitruongvadothi.vn