Kinh tế

Thái Lan sản xuất phở Việt Nam và bán “ào ào” qua Mỹ

Người Mỹ rất ưa chuộng phở Việt Nam. Nhận thấy nhu cầu rất lớn này nên các doanh nghiệp Thái Lan đã đầu tư công nghệ hiện đại để sản xuất phở Việt bán qua thị trường Mỹ.

Ngày 4/6, đại diện Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) cho biết, đoàn doanh nghiệp Việt Nam tham gia Hội chợ thương mại quốc tế ThaiFex 2018 đã đến tham quan một nhà máy hiện đại của Thái Lan.

Điều đặc biệt là doanh nghiệp Thái Lan này lại đang sản xuất phở Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ.

Nhà máy hiện đại tại Thái Lan sản xuất 200.000 sản phẩm mỗi ngày nhưng chỉ cần 10 công nhân.

Đại diện doanh nghiệp Thái Lan cho biết, phở là một trong nhiều mặt hàng đang sản xuất tại nhà máy này. Toàn bộ nhà máy làm ra hơn 200.000 sản phẩm mỗi ngày nhưng chỉ cần 10 công nhân. Một số dây chuyền đã được tự động hoá hoàn toàn chỉ cần 2 công nhân điều khiển hai bảng máy tính. Lượng hàng hóa trong kho rất lớn nhưng được điều phối hoàn toàn bằng robot.

“Thực ra thì quy mô nhà máy của chúng tôi vẫn chưa phải là lớn. Nhà máy lớn nhất trong hệ thống của chúng tôi được đặt tại Mỹ với sản lượng 2 triệu sản phẩm/ngày”, đại diện doanh nghiệp Thái Lan nói.

Cũng theo vị đại diện doanh nghiệp của Thái Lan thì phở Việt Nam là một trong những món ăn rất được ưa chuộng tại Mỹ cùng với Pizza Ý, Sushi Nhật Bản và bánh Burritos Mexico. Phở Việt Nam được bán rất chạy và các cửa hàng phở đang “mọc lên như nấm” tại Mỹ.

Sản phẩm phở Việt Nam do Thái Lan sản xuất được đóng gói trong bọc giấy nhưng không làm rỉ nước sốt ra ngoài. Khi sử dụng, khách hàng chỉ cần cho vào lò vi sóng khoảng 2 phút là có thể thưởng thức. Hạn sử dụng của loại phở này lên đến 18 tháng kể từ ngày sản xuất.

Phở Việt Nam do doanh nghiệp Thái Lan sản xuất có bao bì sản phẩm đẹp mắt và hiện đại.

Theo bà Vũ Kim Anh, Phó Giám đốc Trung tâm BSA thì phở Việt Nam do Thái Lan sản xuất đang được phân phối rộng rãi trong các siêu thị và kênh bán lẻ lớn như Azazon, Walmark, Costco, Kroger...

“Đại diện các doanh nghiệp trong đoàn Việt Nam đã có cơ hội học hỏi thêm về chi phí xây dựng nhà máy, nguồn cung cấp các máy móc công nghệ và họ rất ngạc nhiên khi mà chi phí lại thấp hơn rất nhiều so với các nguồn họ đang tiếp cận. Để đuổi kịp một trong những “đối thủ” trực tiếp của ngành nông sản và thực phẩm của Việt Nam tại Đông Nam Á như Thái Lan thì chúng ta còn phải thay đổi rất nhiều”, bà Kim Anh nói.

Tác giả: Đại Việt – Công Quang

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok