Trải qua 3 ngày và vẫn đang tiếp tục sống trong tình cảnh nước ngập đến nửa nhà, không nước, không điện, thiếu cơm, run rét. Hàng nghìn người dân huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa vẫn đang “túng quẫn” qua những gói mỳ và nước khoáng.
Lũ về, vội vàng sơ tán trong đêm
Về đến nơi rốn lũ Thanh Hóa (ngày 11/10), quang cảnh trước mắt chúng tôi là con sông Bưởi nước đục ngầu, nước chảy cuồn cuộn, cánh đồng đương thời thu hoạch trắng băng trong dòng nước lũ.
Tất thảy, hàng ngàn người dân thị trấn Kim Tân và các xã lân cận hoảng loạn tri hô nhau khênh đồ đạc lên xe tải, di tản người và tài sản trong đêm do lo sợ đê sông Bưởi vỡ bất kể lúc nào.
Nhiều ngôi nhà tại xã Thạch Định, huyện Thạch Thành chìm trong nước |
Chập tối ngày 11/10, mực nước sông Bưởi không ngừng lên nhanh khiến một đoạn đê dài khoảng 2km tại xã Thạch Định tràn bơ, chính quyền huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) ban bố tình trạng khẩn cấp, toàn thị trấn Kim Tân cùng những địa phương cận sông Bưởi nhốn nhác chạy người và tài sản trong đêm.
Suốt trong đêm 11/10 và rạng sáng 12/10, khung cảnh sơ tán dân trên toàn huyện Thạch Thành ồn ào, náo động cả một miền quê. Anh Đỗ Văn Thông (39 tuổi, trú tại thị trấn Kim Tân) cho biết: “Phải đi ngay, không nhỡ vỡ đê như năm 2007 thì hỏng bét. Cả thị trấn lúc đấy chìm trong biển nước, có trèo lên tầng 2 hay lên mái nhà cũng không ổn, nên đi thôi, lên khu vực Dốc Trầu cho an toàn. Anh Thông nói trong hốt hoảng.
Anh Tôn Viết Quyền (30 tuổi, trú tại xã Ngọc Trạo, là một lái xe) cho biết, mình cùng rất nhiều lái xe tại các xã lân cận được gọi lên đây để giúp các hộ dân, vận chuyển hàng hóa, trang thiết bị cần thiết đến nơi an toàn. “Có thể chúng tôi sẽ phải làm việc xuyên đêm nay”, anh Quyền nói.
Trèo mái nhà, chạy lên đồi tránh lũ
Đêm xuống, độ khoảng 20h ngày 11/10, toàn thể dân xã tôi thấy nước lũ chảy về ồ ạt, dòng nước lớn và dâng lên rất nhanh khiến nhiều nhà không kịp trở tay; “Gia đình tôi, người dăt con trâu, người sách lồng gà, bồng con bồng cháu chạy thật nhanh lên khu đồi (phía sau UBND xã Thạch Định, huyện Thạch Thành), chạy đến bở hơi tai vẫn không kịp do nước lũ lên quá nhanh lại ngay trong đêm tối. Dòng nước quá mạnh, chúng tôi đau xót đứng nhìn những tài sản trong nhà trôi theo dòng nước”, bà Đặng Thị Dương (55 tuổi, trú thôn Định Tường, Yên Định, huyện Thạch Thành) kể lại.
Bà Đặng Thị Dương kể về cuộc sống trong cơn lũ lớn |
Trên ngọn đồi, chúng tôi gặp được Bà Lưu Thị Hương (56 tuổi, trú tại thôn 4 Định Tường, xã Thạch Định, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa). Bà Hương nói trong nước mắt: “Hôm nay (12/10-PV) là ngày thứ 2 tôi phải chạy lên đây để tránh lũ.
Ở trên này, thiếu thốn đủ thứ, không có chăn màn, thiếu cơm, nước sạch, giường chiếu không có chúng tôi phải nằm đất. Đêm đến, luôn phải thức trắng vì muỗi, vì lo sợ mai nước lũ tiếp tục dâng. Tôi chỉ có một mình, khi chạy lũ, chẳng kịp mang theo thứ gì ngoài con trâu nghé, còn lại mọi thứ đều ngập hết. Bà Hương nói trong nước mắt.
Không như các hộ dân khác, Ông Ngô Văn Khởi (62 tuổi, trú tại thôn Định Cát, xã Thạch Định, huyện Thạch Thành) không chạy lũ, ông Khởi vẫn ở trong căn nhà cấp 4 tuềnh toàng, nước ngập gần đến mái.
Ông Khởi cho biết: “Mấy hôm nay, ngày nào tôi cũng ở trong nhà, bằng cách kê những tấm ván lên xà nhà thành một phản lớn, một vài đồ đạc có giá trị được chất lên, còn lại dùng để làm chỗ nằm ngủ. Khi nào đói, tôi hụp một hơi qua cánh cửa bị ngập, rồi dùng chiếc can nhựa làm phao bơi ra ngoài kiếm gòi mì, chai nước cầm cự. Sống trong cảnh dưới là nước, trên là mái nhà, trời luôn tối om. Tuy nhiên, tôi không muốn rời ngôi nhà của mình".
Cùng chung hoàn cảnh với gia đình bà Dương, bà Hương, ông Khởi thì có đến hàng nghìn hộ dân khác tại huyện Thạch Thành sống trong tình cảnh “màn trời chiếu nước”.
Ông Ngô Văn Khởi sống trên cái gác tạm trong căn nhà cấp 4 ngập quá nửa. |
Lũ chưa qua, bão đang tới
Đấy là than thở của Bà Bùi Thị Mười – Bí thư huyện ủy huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) khi tiếp chúng tôi (PV) trong căn phòng làm việc. Bà Mười cho biết: “Tôi mới đi tiếp tế cho bà con về, thương qua các chú ạ, các hộ dân đều bị ngập trắng. Tôi chưa thấy cơn lũ cao như vậy, cao hơn cả nước lũ năm 2007 gần 40cm, 165/243 thôn bị cô lập, phải di rời 3.700 hộ với 16.000 nhân khẩu. Sáng nay (13/10), nước lũ đã xuống dần nhưng lũ năm nay nước xuống rất chậm, nên nhiều gia đình vẫn đang trong tình trạng ngập sâu, hàng chục nghìn cháu vẫn chưa thể tới trường”.
Hiện tại, chính quyền địa phương vẫn đang khẩn trương tìm cách hỗ trợ người dân trong vùng lũ những nhu yếu phẩm (mì tôm, nước uống). Các cơ quan ban ngành của tỉnh Thanh Hóa cùng các nhà hảo tâm cũng đã về địa phương để chỉ đạo và ủng hộ thực phẩm, vật dụng cần thiết cho địa phương.
Bà Mười cho biết thêm, các vấn đề như vệ sinh môi trường, thu dọn sau lũ chúng tôi đã đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa phối hợp hỗ trợ. Tuy nhiên, cái mà huyện đang lo nhất là mực nước sông Bưởi xuống rất chậm, trong khi đó, cơn bão số 11 (Khanun) đang tiến sát bờ biển, “lũ chưa qua, bão ập tới” thì không biết hậu quả sẽ ra sao. Trước tình trạng trên, huyện đã chuẩn bị 20.000 bao tải cát để sẵn sàng gia cố những đoạn đê sung yếu./.
Theo báo cáo số 159/BC-PCTT&TKCN của Ban Chỉ huy Phòng, chống Thiên tai và Tìm kiến cưu nạn tỉnh Thanh Hóa tính đến 17h ngày 13/10, đã có 20 người chết và mất tích; hơn 26.000 ngôi nhà bị ngập; hàng chục nghìn ha hoa màu bị cuốn trôi, chìm trong nước; hàng trăm nghìn con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi; cả trăm đập tràn, hồ nước, kênh mương, cầu cống bị sạt lở hư hỏng. Nhiều tuyến đường Quốc lộ, tỉnh lộ và các đường liên huyện trong tỉnh bị sạt lở, ngập úng nghiêm trọng; hàng ngàn ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập sâu.
Trước tình trạng trên, Tỉnh Ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng, chống Thiên tai và Tìm kiến cưu nạn tỉnh Thanh Hóa đã thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo, động viên chính quyền, nhân dân các địa phương bị thiên tai, sớm khắc phục hậu qua do mưa lũ gây ra.
Tác giả: Hạ Thiên
Nguồn tin: Báo VOV