Cuộc sống

Tết nội - tết ngoại

Nhiều anh chồng vì muốn làm cho gia đình vui nên cố ép vợ con phải về bên nội mà đón tết. Cô vợ thuộc dạng nóng tính sẽ phản ứng mạnh mẽ kiểu: “Sao cứ lại phải nhà anh mà không phải nhà tôi? Tôi cũng có gia đình mà!”.

Tết đoàn viên đầm ấm luôn là mong muốn của mọi gia đình

Tết đoàn viên đầm ấm luôn là mong muốn của mọi gia đình

Cứ mỗi dịp tết đến, câu chuyện ăn tết quê nội hay quê ngoại luôn trở thành một đề tài nóng, thậm chí với không ít gia đình, đây trở thành một cuộc tranh cãi thường niên. Có thể nói, chuyện ăn tết bên nội hay ngoại đã cho thấy cách xử lý những vấn đề tế nhị trong gia đình có tầm ảnh hưởng đến sự hòa hợp trong đời sống vợ chồng.

Nhà anh, nhà em

Lấy chồng 8 năm thì cũng từng ấy cái tết, chị Thu Hồng (Gò Vấp, TPHCM) chưa được ăn tết cùng bố mẹ đẻ. Mà nào có phải xa xôi, bố mẹ chị ở Bình Dương, còn bố mẹ chồng ngay tại TPHCM. Ấy thế mà năm nào, cứ gần tết là chị lại phải gọi cho bố mẹ sụt sùi, rằng sau tết các cháu mới về thăm ông bà được. Và cũng lần nào, mẹ chị cũng khuyên bằng chất giọng buồn bã “Con gái về nhà chồng phải theo chồng, con ráng lo tết với ông bà nội mấy đứa cho vẹn toàn con ạ”. Rồi cũng như mọi lần, chị lại hứa sang năm sẽ về để các cháu đón tết cùng ông bà ngoại, một lời hứa mà cả chị lẫn bố mẹ đều hiểu, chưa biết bao giờ mới làm được.

Chồng chị là con trưởng nên mỗi dịp tết đến, cả nhà chị lại về nội ăn tết. Đã thế, ông bà nội cũng mới chỉ có 2 đứa cháu nội là con của vợ chồng chị nên luôn muốn cháu đón tết ở nhà. Mấy năm trước, con còn bé, chị đành chịu, nay con cũng đã lớn, mấy người em của chồng cũng đã có vợ có chồng, nhà nhộn nhịp hẳn, nên năm ngoái, chị đánh tiếng xin được đón tết nhà bố mẹ đẻ. Mới chỉ vậy, mẹ chồng chị đã hậm hực, khó chịu, nói con gái đã đi lấy chồng, mà chỉ chân trước chân sau muốn chạy về nhà. Chồng chị nghe lời mẹ, nên cũng dẹp luôn ý định về ngoại ăn tết.

Anh nói, đợi vài năm nữa, khi con lớn hơn, mấy đứa em có con, ông bà nội cũng đỡ buồn, muốn đi đâu cũng được. Khi ấy, chị bức xúc quá, nên phản ứng với chồng, anh nói mọi chuyện đơn giản như vậy, bởi năm nào anh cũng được ăn tết cùng bố mẹ. Thế là hai vợ chồng đâm ra căng thẳng, mọi chuyện không giải quyết được gì mà còn mất cả cái tết vui vẻ. Thế nên năm nay chị cũng chán, cứ để mặc kệ như cũ dù rằng nỗi nhớ bố mẹ cứ quay quắt.

Chị H.Oanh, nhà ở quận 3, TPHCM lại rơi vào hoàn cảnh ngược lại, tết năm ngoái chị bị mẹ ruột giận vì lý do “tủi thân”. Chẳng là mùng 3 tết mẹ chị rủ mẹ chồng đi chùa bởi trước 2 bà cùng một đạo tràng. Trong chuyến đi, nghe bà sui khen con gái mình mà bà bỗng chạnh lòng. Thì ra, năm nào con gái bà cũng lo đâu vào đó cho nhà chồng, nào là quần áo mới cho bố mẹ chồng, hoa kiểng, hoa mai chưng tết, trang hoàng nhà cửa, mâm cúng tổ tiên… Bà than thở: “Thế mà bên nhà tôi nó chỉ mang về nhà một giỏ quà, mấy cái bánh chưng rồi đi luôn, xem như xong trách nhiệm…”.

Khi biết chuyện, chị Oanh phân trần, nhà chồng chị tuy có mấy đứa con nhưng hiện chỉ có mỗi chồng chị có vợ, là con dâu duy nhất, chị phải phụ chồng quán xuyến, làm tròn chữ hiếu với cha mẹ chồng. Chị nghĩ đơn giản, bên nhà chị thì đã có đến 2 bà chị dâu, phụ chăm lo cha mẹ chồng giống như chị nên không cần phải lo nữa.

Đẹp cả đôi bên

Lựa chọn đón tết nội hay ngoại luôn là vấn đề khó nghĩ cho các đôi vợ chồng nhất là vợ chồng trẻ. Nhiều anh chồng vì muốn làm cho gia đình vui nên cố ép vợ con phải về bên nội mà đón tết. Cô vợ thuộc dạng nóng tính sẽ phản ứng mạnh mẽ kiểu: “Sao cứ lại phải nhà anh mà không phải nhà tôi? Tôi cũng có gia đình mà!”. Cô vợ hiền thì lẳng lặng làm theo ý chồng mà nuốt nước mắt vào trong để rồi mâu thuẫn vì đó mà âm ỉ.

Nhận xét về cách hành xử trên, theo TS Võ Văn Nam, giảng viên khoa Tâm lý giáo dục, Đại học Sư phạm TPHCM, cần có thái độ ứng xử theo kiểu nội ngoại tương bề, phu thê bình đẳng. “Người Việt Nam có truyền thống trọng đạo tứ thân phụ mẫu, bao gồm cha mẹ mình và cha mẹ vợ/chồng, bên nội cũng như bên ngoại đều phải coi nhau như ruột thịt”, ông Nam nói. Với một số trường hợp để yên ổn gia đình, người vợ hay chồng lén lút chăm lo cho gia đình mình, TS Nam cho rằng cách làm đó không giải quyết được vấn đề bởi việc phụng dưỡng, giúp đỡ cha mẹ hai bên là đạo hiếu, không có gì phải lén lút, cần có sự bàn bạc công khai giữa hai vợ chồng. Lén lút thì khi mọi chuyện lộ ra, tình cảm vợ chồng sẽ sứt mẻ.

Trên một diễn đàn lớn về đời sống gia đình, chị T.Nhung, nhà ở Hà Nội, chia sẻ một kinh nghiệm: Sau nhiều năm đón tết nhà chồng, năm ngoái chị có ý định về quê ngoại ăn tết. Khi chồng chị bàn chuyện năm nay lại về nội đón tết, chị bảo, tùy chồng, vợ thì ăn tết ở đâu cũng được. Vợ cũng thích ăn tết ở quê nội hơn, vì vừa gần vừa tiện mà các con cũng vui. Nhưng lâu lắm rồi em không về quê ngoại. Năm nay mà không về ăn tết quê ngoại, mọi người ở quê lại thắc mắc “không biết con bé này đi lấy chồng thế nào mà lâu rồi không thấy về”. Nghe vậy, chồng chị suy nghĩ nhiều rồi quyết định, năm nay vẫn ăn tết nhà nội nhưng sáng mùng 2 cả nhà kéo về ngoại, dù gì mùng 1 ông bà ngoại cũng đi chúc tết khắp nơi không ở nhà. Như vậy ông bà nội cũng vui vì đón giao thừa với con cháu mà ông bà ngoại cũng vui vì mấy ngày tết con cháu bên cạnh.

Chị Nhung cho rằng, nếu là ngày còn trẻ, có lẽ chị sẽ hiếu thắng đòi về ngoại cho bằng được từ trước tết. Nhưng bây giờ, chị đã hiểu, thực ra bản chất không phải đón tết ở đâu mà quan trọng nhất là sự hòa thuận của vợ chồng. Nếu cứ lấy cái ý muốn của mình làm trung tâm thì mỗi người sẽ đi về một nẻo, cũng giống như những cái tết mà chồng một nơi, vợ một đằng như nhiều cặp đã phải trải qua. Chính vì vậy, chị gửi lời đến với những đôi vợ chồng trẻ đang trục trặc nhau chuyện ăn tết nội - ngoại rằng, chỉ có sự hòa thuận, hợp lẽ mới có thể mang lại một cái tết thực sự vui vẻ, đầm ấm chứ không chỉ đơn thuần quyết định đón tết ở đâu.

Tác giả: THU HƯƠNG

Nguồn tin: Báo Sài Gòn Giải phóng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok