Lễ chùa đầu năm từ bao đời nay đã trở thành nét văn hóa đẹp ăn sâu trong tiềm thức của người dân Việt Nam, kể cả những người con xa xứ có đi bao lâu trở về trong dịp Tết cũng vẫn lưu giữ truyền thống của cha ông.
Người dân mỗi địa phương khác nhau sẽ có những niềm tin riêng vào thế giới duy tâm theo cách khác nhau nhưng nhìn chung vẫn là sự tin tưởng vào chữ “Tâm”, chữ “Đức”. 3 miền Bắc – Trung – Nam mỗi vùng đều có chốn linh thiêng nổi danh để mọi người ghé thăm.
Đi chùa đầu năm trở thành nét đẹp văn hóa trong dân gian Việt Nam. (Ảnh: internet) |
Đến miệt đất Cửu Long hẳn rất nhiều người sẽ phải ngỡ ngàng trước những danh lam thắng cảnh đẹp, mặt khác nơi đây còn có thể coi là xứ sở của những ngôi chùa linh thiêng mang đậm lối kiến trúc văn hóa Phật giáo Việt Nam.
Sau một năm làm việc vất vả và cuộc sống bộn bề lo toan, hẳn có lẽ tâm hồn sẽ cần một góc thanh tịnh để thư giãn, để thảnh thơi, bận thật may mắn nếu đang ở miền Tây. Ở miền Tây có vô cùng nhiều những ngôi chùa không chỉ linh thiêng mà còn có khung cảnh thực sự thu hút. Khi đặt chân đến chốn này, dường như tất cả sẽ đều lắng lại khiến tâm mình tự nhiên bình an vậy.
Dưới đây là những ngôi chùa nổi tiếng tại khu vực miền Tây.
Miền Tây là mảnh đất của sự giao thoa văn hóa các dân tộc. (Ảnh: Internet) |
Khi nhắc đến An Giang chắc chắn trong đầu sẽ hiện ngay lên tên Miếu Bà Chúa xứ, kỳ thực ngôi chùa ẩn chứa sự linh thiêng và chứa đựng niềm tin của bao thế hệ con dân trong và ngoài khu vực. Bên cạnh ẩm thực, An Giang cũng được coi như vùng “Đất Phật” vì rất khó kể hết tên các ngôi chùa, lượng du khách thập phương đổ về dâng hương mỗi năm vô cùng đông đúc.
Ngoài Chùa Bà thì những ngôi chùa Kim Tiên, Vạn Linh, chùa Lầu (huyện Tịnh Biên); chùa Tà Pạ (huyện Tri Tôn); chùa Hang hayTây An Cổ Tự (TP Châu Đốc) đều là những điểm đến khá thu hút tại tỉnh An Giang.
Chùa Vạn Linh về đêm càng tăng thêm phần lộng lẫy. (Ảnh: Internet) |
Lưu hành về Đồng Tháp với những nồng đượm hương sen, bạn có thể dừng chân tại chùa Kiến Cung (Sa Đéc) hoặc chùa Lá Sen (Châu Thành) để cảm nhận sự thanh thản trong tâm hồn mình. Chùa Vĩnh Tràng (Mỹ Tho) và Thiền viện Trúc lâm Chánh Giác (huyện Tân Phước) ở Tiền Giang cũng là hai nơi được bà con khắp vùng gửi gắm sự tin tưởng về thế giới duy tâm, hơn nữa khung cảnh tươi mát, cây lá êm đềm sẽ giúp bạn dịu đi vài phần cực nhọc.
Chùa Phật Ngọc Xá Lợi (TP Vĩnh Long) sẽ thuận đường với bạn nào ở gần như Cần Thơ, Mỹ Thuận. Tuy vậy khi tâm mình muốn thì dù xa cách mấy những người con của Phật cũng sẽ tìm về để bái lễ.
Chùa Lá Sen gắn với sự tâm linh và được người dân khắp nơi tìm về dâng lễ. (Ảnh: Internet) |
Đi xa hơn về khu vực Bạc Liêu, Sóc Trăng bạn sẽ không khỏi choáng ngợp bởi sự rực rỡ của văn hóa các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer giao thoa một cách hài hòa. Tỉnh Sóc Trăng luôn nổi tiếng với nét văn hóa đặc sắc cộng đồng dân tộc Khmer trong đó có chùa Som Rong, chùa Dơi, Chùa Kh’leang, chùa Chén Kiểu đều mang đến sự tò mò cho du khách khi đến địa phương này. Tất cả những ngôi chùa đều tồn tại lâu đời và cùng đi qua thời kỳ kháng chiến trường kỳ với dân tộc.
Chùa Chén Kiểu - vách tường ốp bởi những mảnh chén, đĩa bằng sành, sứ độc đáo. (Ảnh: Internet) |
Chùa Xiêm Cán - ngôi chùa Khmer lớn nhất, lộng lẫy nhất Nam Bộ. (Ảnh: Internet) |
Đến Bạc Liêu, chùa Xiêm Cán hẳn là cái tên gây ấn tượng nhiều nhất với những ai đã từng đặt chân đi tới dù người già hay người trẻ cũng bị mê mẩn về kiến trúc tuyệt đẹp. Trong hệ thống chùa Khmer Nam Bộ, chùa Xiêm Cán là một trong những ngôi chùa lớn nhất và lộng lẫy nhất. Ở Bạc Liêu sự có mặt của tâm linh Phật giáo chắc chắn không thể thiếu.
Mẹ Nam Hải tại chùa Quan Âm Phật Đài được coi như điểm du lịch tâm linh đặc sắc nhất Bạc Liêu, hàng năm thu hút lượng du khách vô cùng lớn về tham quan và chiêm bái. Chùa Hưng Thiện (Mẹ Quan Âm Đông Hải) cũng vậy, nơi đây vẫn luôn chứa đựng niềm tin yêu của con dân về cõi linh thiêng, cảnh chùa tạo cho bạn không khí bình yên, thanh thản trong tâm cũng như thỏa lòng tín ngưỡng, nguyện cầu Phật Bà hạnh phúc, bình an.
Tác giả: Mộc An
Nguồn tin: giadinhonline.vn