Trong tỉnh

Tàu vỏ thép: Ngư dân Thanh Hóa xem xét kiện công ty đóng tàu Đại Dương

Đây là ý kiến của ngư dân Nguyễn Duy Muộn (Quảng Cư, Sầm Sơn, Thanh Hóa, chủ tàu TH 93968, 01 Muộn Cương) khi con tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 liên tục hỏng hóc, thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế cho gia đình.

Ngư dân Thanh Hóa tự mình sửa chữa những bộ phận bị hỏng của tàu vỏ thép vừa được đóng

9 lần ra khơi tàu hỏng cả 9

Sau 9 chuyến ra khơi tàu hỏng cả 9, ông Nguyễn Duy Muộn đành phải cho con tàu trị giá 17,5 tỉ đồng nằm bến, cấp tập sửa chữa cả tháng nay. Nhiều con tàu vỏ thép do Công ty cổ phần Đại Dương (trụ sở tại Thái Bình, ông Đỗ Quang Dương làm tổng giám đốc) đóng cho các ngư dân như gia đình ông Muộn theo Nghị định 67 của Chính phủ cũng lâm vào tình trạng tương tự.

Ngư dân Nguyễn Duy Muộn (Quảng Cư, Sầm Sơn, Thanh Hóa, chủ tàu TH 93968, 01 Muộn Cương)

Theo ông Muộn, tàu cá vừa được đóng mới, đưa vào sử dụng đã bị hư hỏng thường xuyên, các thiết bị đánh bắt không đảm bảo kỹ thuật như: Tời thủy lực, hệ thống thủy lực lái hàn, trục; hệ thống điện lắp không đúng với khái toán được duyệt và thiết kế phù hợp; hai máy phát điện là loại cũ (đáng ra phải đóng mới); chân vịt phải dùng của Nhật Bản nhưng lại dùng loại gia công, lắp không đúng với khái toán; chất lượng sơn xuống cấp nghiêm trọng và gia đình ngư dân đã phải sơn lại toàn bộ; hệ điện lắp không đúng thiết kế khiến bị cháy nổ…

“9 chuyến ra khơi thì cả 9 lần tàu hỏng. Riêng tiền sửa chữa, dầu máy, lương thuyền viên… cũng đã tốn của tôi vài tỉ đồng. Tuy nhiên, khi đề nghị công ty Đại Dương cùng bàn bạc để khắc phục thì công ty này cố ý kéo dài thời gian, trả lời vu vơ và không đồng hành khắc phục sự cố”, ông Muộn nói và nhấn mạnh thêm: “Tưởng tàu to hơn, hiện đại hơn, chắc chắn hơn thì ra khơi phải yên tâm hơn, nhưng từ khi liên tục gặp sự cố, tôi lại lo sợ tàu lớn mỗi khi ra khơi, anh em thuyền viên thấy đi 9 chuyến hỏng cả 9 họ cũng không muốn đi”.

Hệ thống điện bị cháy nổ

Ông Muộn cũng nêu ví dụ như mỗi bộ điện lẽ ra phải 2,5 triệu nhưng ở đây công ty chỉ lắp hơn 1 triệu, không đảm bảo nên đã xảy ra cháy nổ và chủ tàu phải khắc phục lại, chi phí khoảng 400 triệu.

Cũng theo ngư dân này, Công ty Đại Dương từ chối trách nhiệm bởi tàu đã hết hạn bảo hành. Theo hợp đồng, bảo hành tàu chỉ trong thời gian 6 tháng. Ông Muộn cho rằng đầy là điều rất bất thường. “Tôi cũng không thạo về những thủ tục này, họ bảo ký thì tôi cũng ký thôi, tôi nghĩ mình đã bị lừa do mình quá chủ quan”.

Ông Muộn cũng thở dài chia sẻ: “Những chi phí này đều phải vay mượn. Giờ tàu hỏng như vậy không biết ai sẽ phải chịu trách nhiệm. Trước kia đánh cá bằng tàu gỗ thì ăn nên làm ra, giờ đổi sang tàu vỏ thép hiện đại theo chính sách ưu đãi của Nhà nước thì tổn thất trầm trọng”.

Ngư dân đang cấp tập sửa chữa tàu

Không chỉ ông Muộn, hầu hết những tàu vỏ thép của ngư dân tại đây do Công ty Đại Dương đóng đều “có vấn đề”, nhiều nhất là lỗi về máy phát điện. Những con tàu này đều được đăng kiểm bởi Trung tâm Đăng kiểm tàu cá.

Ở một số địa bàn lân cận, nhiều tàu vỏ thép khác cũng liên tục gặp sự cố, hư hỏng. Ví dụ như tàu của ông Lê Văn Lực (Hoằng Trường, Hoằng Hóa) mang số hiệu TH-91709 TS; tàu cá của ông Trần Văn Thượng (Nghi Sơn, Tĩnh Gia)… Những tàu này do Công ty Đại Nguyên Dương (Nam Định) đóng.

Tất cả những tàu vỏ thép giao cho ngư dân đều đã qua khâu đăng kiểm của Trung tâm Đăng kiểm tàu cá thuộc Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn).

“Gò lưng tôm trả nợ phong trần”

Ông Muộn chia sẻ, việc tàu hỏng hóc không thể ra khơi đã khiến gia đình bị thiệt hại nặng nề, chưa kể chi phí sửa chữa, tiền lãi ngân hàng. “Tàu có giá hơn 17 tỉ đồng thì tôi đã phải vay ngân hàng khoảng 95% giá trị, do đó việc trả tiền ngân hàng vất vả, mỗi quý khoảng 300 triệu đồng”.

Đáng nói, ông Muộn cho biết, theo hợp đồng, việc đóng tàu chỉ trong 6 tháng nhưng doanh nghiệp đóng tàu kéo dài tới tận hơn 1 năm. “Trong thời gian đó, tôi vẫn phải trả tiền ngân hàng dù tàu chưa hề được giao, được đưa vào hoạt động. Tôi cầm nhà, cầm đất và nhiều tài sản để trả ngân hàng 2 quý, hết 600 triệu. Bây giờ tàu đang sửa chữa nhưng vẫn phải trả tiền ngân hàng vì mình vay tiền của họ. Rất khó khăn”.

“Tàu to mà tốt thì “gò lưng tôm trả nợ phong trần” còn được, đằng này tàu chất lượng rất kém. Tôi cũng là người đánh cá có tiếng, cũng dồn được một chút vốn chứ nếu với người khác thì họ không thể trụ được, lỗ vài ba chuyến họ vứt tàu đi ấy chứ. Đang chạy tàu gỗ sung sướng, giờ sang tàu sắt thì khốn đốn.”, ông Muộn nói.

Ông Muộn chia sẻ: “Tôi kiến nghị là xưởng đóng tàu có trách nhiệm đối với ngư dân trong việc tàu hỏng hóc để cùng khắc phục hư hỏng con tàu để nhanh chóng ra khơi. Còn không thì chúng tôi cũng mong chính quyền vào cuộc, phân định xem bên nào sai, bên nào đúng, ai sai thì phải chịu trách nhiệm”.

Hệ thống điện sau khi được sửa chữa

Ngư dân này cho biết đang xem xét kiện công ty đóng tàu là Đại Dương bởi chất lượng tàu quá thấp, khiến gia đình ngư dân thiệt hại nặng nề trong các chuyến ra khơi, dù tàu còn rất mới. “Cũng có một số người bảo đừng thông tin đến báo chí nữa, nhưng tôi nói rằng tôi chỉ nói sự thật cho báo chí thôi, nếu doanh nghiệp không làm cho ngư dân thì ngư dân đành phải nhờ báo chí lên tiếng”.

Tính đến tháng 6.2017, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 23 chiếc tàu vỏ thép được đóng theo Nghị định số 67 của Chính phủ. Trong số đó, có nhiều tàu mới đưa vào sử dụng đã hư hỏng.

Tại TP. Sầm Sơn có 7 chiếc tàu vỏ thép đang hoạt động, tàu hạ thủy sớm đã đi khai thác trên biển được hơn 6 tháng. Trong 7 chiếc thì có 4 chiếc thường xuyên hư hỏng, trục trặc phải nằm bờ sửa chữa.

Trong văn bản gửi tới Công ty Đại Dương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa cho biết đã nhận được phản ánh của ngư dân về việc tàu vỏ sắt do công ty đóng liên tục bị hỏng hóc. Qua xác minh, Sở nhận thấy những phản ánh của người dân về những lỗi trên là chính xác. Do đó, để đảm bảo an toàn cho tàu cá và ngư dân yên tâm bám biển, Sở đề nghị Công ty Đại Dương rà soát lại các hợp đồng kinh tế có trục trặc.

Vẫn còn rất ngổn ngang...

“Chủ động liên hệ với các chủ tàu để kiểm tra và bàn biện pháp khắc phục hư hỏng theo đúng hợp đồng để sớm đưa tàu cá vận hành an toàn trở lại”, Sở NN-PTNN nêu rõ.

Tuy nhiên, sau 2 lần chỉ đạo nhưng công ty đóng tàu vẫn chưa đến để làm việc với ngư dân.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền cũng vừa yêu cầu Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa phải chủ trì, phối hợp với UBND các huyện Hoằng Hóa, Tĩnh Gia, TP Sầm Sơn nhanh chóng kiểm tra, làm rõ việc nhiều tàu vỏ thép của ngư dân đóng theo Nghị đinh 67 bị hư hỏng. Mục đích là để kịp thời giải quyết, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho ngư dân, đúng quy định của pháp luật.

Tác giả: Trí Lâm

Nguồn tin: Báo Một thế giới

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok