Kinh tế

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam 'đi lùi' thế nào dưới thời ông Nguyễn Quốc Khánh?

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) chứng kiến doanh thu "đi lùi" và lãi vay cao dưới thời cựu Chủ tịch Nguyễn Quốc Khánh.

Đầu tháng 3 năm nay, thông tin ông Nguyễn Quốc Khánh thôi giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và chuyển công tác về Bộ Công Thương nhận được sự chú ý của dư luận.

Ông Nguyễn Quốc Khánh rời PVN tại thời điểm xét xử đại án Oceanbank. Nguyên Chủ tịch PVN Nguyễn Xuân Sơn cũng có tên trong đại án này. Vì vậy, dư luận rất quan tâm tới ông Nguyễn Quốc Khánh cũng như hoạt động kinh doanh của PVN dưới thời ông Khánh.

Ông Nguyễn Quốc Khánh làm việc tại PVN từ năm 2009. Từ tháng 11/2014, ông Nguyễn Quốc Khánh trở thành Tổng giám đốc PVN. Từ tháng 7/2015, ông Khánh tạm thời kiêm thực hiện nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN, thay thế ông Nguyễn Xuân Sơn.

nguyen quoc khanh pvn 1150
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam ghi nhận doanh thu giảm dưới thời ông Nguyễn Quốc Khánh. (Ảnh minh họa)

Từ tháng 1/2016, ông Nguyễn Quốc Khánh nắm giữ chức vụ Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN.

Như vậy, có thể thấy, ông Nguyễn Quốc Khánh có vai trò quan trọng trong các năm 2015 và 2016. Đây cũng là 2 năm PVN chứng kiến doanh thu sụt giảm mạnh.

Hiện tại, PVN chưa công bố báo cáo tài chính năm 2016. Tuy nhiên, ngày 5/1, PVN đã công bố kết quả sản xuất kinh doanh năm 2016 với chỉ tiêu doanh thu đi lùi.

Cụ thể, doanh thu năm 2016 của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đạt 452.500 tỷ đồng, giảm hơn 100.000 tỷ đồng (khoảng 4,3 tỷ USD) so với năm 2015. PVN không công bố chỉ tiêu lợi nhuận nhưng cho biết năm 2016, PVN nộp ngân sách 90.200 tỷ đồng, tăng 10.000 tỷ so với kế hoạch.

Lãnh đạo PVN cho biết, nguyên nhân khiến doanh thu sụt giảm chính là giá dầu bình quân năm 2016 chỉ ở mức 45 USD/thùng (thấp hơn 15 USD/thùng so với năm 2015).

Đây không phải năm đầu chỉ tiêu kinh doanh này của PVN sụt giảm. Năm 2015, PVN ghi nhận cả doanh thu và lợi nhuận đều giảm khá mạnh.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015 của PVN, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2015 tại tập đoàn này đạt 293.440 tỷ đồng, giảm 79.906 tỷ đồng, tương ứng 21,4% so với năm 2014.

Doanh thu giảm sâu trong khi chi phí đồng loạt tăng nên lợi nhuận sau thuế của PVN đi lùi. Chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt tăng từ 5.105 tỷ đồng lên 5.588 tỷ đồng, từ 9.533 tỷ đồng lên 12.847 tỷ đồng.

Đặc biệt, chi phí tài chính “đội” lên rất nhiều. Chỉ tiêu này trong năm 2016 đạt 12.847 tỷ đồng, tăng 3.314 tỷ đồng, tương ứng 34,8% so với năm 2014.

Doanh thu giảm, chi phí tăng nên kết quả là lợi nhuận của PVN đi lùi. Lợi nhuận sau thuế năm 2015 của PVN đạt 30.695 tỷ đồng, giảm 12.219 tỷ đồng, tương ứng 28,5% so với năm 2014.

Trong năm 2015, PVN đã giảm nợ nhưng tổng nợ vay vẫn là con số rất lớn. Vay và nợ thuê tài chính dài hạn của PVN tại thời điểm cuối năm là 102.716 tỷ đồng, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là 81.026 tỷ đồng.

Nợ vay lớn nên PVN phải chi trả rất nhiều cho lãi vay. Chi phí lãi vay năm 2015 của PVN đạt 4.916 tỷ đồng, chiếm 29,1% tổng chi phí tài chính.

Một hoạt động yếu kém nữa của PVN chính là ngoại hối. Năm 2015, tỷ giá biến động mạnh khiến PVN ghi nhận khoản lỗ chênh lệch tỷ giá lên tới 7.037 tỷ đồng. Con số này năm 2014 là 1.945 tỷ đồng. PVN thường xuyên góp mặt trong danh sách các ông lớn thua lỗ vì tỷ giá.

Ngoài ra, khi ông Nguyễn Quốc Khánh rời PVN, PVN vẫn phải “gánh” nhiều dự án thua lỗ. PVN rót hàng ngàn tỷ đồng vào những khoản đầu tư tài chính nhưng tập đoàn phải dành hơn 400 tỷ đồng trích lập dự phòng rủi ro.

Năm 2016, hàng loạt khoản đầu tư kém hiệu quả của PVN đã lộ diện như lọc dầu Nghi Sơn vận hành khiến PVN chi 40.000 tỷ đồng bù lỗ hay công ty cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex) thua lỗ đi kèm nhiều sai phạm.

Tại hội nghị triển khai kế hoạch năm 2017 của ngành dầu khí diễn ra trong ngày 19/1, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu PVN xử lý dứt điểm các tồn tại yếu kém ở 5 dự án thua lỗ cùng một số dự án đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ chậm tiến độ.

Mức lương của ông Nguyễn Quốc Khánh tại PVN cũng nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận. PVN chưa công bố mức lương năm 2015 và 2016 nhưng dựa vào số liệu 2014, có thể thấy, thu nhập của ông Khánh tại PVN không hề nhỏ.

Năm 2014, ở cương vị Phó Tổng giám đốc PVN, ông Khánh được nhận 513,6 triệu đồng sau 10,7 tháng công tác. Đến khi được bổ nhiệm là Tổng giám đốc vào ngày 18/11, ông nhận thêm 68,25 triệu đồng. Như vậy, năm 2014, tổng thu nhập của ông Khánh là 581,85 triệu đồng.

Tác giả bài viết: Bảo Linh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok