Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN) |
Thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa đang tích cực phối hợp với các ngành liên quan rà soát và đã xác định được 12 nhóm đối tượng được hưởng trợ cấp.
Đối với nhóm đối tượng là hướng dẫn viên du lịch, Sở dự kiến có 228 trường hợp được nhận hỗ trợ với kinh phí hơn 800 triệu đồng.
Là một trong những đối tượng đã hoàn thiện xong hồ sơ hưởng trợ cấp từ gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ của Chính phủ, chị Đỗ Thị Xuân Thanh, hướng dẫn viên du lịch tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ cho biết, Di sản thành Nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc) đã tạm dừng đón tiếp khách từ ngày 7/5/2021 cho đến nay, đồng nghĩa các hướng dẫn viên du lịch tại đây không có việc làm.
Ngay sau khi nhận được văn bản hướng dẫn triển khai Nghị quyết 68 của Chính phủ từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Quản lý Trung tâm đã hướng dẫn 3 hướng dẫn viên du lịch của trung tâm hoàn thiện thủ tục.
“Khi nắm được thông tin trong Nghị quyết 68 của Chính phủ có đối tượng người lao động là hướng dẫn viên du lịch bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 được hưởng hỗ trợ, tôi và đồng nghiệp vô cùng phấn khởi. Xét thấy có đủ điều kiện để nhận hỗ trợ, tôi đã làm hồ sơ và được duyệt chỉ trong vòng 2 ngày. Số tiền hơn 3,7 triệu đồng tuy không nhiều nhưng đã thể hiện sự quan tâm kịp thời của Chính phủ đến người lao động trong thời điểm dịch bệnh khó khăn. Qua đó, góp phần đảm bảo nhân lực cho ngành du lịch khi dịch COVID-19 được kiểm soát và cuộc sống trở lại bình thường,” chị Thanh cho biết.
Cũng như nhiều hướng dẫn viên du lịch khác, chị Triệu Thị Hương, hướng dẫn viên du lịch tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ phấn khởi vì thủ tục nhận trợ cấp lần này rất nhanh gọn, tạo điều kiện tối đa để người lao động được tiếp cận chính sách.
Chị Hương cho biết, ảnh hưởng của dịch COVID-19, Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ liên tục phải dừng đón khách, mỗi đợt dừng ít nhất 14 ngày. Đợt này, Trung tâm dừng từ tháng 5/2021 và chưa có kế hoạch mở lại. Hàng chục hướng dẫn viên du lịch phải nghỉ việc không lương. Đời sống gặp nhiều khó khăn.
“Sau khi Nghị quyết 68 của Chính phủ được ban hành, xét thấy mình có đủ điều kiện để nhận hỗ trợ nhưng ban đầu tôi vẫn e dè vì ngại các thủ tục rườm rà. Khi được cán bộ của Trung tâm phổ biến, tôi nhận thấy thủ tục nhận hỗ trợ rất thuận lợi. Nhóm đối tượng là hướng dẫn viên du lịch chỉ cần đáp ứng đủ 2 điều kiện, có thẻ hướng dẫn viên du lịch theo quy định của Luật Du lịch; có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc hội viên của tổ chức xã hội nghề nghiệp về hướng dẫn viên; hướng dẫn viên du lịch tại điểm. Hiện hồ sơ của tôi đã được duyệt và chỉ chờ Sở Tài chính giải ngân,” chị Hương chia sẻ.
Theo bà Nguyễn Thị Nguyệt, Trưởng Phòng Quản lý du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, điểm mới nổi bật nhất của gói hỗ trợ là các thủ tục hành chính đã được cắt giảm tối đa.
Đối tượng ngoài thẻ hành nghề hướng dẫn viên, chỉ cần có một trong hai điều kiện như hợp đồng với công ty hoặc có thẻ hội viên Hiệp hội Du lịch Việt Nam.
Tuy nhiên, rào cản lớn nhất để đối tượng tiếp cận gói hỗ trợ là phần lớn hướng dẫn viên là tự do, họ hợp đồng thời vụ và hợp đồng theo tour. Không những vậy, nhận thức của mỗi hướng dẫn viên cũng khác nhau nên nhiều người cũng không tham gia Hiệp hội.
Như vậy, nếu căn cứ vào điều kiện trên, đại đa số không đủ điều kiện để tiếp cận gói hỗ trợ. Để đảm bảo quyền lợi, không thiệt thòi cho các hướng dẫn viên, chúng tôi đang tuyền truyền, động viên để đối tượng này tham gia là thành viên của Hiệp hội Du lịch. Do gói hỗ trợ kéo dài đến đầu năm sau, các hướng dẫn viên sẽ vẫn có cơ hội để tiếp cận.
Bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thanh Hóa cho biết, đến thời điểm hiện tại, 27/27 huyện, thị xã, thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ.
Nhiều địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ; thường xuyên theo dõi, hỗ trợ, phối hợp với các sở, ngành, địa phương để giải đáp kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện tại các địa phương, nhằm đưa chính sách đến với các đối tượng thụ hường một cách nhanh nhất.
Thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền; tiến hành rà soát, để chính sách đến với người lao động và người sử dụng lao động được kịp thời, hiệu quả./.
Tác giả: Khiếu Tư
Nguồn tin: vietnamplus.vn