Kinh tế

Tăng thuế VAT không ảnh hưởng đến người nghèo

Bộ Tài chính cho biết nhóm người có thu nhập thấp dành tới 59,6% thu nhập để chi cho y tế, thực phẩm và giáo dục – đây là những đối tượng không chịu thuế hoặc có điều chỉnh cũng tăng rất ít.

Phát biểu tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2017, có nhiều ý kiến liên quan đến việc cải cách luật thuế mới, Thứ trưởng bộ Tài chính Vũ Thị Mai đã lần lượt giải đáp các thắc mắc và khẳng định: “Bộ Tài chính sẽ tiếp thu, giải trình một cách trách nhiệm để hoàn thiện Dự án Luật trình các cơ quan thẩm quyền thông qua”.

Thứ trưởng bộ Tài chính Vũ Thị Mai.

Về ý kiến cho rằng, việc điều chỉnh thuế GTGT cần có sự kết hợp giữa điều chỉnh thuế suất với việc điều chỉnh các quy định nhằm tiết kiệm chi tiêu, bảo đảm hiệu quả, chống tham nhũng, lãng phí, Thứ trưởng bộ Tài chính cho biết, để thực hiện tái cơ cấu NSNN, quản lý nợ công, xây dựng nền tài chính an toàn, hiệu quả, Bộ Tài chính đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Việc cơ cấu lại chi cũng đã được triển khai. Tái cơ cấu đầu tư công cũng đã được thực hiện quyết liệt với nhiều chính sách từ quy hoạch đến kế hoạch, dự toán, quản lý, nâng cao hiệu quả đầu tư công.

Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng Đề án cải cách quản lý cơ chế tài chính, bộ máy của đơn vị sự nghiệp công lập. Đây sẽ là Đề án rất quan trọng để cơ cấu lại thu-chi tài chính, biên chế, tổ chức bộ máy của đơn vị sự nghiệp công lập. Đối với khu vực hành chính sự nghiệp, cũng sẽ được thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ thu-chi ngân sách nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách.

“Một trong những mục tiêu của sửa đổi các luật thuế là để cơ cấu lại thu, bảo đảm NSNN”, Thứ trưởng Vũ Thị Mai khẳng định.

Một vấn đề đang được quan tâm hiện nay đó là liệu việc tăng thuế VAT sẽ khiến người thu nhập thấp chịu gánh nặng nhiều hơn người giàu, vị đại diện bộ Tài chính cho rằng, hiện luật thuế GTGT quy định 25 nhóm hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế, 15 nhóm dịch vụ, hàng hoá chịu thuế 5%.

Dựa trên kết quả khảo sát mức sống dân cư được công bố năm 2014, bộ Tài chính nhận thấy nhóm người có thu nhập thấp dành tới 59,6% thu nhập để chi cho y tế, thực phẩm và giáo dục. Ngược lại, nhóm người thu nhập cao nhất chỉ dành 39,6% tổng chi cho các nhóm hàng hoá thiết yếu này.

Người nghèo dùng 60% thu nhập do y tế, thực phẩm và giáo dục. (Ảnh minh hoạ)

Trong khi đó, y tế và giáo dục hiện đang là đối tượng không chịu thuế, lương thực-thực phẩm do người dân sản xuất trực tiếp bán ra cũng không chịu thuế, chỉ có khâu kinh doanh-buôn bán mới chịu thuế ở mức thấp, 5%. Các mặt hàng thiết yếu khác như thuốc chữa bệnh, các mặt hàng đầu vào của nông nghiệp… đều ở mức thuế suất thấp 5%, dự kiến tăng lên 6%. Thuế suất phổ thông hiện là 10%, dự kiến tăng lên 12%.

“Bộ Tài chính đánh giá rằng với mức điều chỉnh như vậy, tác động đối với người dân, đặc biệt là người nghèo là không nhiều”, Thứ trưởng Vũ Thị Mai khẳng định.

Về ý kiến cho rằng tăng thuế GTGT sẽ ảnh hưởng đến lạm phát, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, bộ Tài chính đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới (World Bank) để đánh giá dựa trên kinh nghiệm của các nước, theo đó tác động sẽ ở mức hạn chế.

Tác giả: Hiểu Minh

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok