Kinh tế

Tăng giá điện để EVN có lãi: Phải giảm chứ không tăng

Nếu quản lý tốt có khả năng giá thành phát điện còn có khả năng giảm được chứ không chỉ có tăng giá.

Liên quan tới thông tin Bộ Công thương cho biết đã triển khai xây dựng kịch bản điều hành giá bán lẻ điện năm 2019 theo hướng, sẽ tăng giá vào thời điểm thích hợp nhằm bảo đảm cho EVN có lãi.

Bình luận về vấn đề này, TS Ngô Đức Lâm, chuyên gia độc lập trong lĩnh vực năng lượng cho rằng, đề xuất trên đúng theo quy định của Luật điện lực nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần phải thảo luận và làm rõ thêm.

Giá điện Việt Nam đang cao hay thấp? Ảnh minh họa

Vị chuyên gia phân tích, nguyên tắc kinh doanh theo cơ chế thị trường lỗ lãi doanh nghiệp phải tự chịu, Chính phủ không can thiệp vào quy trình điều hành giá điện của doanh nghiệp, càng không quyết định giá điện cao hay thấp, tăng hay giảm để doanh nghiệp có lãi hay không...

Tuy nhiên, giá điện là đầu vào của các ngành sản xuất khác, do đó, Chính phủ cần có những cơ chế tham gia điều tiết trong những trường hợp nhất định.

Việc tăng giá điện để đầu tư cho phát triển ngành điện là cần thiết vì tiêu dùng điện hiện nay ngày càng tăng cao, cần thiết phải có vốn để xây dựng thêm nhiều nhà máy để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và bảo đảm đời sống sinh hoạt cho nhân dân. Người dân đồng tình với tăng giá điện nhưng phải hợp lý và minh bạch.

Vậy thì hợp lý và minh bạch là như thế nào?

Được biết, từ năm 2013, Chính phủ và các cơ quan bộ ngành liên quan đã tổ chức nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra và đã tổ chức họp báo công bố kết quả kiểm tra công khai về giá thành và kinh doanh lỗ lãi, giá của từng khâu trong sản xuất ngành điện.

Như vậy, Bộ Công thương đã rất công khai đối với giá điện và phần nào đã thực hiện việc minh bạch hóa. Nhưng theo chúng tôi việc minh bạch trên vẫn chưa đủ bởi vì điều quan trọng nhất của các loại giá là cần công khai các đầu vào để tính toán chi phí.

Điều này mới quan trọng nó dẫn tới giá thành không thực, trong đó còn có thể có những yếu tố chưa minh bạch, chưa đúng mà người tiêu dùng cần biết vì chính họ bị thua thiệt, chưa bảo đảm tính hợp lý và hợp lệ.

Cụ thể, tính minh bạch về giá phát điện. Chi phí cho phát điện là chi phí lớn nhất ảnh hưởng tới giá điện (chiếm tới 70%), trong đó yếu tố quyết định là yếu tố năng suất và hiệu suất của bản thân các nhà máy điện.

Năng suất và hiệu suất của các nhà máy phát điện hiện nay chưa được minh bạch. Nếu quản lý tốt có khả năng giá thành phát điện còn có khả năng giảm được chứ không chỉ có tăng giá.

Tiếp theo là các yếu tố chi phí khác như vật liệu, tiền lương, khấu hao, sửa chữa lớn, dịch vụ mua ngoài, phát triển khách hàng, chi phí bằng tiền khác, lãi vay là các yếu tố chi phí mà các đơn vị điện lực có khả năng kiểm soát được.

Hiện tại, xử lý vấn đề này chưa được đề cập cụ thể, song đây là những chi phí phát sinh từ chủ quan ngành điện với các đơn vị điện lực của mình, không thể đổ gánh nặng hậu quả sang khách hàng thông qua tăng giá điện trong trường hợp các chi phí này bị tăng lên vì các lý do yếu kém trong quản lý.

Vấn đề nữa là yếu tố năng suất lao động, đây là yếu tố được nhiều người quan tâm nhất bởi vì 1kwh điện năng phải gánh chịu quá nhiều chi phí, từ khâu sản xuất đến các khâu trung gian. Sổ lượng người trực tiếp để sản xuất là quá lớn.

Ngoài ra cần xem xét thêm liệu có tính cả thêm những người không trực tiếp đứng trên dây truyền sản xuất của nhà máy vào giá thành hay không?

Đề cập đến dư luận cho rằng giá điện Việt Nam còn đang thấp hơn nhiều so với thế giới, về vấn đề này, TS Ngô Đức Lâm phân tích.

Nếu chỉ đứng về con số đơn thuần thì giá điện Việt Nam thấp hơn thế giới thậm chỉ chỉ ngang với một số nước trong khu vực, tuy nhiên, phân tích kỹ thì giá điện Việt Nam nói là thấp nhưng chưa hẳn đã thấp.

Cụ thể về kết cấu giá thành, thì giá điện VN chỉ vào khoảng 8 cen, trong khi thế giới là trên 10 cen/kwh, thậm chí có nước là 20-30 cen kwh, tuy nhiên, nếu chỉ so sánh các con số một cách cơ học như vậy là khập khễnh. Bởi có những lý do cho thấy giá điện VN hiện nay là tương đối hợp lý vì những lý do sau:

Ít có nước nào như ở VN lại có sẵn nguồn năng lượng sơ cấp để sản xuất ra điện cơ bản như thủy điện, khí, than, có cả năng lượng tái tạo… ở các nước, nguồn nguyên liệu sơ cấp phải đi nhập khẩu.

Tiếp theo, về nhân công, tiền lương rẻ, thấp hơn so với các nước.

Quan trọng hơn, là trong cơ cấu giá điện ở các nước phải tính thêm phí môi trường và phí phát thải (CO2). Nếu tính vào thì giá điện bình quân của VN cũng vào khoảng 10-12cen.

Nhưng nếu tính toán cho đủ cả các loại phí này như thế giới thì biểu giá điện bán lẻ bình quân của Việt Nam cũng phải tính toán lại cho phù hợp.

Tác giả: Vũ Lan

Nguồn tin: Báo Đất việt

  Từ khóa: evn , giá điện , kinh tế

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok