Trước tình trạng xe quá tải trọng cho phép đi trên đê gây hư hỏng mặt đê, trong những năm qua UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc ngăn chặn, xử lý dứt điểm tình trạng trên bằng nhiều giải pháp như: Lắp dựng các khung khống chế tải trọng, các biển báo tải trọng cho phép đi trên đê, tăng cường kiểm tra, kiểm soát phương tiện cơ giới đi trên đê, lập đường dây nóng… nên tình trạng xe cơ giới vượt quá tải trọng cho phép đi trên đê ở một số tuyến đê đã được hạn chế đáng kể.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Chi cục Thủy lợi và phản ánh của một số cơ quan thông tấn báo chí, hiện nay trên một số tuyến đê, tình trạng xe cơ giới vượt quá tải trọng cho phép đi trên đê vẫn còn diễn ra (chủ yếu là xe chở vật liệu cát, sỏi, đất, đá), gây hư hỏng nghiêm trọng mặt đê, điển hình như: Đoạn từ K3-K7+900 đê hữu sông Mã thuộc các xã Quý Lộc, Yên trường, Yên Thọ, huyện Yên Định; đoạn K13+200-K15+300 đê hữu sông Mã thuộc các xã Định Long, Định Liên, Định Hải, huyện Yên Định; đoạn từ K0-K8+200 đê tả sông Lèn thuộc các xã Hà Sơn, Hà Ngọc, thị trấn Hà Trung, huyện Hà Trung; đoạn K23+700-K26 đê tả sông Cầu Chày thuộc xã Định Tăng, huyện Yên Định… ảnh hưởng đến an toàn đê điều, gây khó khăn cho các phương tiện tham gia giao thông, đặc biệt là công tác hộ đê, phòng chống lụt bão khi có sự cố đê điều xảy ra.
Thực hiện các quy định của pháp luật về đê điều; các Chỉ thị số 447/CTTTg ngày 25/3/2011, số 24/CT-TTg ngày 07/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và quản lý việc khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát sỏi gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều; Nghị định số 23/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ bãi sông. Để ngăn chặn, xử lý dứt điểm tình trạng xe quá tải trọng cho phép đi trên đê, đảm bảo an toàn cho công trình đê điều, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị: Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố có đê: Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Thọ Xuân, Yên Định, Thiệu Hóa, Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Hà Trung, Nông Cống, Triệu Sơn, Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn, thị xã Nghi Sơn, thành phố Sầm Sơn và thành phố Thanh Hóa. Chỉ đạo Công an huyện, các cơ quan chuyên môn của huyện và UBND cấp xã có biện pháp kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm các xe quá tải trọng cho phép đi trên đê.
Thanh Hóa tăng cường xử lý xe quá tải lưu thông trên các tuyến đê |
Yêu cầu các chủ mỏ, bãi tập kết cát trên địa bàn sử dụng mặt đê làm đường vận chuyển phải cam kết và chịu trách nhiệm tổ chức sửa chữa thường xuyên các hư hỏng trên mặt đê; đồng thời phải có văn bản cam kết không bán, xúc cát cho các xe chở quá tải trọng quy định được phép đi trên đê; trường hợp chủ mỏ, chủ bãi tập kết cố tình không thực hiện các yêu trên, đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố báo cáo UBND tỉnh xử lý theo quy định.
Đối với các tuyến đê đã được lắp dựng các khung khống chế tải trọng xe đi trên đê, đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND cấp xã kiểm tra và có biện pháp quản lý việc vận hành khung khống chế của tổ chức, cá nhân được giao theo quy định và bảo vệ chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng phá hoại các khung khống chế hoặc tháo, mở thanh chắn ngang.
Tác giả: Thanh Tâm
Nguồn tin: Báo Tài Nguyên và Môi trường