Lực lượng chức năng phối hợp với nhau trong việc kiểm tra, xử lý các tàu, thuyền vi phạm trong khai thác thủy sản |
Tăng cường phối hợp
Tính đến tháng 9/2017, toàn tỉnh Thanh Hóa có hơn 7.400 tàu thuyền các loại với tổng công suất 548.063 CV và gần 28.000 lao động tham gia hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản.
Trong thời gian qua, công tác quản lý khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản được quan tâm triển khai đồng bộ và tuyên truyền, giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức cho ngư dân trong việc bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản đã có những bước chuyển biến tích cực và giảm đáng kể việc các tàu cá sử dụng các công cụ trái pháp luật để khai thác thủy sản.
Các ngành chức năng phối hợp tích cực tăng cường tuần tra, kiểm soát, giám sát hoạt động khai thác thủy sản giữa các lực lượng Kiểm ngư, Thanh tra liên ngành, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh.
Tuy nhiên vẫn còn một số bộ phận ngư dân vì lợi ích kinh tế trước mắt đã sử dụng một số phương pháp khai thác có tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản như dùng xung điện, đánh bắt bằng các ngư cụ có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định, khai thác sai vùng, khai thác vào các vùng sinh trưởng của cá con làm cho nguồn lợi thủy sản suy giảm, môi trường sinh thái bị hủy hoại gây ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của nhiều ngư dân khác.
Tuyên truyền, phổ biến pháp luật đối với các tàu cá vi phạm. |
Trong đó, có các nghề gây ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản như: Nghề lưới kéo tôm (lưới kéo đơn) sử dụng xung điện; các nghề lồng bẫy, đáy, te, lưới kéo sử dụng mắt lưới nhỏ hơn quy định để tận thu sản phẩm.
Để tăng cường xử lý triệt để việc sử dụng công cụ trái pháp luật để khai thác thủy sản trong thời gian tới cần tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho ngư dân tham gia khai thác thủy sản.
Các ngành Công an, Bộ đội Biên phòng, UBND các huyện, thành phố ven biển phối hợp chặt chẽ, quyết liệt vào cuộc và đồng bộ trong việc tổ chức thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm; quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác hải sản của các tàu cá theo đúng nội dung trong giấy phép khai thác thủy sản đã được cấp.
Ngoài ra, cần phải xây dựng và ban hành các chính sách phát triển đa dạng nghề nuôi trồng thủy sản, hỗ trợ về vốn, đào tạo nghề, nơi ăn ở ổn định, để tạo điều kiện cho ngư dân chuyển đổi nghề phù hợp, giảm áp lực trong khai thác nguồn lợi thủy sản cũng như đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị 19/CT-TTg ngày 30/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai thực hiện Chỉ thị 01/1998/CT-TTg ngày 2/1/1998 về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản.
Bắt giữ những tàu sử dụng kích điện để đánh bắt thủy sản |
Gian nan chống vi phạm
Theo báo cáo của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Thanh Hóa, trong 11 tháng năm 2017 lực lượng Thanh tra chuyên ngành thủy sản của Chi cục đã xử phạt 54 vụ vi phạm về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Trong đó, có 13 vụ vi phạm về tàng trữ và sử dụng kích điện để khai thác thủy sản, so với cùng kỳ năm 2016 thì số vụ vi phạm về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản được Thanh tra sử phạt gia tăng 53 so với 54 vụ 2017. Các chủ tàu làm nghề vi phạm có chiều hướng giảm.
Trước đó, vào ngày 24/5, tàu cá mang số hiệu đăng ký TH-91868TS do ông Trương Văn Việt làm chủ trú ở phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn (Thanh Hóa) đã sử dụng điện trực tiếp từ máy phát trên tàu để khai thác thủy sản và đã bị lực lượng Thanh tra chuyên ngành của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản phát hiện xử phạt với số tiền 45 triệu đồng do (vi phạm tại Điểm e, khoản 17, Điều 7 Nghị định 41/2017/NĐ-CP ngày 05/4/2017).
Tiếp đó, vào rạng sáng ngày 29/11 Chi cục KT&BVNLTS phối hợp với Kiểm ngư địa phương, Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa phát hiện 5 tàu cá có công suất dưới 90CV có biểu hiện sử dụng kích điện đánh bắt thủy hải sản trên biển.
Theo đó, các chủ tàu bị tạm giữ gồm: Ông Nguyễn Văn Vần, ông Phạm Văn Bục, ông Lê Doãn Luyện đều trú phường Quảng Cư, TP Sầm Sơn và các ông Nguyễn Văn Vui, ông Vũ Tiến Bình trú phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn (Thanh Hóa).
Tại cơ quan chức năng các ngư dân này cho biết mua các bộ kích điện này với giá 500 nghìn đồng, sau đó bộ kích điện này được gắn với bình ắc quy và đôi càng làm bằng sắt gắn ở mũi tàu tạo nên xung điện mạnh có khả năng hủy diệt mọi loại hải sản trong phạm vi nhỏ.
Với việc các kích điện nhỏ gọn, dễ cất dấu, chi phí đầu tư thấp, hiệu quả sử dụng cao nên kích điện được rất nhiều ngư dân sử dụng để khai thác thủy sản.
Theo Chi cục KT&BVNLTS Thanh Hóa thì các tàu cá vi phạm ở các phường Quảng Châu, phường Quảng Tiến, phường Quảng Cư (TP Sầm Sơn), xã Ngư Lộc (Hậu Lộc), xã Hải Ninh, Hải Hà (Tĩnh Gia).
Việc xử lý các tàu cá vi phạm gặp nhiều khó khăn khi chủ yếu các tàu hoạt động vào ban đêm và ngày càng tinh vi, lực lượng thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát của Chi cục và các ngành chức năng còn mỏng, thiếu phương tiện và nhân lực.
Tác giả: Trần Nghị
Nguồn tin: Báo Infonet