Kinh tế

Thủy sản đua quay lại 'ao nhà'

Sản lượng tiêu thụ nội địa tăng trung bình 7% mỗi năm, giá trị tiêu thụ tăng xấp xỉ 14% đang hấp dẫn doanh nghiệp thủy sản quay lại thị trường trong nước.

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hải Nam cho biết sau khi đã phân phối ổn định sản phẩm đến hơn 60 nước và nhận được tín nhiệm cao từ những khách hàng khó tính như Nhật Bản, EU thì doanh nghiệp đang tập trung thị trường nội địa.

“Hiện thị phần bán lẻ thủy sản trong nước chiếm khoảng 5% tổng doanh thu và mục tiêu trong 3 năm tới sẽ tăng lên 20%. Chúng tôi đã tính đến việc tìm chuyên gia để tư vấn chiến lược phát triển, nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường”, bà Sắc khẳng định.

Theo Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối, tỷ lệ nguyên liệu chế biến dành cho xuất khẩu và trong nước được rút ngắn, dao động quanh mức 60-40%. Hiện cả nước có khoảng hơn 7.500 cơ sở chế biến là hộ gia đình và làng nghề truyền thống, mỗi năm mang về hơn 15.000 tỷ đồng. Mức tiêu thụ sản phẩm thủy sản đầu người nhích dần đến con số 30 kg một người một năm.

Mặt hàng thủy sản ăn liền có giá trị gia tăng lớn đang bị bỏ quên khi doanh nghiệp tập trung mạnh vào những mặt hàng truyền thống như thủy sản đông lạnh, thủy sản khô.


Báo cáo của Tổng cục Thủy sản cho thấy tổng sản lượng thủy sản trong năm tháng đầu nằm 2016 ước đạt 2,45 triệu tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị xuất khẩu ước đạt 2,6 tỷ USD, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2015. Dù kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng ổn định nhưng hiện nhiều doanh nghiệp lớn đã quan tâm hơn đến thị phần trong nước. Tuy nhiên, việc quay lại này không dễ dàng.

Đại diện bộ phận kinh doanh nội địa của Công ty CP Tập đoàn thủy sản Minh Phú, đơn vị có kim ngạch xuất khẩu tôm dẫn đầu cả nước, cho biết thị phần tại Việt Nam chiếm không quá 1% doanh thu hằng năm. Dù rất chú trọng vào thị trường trong nước, cụ thể khâu chế biến xuất khẩu và tiêu thụ trong nước đều cùng dây chuyền hiện đại, nhưng doanh nghiệp vẫn đang gặp không ít thách thức. Đặc biệt là tâm lý người tiêu dùng cho rằng sản phẩm nội địa là hàng xuất khẩu lỗi, phải trả về.

Bà Bùi Thị Minh Thu, Phó giám đốc Kinh doanh Saigon Co.op cho biết thêm, yếu tố khiến thủy sản nội địa tiêu thụ chậm là vì các doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức về chất lượng sản phẩm (đa phần kém hơn tiêu chuẩn xuất khẩu), mạ băng dày, khối lượng tịnh sản phẩm bị thiếu, những cam kết về an toàn thực phẩm chưa làm người tiêu dùng an tâm...

Ông Võ Thành Đô, Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối, nhận định, thời gian tới, khi các hàng rào thuế quan được dỡ bỏ, sản phẩm nhập khẩu ồ ạt thì tính cạnh tranh còn quyết liệt và nhiều thách thức hơn.

Tuy nhiên, ông Đô đánh giá thị trường thủy sản nội địa vẫn rất tiềm năng khi người tiêu dùng ngày càng tỉnh táo và sẵn sàng lựa chọn những sản phẩm chất lượng tương xứng với số tiền lớn bỏ ra. Điều này minh chứng qua thống kê sản lượng tiêu thụ nội địa tăng trung bình 7% mỗi năm, trong khi giá trị tiêu thụ tăng xấp xỉ 14%. Ngoài ra, mặt hàng thủy sản ăn liền có giá trị gia tăng lớn đang bị bỏ quên khi doanh nghiệp tập trung mạnh vào những mặt hàng truyền thống như thủy sản đông lạnh, thủy sản khô, nước mắm… Việc bước đầu hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm sạch từ nguyên liệu đến tiêu thụ; hệ thống thương mại hiện đại mới chiếm 20%, chợ truyền thống - bán lẻ chiếm 80% là những cơ hội rộng mở cho các doanh nghiệp tấn công vào thị trường nội địa.

Tác giả bài viết: Phương Đông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok