|
Ban Chỉ đạo PCTHTL của các ban, sở, ngành, UBND các cấp đã được thành lập và kiện toàn hoạt động có hiệu quả; công tác tập huấn tuyên truyền được đẩy mạnh, nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá được nâng lên... Tuy nhiên, các bệnh liên quan đến tác hại của thuốc lá vẫn không ngừng gia tăng...
Theo số liệu điều tra tỷ lệ hút thuốc lá năm 2015 tại Thanh Hóa cho thấy, cứ trung bình 2 nam giới thì có hơn 1 người hút thuốc.
Cụ thể điều tra trên 1.189 nam giới từ 18 tuổi trở lên thì có tới 732 người hút thuốc, chiếm 61,6%. Nếu tính theo độ tuổi thì nhóm dưới 20 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất, thấp nhất là nhóm trên 40 tuổi; tần suất hút thuốc của 180 đối tượng nam giới điều tra ngẫu nhiên thì tỷ lệ hút 10 - 15 điếu/ngày, chiếm cao nhất (32,5%), từ 5 - 10 điếu/ngày, chiếm tỷ lệ 28,3%.
Theo kết quả quan sát tại một số khu vực công cộng thì có 60% điểm đã có treo biển báo “cấm hút thuốc lá”, 60% địa điểm vui chơi có phát động phong trào khu vui chơi không khói thuốc. Tuy nhiên, 40% điểm vẫn còn có hành vi hút thuốc lá và 40% điểm vẫn còn mẩu thuốc lá.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, tình trạng hút thuốc tại nơi làm việc vẫn còn tồn tại, ngay cả khi có biển báo cấm hút thuốc. Khi được điều tra về thực hiện quy định cấm hút thuốc tại nơi công cộng thì có tới 45,7% người được hỏi cho rằng không có quy định nào; 20,9% người cho rằng không được phép hút; nhưng vẫn còn 5,3% người nói là được hút thuốc mọi lúc, mọi nơi....
Như vậy, theo thực tế điều tra này, Thanh Hóa vẫn là tỉnh có tỷ lệ hút thuốc lá khá cao và người dân vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tác hại và ảnh hưởng của thuốc lá với sức khỏe, đời sống kinh tế và môi trường và đặc biệt là gây ra các căn bệnh nguy hiểm chết người.
Công tác PCTHTL gặp nhiều khó khăn do một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức hút thuốc lá không đúng nơi quy định, đặc biệt là tại cơ quan, công sở khiến hiệu quả của việc tuyên truyền về THTL vẫn còn hạn chế; đa số người dân chưa nhận thức được mức độ tổn thất to lớn về sức khỏe, kinh tế và môi trường do thuốc lá gây nên; đặc biệt chưa thấy được tác hại của thuốc lá là nguyên nhân dẫn đến đói nghèo và bệnh tật.
Để việc thực hiện Luật PCTHTL có hiệu quả, hạn chế tỷ lệ hút thuốc lá trong cộng đồng, trong thời gian qua, Thanh Hóa đã tích cực triển khai nhiều hoạt động đồng bộ thực hiện công tác PCTHTL nhằm giảm tỷ lệ hút thuốc lá trong cộng đồng.
Ban Chỉ đạo PCTHTL tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng kế hoạch và triển khai, chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn tăng cường công tác thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng trên hệ thống thông tin đại chúng về tác hại của việc sử dụng thuốc lá.
Phát động phong trào thực hiện không khói thuốc ở nơi làm việc, nơi công cộng; tăng cường công tác kiểm tra việc tuân thủ quy định cấm hút thuốc tại nơi có quy định cấm; đưa tiêu chuẩn không hút thuốc lá tại nơi làm việc vào tiêu chuẩn thi đua của cán bộ, công chức, nhân viên cơ quan... ; tại các trường học cũng đã tích cực vào cuộc; việc triển khai Luật PCTHTL được các đơn vị thực hiện thông qua các hoạt động lồng ghép cụ thể; tuyên truyền sâu rộng về PCTHTL tới toàn thể cán bộ, công chức và mọi tầng lớp nhân dân lao động trong toàn tỉnh; tăng cường thực thi môi trường không khói thuốc theo Luật PCTHTL.
Đặc biệt, tiếp tục duy trì mô hình “Trường học không khói thuốc”, “Bệnh viện không khói thuốc”, “Cơ quan không khói thuốc”... Tổ chức các đợt thanh, kiểm tra và xử phạt các vi phạm về buôn bán, kinh doanh, sử dụng thuốc lá trên địa bàn. Giám sát việc thi hành các quy định cấm hút thuốc lá tại các nơi có quy định cấm hút thuốc lá theo quy định hiện hành.
Các hành động quyết liệt của Ban Chỉ đạo PCTHTL tỉnh cũng được thực hiện quyết liệt nhằm mục tiêu: 60% người dân tại cộng đồng hiểu biết về tác hại của thuốc lá; trên 50% người dân tại cộng đồng biết về quy định của Luật PCTHTL; 60% cơ quan hành chính của tỉnh thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc tại nơi làm việc trong nhà; 70% trường mẫu giáo và tiểu học thực quy định nghiêm cấm hút thuốc trong khuôn viên trường học, có ít nhất 10 trường THCS, 10 trường THPT thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc trong khuôn viên trường học; 80% bệnh viện tuyến tỉnh có quy định về việc thực thi môi trường không khói thuốc trong khuôn viên và trong đó 70% thực thi nghiêm môi trường không khói thuốc; ít nhất 70% các công ty xe buýt thực hiện quy định cấm hút thuốc trên các phương tiện vận chuyển hành khách.
Tác giả: Ngọc Diệp
Nguồn tin: Báo Thanh Hóa điện tử