Du lịch

Tăng cường quản lý và khai thác các thị trường khách du lịch trọng điểm

Thời gian qua, với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, ngành Du lịch Việt Nam đã có những bước phục hồi và tăng trưởng tích cực.

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2016 tăng 24% so với cùng kỳ, đạt trên 5,5 triệu lượt, trong đó một số thị trường có độ tăng trưởng cao như Trung Quốc, Hàn Quốc, khu vực Tây Âu. Tuy nhiên, hoạt động du lịch còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập, được dư luận xã hội và truyền thông quan tâm, phản ánh, trong đó có tình trạng người nước ngoài tham gia điều hành, hoạt động hướng dẫn du lịch trái phép tại một số địa phương khu vực miền Trung.

Khách Thái Lan đến Nghệ An


Trước tình hình trên, Bộ VHTTDL đã có văn bản chỉ đạo kịp thời tới các địa phương và các cơ quan có trách nhiệm tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nghiêm túc xử phạt nhiều trường hợp các doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam và nước ngoài vi phạm pháp luật trong các hoạt động du lịch, từng bước đưa các hoạt động khai thác, kinh doanh các thị trường du lịch trọng điểm tại các địa phương vào nề nếp, tuân thủ các quy định của pháp luật.

Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước từ du lịch trên địa bàn, đồng thời tăng cường khai thác khách du lịch từ các thị trường trọng điểm đến Việt Nam trong thời gian tới, TCDL đề nghị các Sở Du lịch, Sở VHTTDL nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ VHTTDL tại Công văn số 2583/BVHTTDL ngày 06/7/2016 về việc chấn chỉnh, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực du lịch tại các địa phương và chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Huỳnh Vĩnh Ái tại Thông báo số 2832/TB-BVHTTDL ngày 22/7/2016 kết luận cuộc họp với các tỉnh miền Trung về tăng cường quản lý hoạt động du lịch trên địa bàn.

Trong điều kiện khách du lịch quốc tế đến một số địa phương tăng cao vào những thời điểm nhất định, đội ngũ hướng dẫn viên có ngoại ngữ phù hợp với thị trường khách không đáp ứng đủ số lượng, các Sở Du lịch, Sở VHTTDL hướng dẫn doanh nghiệp áp dụng các biện pháp linh hoạt trước mắt để phục vụ khách du lịch như sau: có biện pháp huy động hướng dẫn viên đến từ các địa phương khác đáp ứng nhu cầu tham quan của khách; cung cấp thông tin cụ thể giới thiệu các điểm đến du lịch trong chương trình tham quan cho trưởng đoàn và khách du lịch bằng các ngôn ngữ phù hợp; sử dụng phiên dịch đi kèm với hướng dẫn viên người Việt Nam để giới thiệu và phục vụ khách du lịch theo chương trình du lịch. Tại các điểm tham quan tập trung nhiều khách du lịch quốc tế trên địa bàn, tổ chức in ấn tờ rơi, tập gấp giới thiệu về khu, điểm du lịch bằng các ngoại ngữ phù hợp với các thị trường khách có số lượng lớn; nghiên cứu, bố trí kinh phí lắp đặt hệ thống thuyết minh tự động trực tiếp qua tai nghe bằng các thứ tiếng, phục vụ nhu cầu của du khách như kinh nghiệm một số địa phương đã làm.

Các Sở Du lịch, Sở VHTTDL tăng cường tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ hướng dẫn, nâng cao trình độ ngoại ngữ, cấp thẻ hướng dẫn viên cho những người đáp ứng yêu cầu theo quy định để bổ sung về số lượng và chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên trên địa bàn, đồng thời mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho thuyết minh viên du lịch tại các điểm tham quan để phục vụ khách quốc tế, nhất là các thị trường đón nhiều khách du lịch đến tham quan trên địa bàn.

Bên cạnh đó, cần tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp, cộng đồng dân cư nâng cao ý thức ứng xử văn minh với khách du lịch, tuyệt đối không để xảy ra các hành động, lời nói thể hiện sự phân biệt đối xử, kỳ thị với khách du lịch từ bất kỳ thị trường nào, kịp thời phản ánh thông tin về hoạt động du lịch trên địa bàn đến các cơ quan chức năng để có các biện pháp chấn chỉnh phù hợp./.

Tác giả bài viết: Đình Hà

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok