Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn khẩn trương thực hiện các biện pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học, không để bệnh dịch lợn Châu Phi làm ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh.
Chủ động các biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học |
Cụ thể: Tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên và học sinh về bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Tăng cường chỉ đạo và thực hiện tốt công tác bán trú trong trường mầm non, tiểu học; công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong việc tổ chức ăn bán trú, nước uống cho học sinh trong các trường mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn TP Thanh Hóa. Tăng cường quản lý hồ sơ bán trú trong trường học, việc lưu thực đơn, công khai thực đơn, lưu mẫu thức ăn, hồ sơ tài chính quản lý bán trú… Việc quản lý hồ sơ của các đơn vị cung ứng thực phẩm, nước uống, dịch vụ nấu ăn cho học sinh.
Bên cạnh đó, tổ chức cho các đơn vị cung ứng dịch vụ viết cam kết đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, phải tổ chức nghiêm ngặt việc kiểm soát nguồn thực phẩm đầu vào là thịt lợn sạch, nguồn gốc rõ ràng, có cam kết của đơn vị cung ứng. Hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học, THCS chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố về việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng bữa ăn, nước uống của học sinh. Nếu để xảy ra sai phạm phải chịu kỷ luật theo quy định.
Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về bữa ăn sạch cho các em học sinh |
Chủ tịch UBND thành phố Thanh Hóa Lê Anh Xuân cũng giao phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các nhà trường thực hiện nghiêm túc các nội dung trên, thường xuyên theo dõi diễn biến của dịch tả lợn Châu Phi, kiểm tra công tác thực hiện của các nhà trường và kịp thời báo cáo Chủ tịch UBND thành phố để xử lý công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố Thanh Hóa.
Trước đó ổ dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện ở địa bàn thành phố Thanh Hóa trên đàn lợn của gia đình bà Lê Thị Hương, ở thôn Đông, xã Đông Lĩnh, thành phố Thanh Hóa. Để ngăn chặn, khống chế, dập tắt dịch tả lợn Châu Phi, thành phố Thanh Hóa đã thành lập 177 chốt kiểm soát động vật, 11 tổ kiểm soát lưu động; tăng cường lấy mẫu giám sát đối với lợn sống nhập lậu, tại điểm thu gom buôn bán lợn sống, một số trang trại chăn nuôi lợn; hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở tăng cường theo dõi đàn lợn, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi…
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo chống dịch tả lợn Châu Phi tại Thanh Hóa |
Trong một diễn biến khác, ngày 19/3, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã đi kiểm tra công tác ứng phó ngăn ngừa bệnh dịch tả lợn Châu Phi tại Thanh Hoá. Bộ trưởng ghi nhận Thanh Hoá đã làm rất tốt, đã huy động được cả hệ thống vào cuộc, ngành chức năng làm tốt công tác tham mưu, thực hiện các biện pháp ứng phó. Tại Thanh Hoá, dịch mới chủ yếu xảy ra trên các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, điều kiện vệ sinh và ý thức phòng dịch của các hộ còn hạn chế. Do vậy, phải đặc biệt lưu ý tới nhóm đối tượng chăn nuôi này; khuyến khích và yêu cầu các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, các gia trại thực hiện nghiêm các biện pháp an toàn sinh học.
Bộ trưởng đề nghị Thanh Hoá tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác ứng phó, phòng chống dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp người dân nâng cao nhận thức, không quay lưng với thịt lợn sạch, thịt lợn có nguồn gốc, xuất xứ. Bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ rà soát lại Nghị quyết 16/2019 để có những điều chỉnh phù hợp với tình hình hiện nay. Sắp tới, Chính phủ cũng sẽ có chỉ đạo cụ thể về việc khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động thu mua, cấp đông, dự trữ các sản phẩm thịt lợn, nhằm chia sẻ, giảm thiệt hại cho người chăn nuôi. Thanh Hoá phải giữ được đàn lợn hạt nhân để phục vụ cho việc tái đàn sau này; bên cạnh ngành chăn nuôi lợn, Thanh Hoá cần quan tâm phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm và thuỷ sản, vì trong các lĩnh vực này, Thanh Hoá vẫn còn nhiều dư địa.
Tác giả: Thanh Phương
Nguồn tin: Báo Công lý