Trong tỉnh

Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên

Trong những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tự nhiên được các lực lượng chức năng, các cấp chính quyền địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần bảo đảm an ninh rừng.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Như Xuân tổ chức tuần rừng.

Huyện Như Xuân có 12.291,27 ha rừng phòng hộ, 8.132,10 ha rừng đặc dụng. Để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, hàng năm, huyện thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các phòng chuyên môn, lực lượng kiểm lâm và các địa phương thực hiện theo dõi diễn biến tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp. Đồng thời, củng cố, duy trì 282 tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng với 1.452 người tham gia sẵn sàng cơ động tham gia chữa cháy rừng khi có yêu cầu. Trong công tác bảo vệ rừng, với vai trò nòng cốt, lực lượng kiểm lâm huyện thường xuyên phối hợp với lực lượng công an, quân sự huyện, xã, chủ rừng Nhà nước tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng tận gốc và khu vực giáp ranh Thanh Hóa – Nghệ An. Các trạm kiểm lâm, kiểm lâm cơ động, kiểm lâm địa bàn kiểm tra, kiểm soát các phương tiện cơ giới ra vào rừng trên tất cả các tuyến giao thông. Đồng thời, thực hiện giám sát chặt chẽ việc khai thác rừng sản xuất, chế biến lâm sản, quản lý gỗ làm nhà, cưa xăng... trên địa bàn. Ngoài ra, hàng năm, đồng bào các dân tộc huyện Như Xuân đã trồng mới hơn 1.000 ha rừng sản xuất.

Qua tìm hiểu thực tế, hầu hết các địa phương trong tỉnh, việc bảo vệ và phát triển rừng luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả. Nhiều mô hình, cách làm hay trong bảo vệ và phát triển rừng đã được các địa phương triển khai, nhân rộng. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng và hỗ trợ phát triển các mô hình trồng rừng sản xuất, các mô hình kinh tế đồi rừng để người dân thực sự yên tâm gắn bó, bảo vệ và phát triển rừng cũng được triển khai thực hiện có hiệu quả. Đồng thời, tạo cơ sở để các lực lượng chức năng kiểm soát được tình trạng khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép, bảo vệ tài nguyên rừng. Toàn tỉnh hiện có hơn 384.221 ha rừng tự nhiên. Hàng năm, Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo các hạt kiểm lâm và lực lượng kiểm lâm viên bám sát địa bàn, phối hợp với các ngành, đoàn thể tham mưu cho chính quyền các cấp tăng cường tuyên truyền các văn bản về quản lý, bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng tới người dân bằng các hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng, lồng ghép vào các buổi sinh hoạt tập trung, họp thôn, bản. Đi đôi với tuyên truyền, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng cũng được các lực lượng chức năng thực hiện thường xuyên, có hiệu quả. Lực lượng kiểm lâm phụ trách địa bàn luôn chủ động bám sát cơ sở, tham mưu cho chính quyền cơ sở thực hiện tốt trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp. Ngoài ra, các đơn vị còn chủ động chỉ đạo kiểm lâm địa bàn bám sát cơ sở, tăng cường phối hợp chặt chẽ với các tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng thường xuyên kiểm tra những điểm có nguy cơ cháy cao; nhắc nhở, hướng dẫn người dân dọn vệ sinh rừng sau khi khai thác và sử dụng lửa đúng quy trình trong việc đốt, dọn nương rẫy. Tại các khu bảo tồn thiên nhiên và các khu vực có rừng tự nhiên, rừng đặc dụng luôn được bảo vệ nghiêm ngặt.

Ông Lê Quốc Việt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, cho biết: Thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức về công tác bảo vệ và phát triển rừng, sử dụng rừng, phòng chống cháy rừng. Thường xuyên phối hợp với lực lượng công an, quân sự, biên phòng và các địa phương tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng; nhất là khu vực giàu tài nguyên, khu vực giáp ranh giữa các huyện, tỉnh, khu vực biên giới Việt – Lào và các khu vực trọng điểm về cháy rừng. Chỉ đạo các hạt kiểm lâm phối hợp với phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn tham mưu cho UBND huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm tra, rà soát tiến độ thực hiện các dự án cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt trên địa bàn; đôn đốc các chủ rừng khẩn trương trồng rừng trên diện tích đã tận dụng lâm sản, hoàn thành trồng chậm nhất vào vụ xuân năm 2018. Tạm dừng triển khai các dự án cải tạo rừng mới và các diện tích đã phê duyệt hồ sơ cải tạo rừng nhưng chưa tận dụng lâm sản chuyển sang thực hiện các biện pháp lâm sinh, trồng bổ sung, bảo vệ, xúc tiến khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên. Tập trung quản lý tốt diện tích rừng tự nhiên hiện có, ngăn chặn tình trạng phá rừng tự nhiên để trồng rừng, không tổ chức thiết kế trồng rừng trên diện tích đất lâm nghiệp có trạng thái nghèo kiệt, chỉ áp dụng biện pháp khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh kết hợp trồng bổ sung rừng. Xác định rõ ranh giới rừng tự nhiên trên bản đồ và thực địa tại các khu vực rừng giáp ranh với rừng trồng, đất canh tác nương rẫy; lập biên bản bàn giao cụ thể ranh giới rừng tự nhiên cho chủ rừng. Chấm dứt tình trạng lấn chiếm, phá rừng tự nhiên để trồng rừng và sử dụng vào mục đích khác.

Tác giả: Lê Hợi

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa điện tử

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok