Trong tỉnh

Tăng cường công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm

Công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) có vai trò quan trọng đối với việc bảo vệ sức khỏe nhân dân. Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết số 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo VSATTP đến năm 2020 (gọi tắt là Nghị quyết 04) các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể các địa phương đã tập trung quán triệt, đến các tầng lớp nhân dân, tạo sự thống nhất và đồng thuận cao trong tổ chức thực hiện.

Người dân chọn mua các mặt hàng tại Siêu thị Co.opmart (TP Thanh Hóa).

Ngay sau khi Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy ban hành, các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã tổ chức học tập, quán triệt đến đông đảo các tầng lớp nhân dân thông qua MTTQ và các tổ chức chính trị, xã hội của tỉnh và các phương tiện thông tin đại chúng. Thông qua công tác tuyên truyền, đã giúp cho cán bộ, đảng viên và người dân nhận thức sâu sắc hơn những nội dung cơ bản của nghị quyết và tầm quan trọng của VSATTP đối với công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Nhiều cấp ủy đảng, chính quyền đã xây dựng chương trình hành động và cách làm cụ thể phù hợp với đặc điểm của từng địa phương. Trong công tác tuyên truyền các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh đã in, phát 1.286 băng zôn, khẩu hiệu, áp phích, 114.670 tờ rơi, 287 bộ đĩa DVD tuyên truyền; phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Thanh Hóa mở chuyên mục “nói không với thực phẩm bẩn”; Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức đoàn thể đã phát động phong trào, tổ chức hội thi về ATTP. Ngành y tế đã chủ trì, phối hợp với các ngành: Nông nghiệp, công thương tổ chức chiến dịch truyền thông cao điểm vào dịp Tết Nguyên đán, Tết Trung thu và Tháng Hành động vì chất lượng, ATTP.

Chi cục ATVSTP đã xây dựng và duy trì hoạt động của website về ATTP. Ở các huyện, thị, thành phố đã chỉ đạo in ấn, phát hành 61.190 tờ rơi, tờ gấp; 545 băng zôn, khẩu hiệu. Các sở, ban, ngành đã tổ chức 679 lớp tập huấn kiến thức về ATTP cho 61.648 đối tượng bao gồm nhà quản lý, người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Đặc biệt, thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ về phát triển các vùng sản xuất thực phẩm an toàn tập trung và mô hình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn. Hiện nay, toàn tỉnh đã hình thành 73 vùng sản xuất chuyên canh rau, quả an toàn tập trung với diện tích 444,3 ha đủ điều kiện ATTP (trong đó có 230,7 ha đã được chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP); 5 vùng chăn nuôi lợn an toàn nông hộ theo VietGAHP trên địa bàn các huyện Quảng Xương, Hoằng Hóa, Thọ Xuân, Triệu Sơn và Yên Định, với sự tham gia của 1.863 hộ chăn nuôi thuộc 95 nhóm GAHP, đã có 1.121 hộ chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAHP nông hộ.

Sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết 04, với nhiều giải pháp đồng bộ về công tác đảm bảo VSATTP, nhận thức của cán bộ, đảng viên, người quản lý, người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm được nâng cao. Bên cạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát VSATTP trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ được chú trọng triển khai thực hiện.

Các cơ quan chức năng cấp tỉnh đã thực hiện 397 cuộc thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành tại 866 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, xử lý 333 cơ sở vi phạm, tiêu hủy hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm trị giá gần 2 tỷ đồng. Cấp huyện thực hiện kiểm tra đối với 3.800 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh; phát hiện 103 lượt cơ sở vi phạm, tiêu hủy hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm trị giá 14,7 triệu đồng, đình chỉ hoạt động đối với 8 cơ sở không đáp ứng các quy định về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm.

Tuy đã có nhiều giải pháp trong công tác đảm bảo VSATTP, nhưng quá trình triển khai thực hiện vẫn gặp không ít khó khăn do một bộ phận người sản xuất và tiêu dùng chưa nhận thức đầy đủ về đảm bảo VSATTP; do hám lợi nên vẫn còn lén lút kinh doanh những mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; việc xây dựng và phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm nông - lâm - thủy sản an toàn tại các huyện, thị xã, thành phố chưa nhiều; người dân vẫn có thói quen mua bán tại những chợ tự phát, chợ cóc trên địa bàn các khu dân cư, khu công nghiệp... Chính vì vậy vẫn còn nhiều khó khăn trong công tác kiểm tra, xử lý.

Để công tác đảm bảo VSATTP thu được kết quả tốt, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý, rất cần sự chung tay góp sức của người dân. Các hộ sản xuất, chăn nuôi cần có ý thức, trách nhiệm hơn với cộng đồng trong quá trình sản xuất thực phẩm an toàn thông qua việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh và các vật tư nông nghiệp đúng hướng dẫn, đúng quy trình; không sử dụng chất cấm ngoài danh mục cho phép.

Đặc biệt là thông qua việc lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có tem nhãn với đầy đủ thông tin về chỉ tiêu chất lượng, hạn sử dụng cũng là biện pháp tốt để người tiêu dùng có thể loại bỏ những sản phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ, đồng thời tăng cường lên án, tố giác và tẩy chay những cơ sở, những sản phẩm kém chất lượng, không an toàn, góp phần làm trong sạch thị trường thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho mỗi người.

Tác giả: Minh Hiếu

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa điện tử

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok