Trong nước

Tăng 12% cũng không làm ‘rạng rỡ đồng lương’ nhân viên đường sắt

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, nếu lương của nhân viên đường sắt được điều chỉnh lên 12% thì cũng không thể làm "rạng rỡ đồng lương” được.

Tại tọa đàm “An toàn giao thông đường sắt - thực trạng và giải pháp” chiều qua, đề cập câu hỏi phải chăng lương thấp nên tác động đến người lao động đường sắt, lơ là khi thực hiện nhiệm vụ, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt VN Vũ Anh Minh thừa nhận, lương cán bộ công nhân viên đường sắt hiện nay thấp, nhất là các nhân viên tuần đường, gác chắn.

Chủ tịch HĐTV tổng công ty Đường sắt VN Vũ Anh Minh

“Mức lương là một chuyện, nhưng quan trọng nhất là môi trường, điểu kiện làm việc rất khó khăn, áp lực, trách nhiệm lớn”, ông Minh nói. Theo ông, đây là đối tượng hưởng lương từ nguồn ngân sách mà Nhà nước cấp cho ngành đường sắt bảo trì, duy tu. Trong khi nguồn kinh phí này mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% so với yêu cầu.

Tổng công ty đã báo cáo Bộ GTVT, năm 2018 lương nhân viên gác chắn, tuần đường sẽ được điều chỉnh tăng lên 12% trong gói ngân sách.

Bên cạnh đó, tạo thêm ứng dụng khoa học công nghệ để công nhân gác chắn phải bỏ sức lao động ít hơn, phù hợp với hao phí lao động bỏ ra với thu nhập họ nhận được.

“Những năm tới sẽ báo cáo Chính phủ để kinh phí bảo trì hàng năm phấn đấu từ nay đến 2023 đáp ứng 100%. Hiện ngành đường sắt có khoảng 26.000 lao động, phấn đấu đến năm 2020 mỗi lao động đạt được lương bình quân 9,5 - 10 triệu”, ông Minh nói.

Về phần mình, ủy viên thường trực UB Các vấn đề xã hội của QH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, nếu lương của cán bộ công nhân viên ngành đường sắt được điều chỉnh lên 12% thì cũng chỉ nhích thêm một chút chứ không thể làm "rạng rỡ đồng lương” của ngành đường sắt được.

Ông Lưu Bình Nhưỡng. Ảnh: Q.Khánh

“Tôi từng lẽo đẽo theo người xách đèn đi kiểm tra đường sắt, cực kỳ gian khổ, ngày nắng đã đành, ngày mưa, trời rét, đêm gặp sự cố còn vất vả hơn.

Các vấn đề với cán bộ công nhân viên ngành đường sắt không chỉ là đồng lương mà còn kèm theo rất nhiều rủi ro về mặt xã hội”, ông Nhưỡng nói.

Theo ông Nhưỡng, đồng lương thấp có thể dẫn đến dao động tư tưởng, nhuệ khí không làm cho cán bộ yêu ngành được nữa, minh chứng đã có hơn 5.000 người bỏ việc. Còn hơn 100.000 người của ngành đường sắt vẫn chịu được, người ta vẫn có thể nhìn về phía trước để cùng đồng hành với đất nước.

Đất nước tiến lên nhưng đường sắt thụt lùi

PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN quan ngại khi thế giới tiến lên, đất nước tiến lên nhưng riêng đường sắt thì đứng im hoặc thụt lùi.

PGS. TS Trần Đình Thiên. Ảnh: Q.Khánh

“Đường sắt là một công cụ phát triển, nhưng vấn đề ý thức, tầm nhìn của chúng ta còn hạn chế. Nếu chúng ta cứ để một công cụ phát triển của lịch sử đứng im như vậy thì chắc chắn hiệu quả không cao”, ông Thiên nói.

Ông cho rằng, nền kinh tế đã có nhiều tiến triển, nhưng hệ thống thể chế quản lý vẫn như xưa, vẫn như nông thôn. Chúng ta quan tâm đến rất nhiều thứ, nhưng đường sắt dường như lại đang bị lãng quên và bỏ rơi trong khi đường sắt được coi là lợi thế cho phát triển.

“Đường sắt hơn 100 năm, rất tụt hậu nhưng chỉ từ câu chuyện các vụ tai nạn gần đây thì chúng ta thấy được phải thay đổi toàn bộ cách nghĩ về đường sắt. Phải làm thế nào không thể để cho bước tiến 100 năm sau đó lại tụt hậu”, ông Thiên bày tỏ.

Ông Vũ Anh Minh cho hay, đường sắt đang siết chặt kỷ cương trong công tác an toàn. Trong 3 tháng tới, nếu đơn vị nào để xảy ra sự cố do chủ quan mà chưa đến mức cách chức thì giám đốc buộc phải từ chức.

Ngoài ra, sẽ tổ chức sát hạch lại và kiểm tra lại, những cán bộ công nhân viên nào không đủ năng lực, trình độ thì tạm thời dừng công việc để học, sát hạch lần 2, lần 3, không đạt điều kiện thì nghỉ việc.

Đơn vị cũng sẽ tăng cường áp dụng KHCN như lắp thiết bị giám sát hành trình trên đầu máy, camera trước và trong cabin đầu máy, tại khu vực ghi, phòng trực ban chạy tàu nhà ga, đường ngang… để tăng cường giám sát.

Tác giả: Hương Quỳnh

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok