LTS: Tiếp tục chuyện ly kỳ về người phụ nữ điều khiển cả gia đình sống như 'âm binh' ở Thanh Hóa mà báo điện tử VTC News đã đăng tải, trong lúc chờ ông bà Dung - Hồ đi làm về, chúng tôi rẽ qua nhà bà Nguyễn Thị Thành và ông Nguyễn Văn Thái. Nhìn từ phía bên ngoài, rất khó mới nhận ra giữa cánh đồng mía có một con ngõ nhỏ để đi vào. Có vẻ, ngõ ít người qua lại nên cỏ dại đã mọc um tùm. Ở đầu ngõ còn được rào chắn cẩn trọng bởi những cành cây khô gầy, gai góc...
Kỳ 2: Tiếp cận "ngôi nhà âm binh"
Những lần tiếp cận thất bại
Trời vừa đổ một cơn mưa rào nên ngõ ướp nhẹp và lầy lội. Không thể đi giày nên chúng tôi đành phải đi chân đất leo bộ vào phía bên trong. Vừa đặt chân xuống đất đã bị gai rừng đâm đau buốt. Thỉnh thoảng, những vũng nước lớn còn có cả mảnh sành, nếu không cẩn thận là rách chân như chơi.
Đi bộ khoảng 100m chúng tôi quan sát thấy một nóc nhà mái lá ẩn dưới những bụi cây um tùm. Xung quanh tối tăm, cô tịch đến mức chúng tôi có thể cảm nhận rõ từng tiếng muỗi vo ve sau những đám lá rừng.
"Dừng lại hay đi tiếp?", bất giác người đồng nghiệp phía sau hỏi tôi.
"Đi tiếp nhưng không đi thẳng. Chúng ta sẽ vòng ra phía sau nhà để quan sát, tránh tình trạng bứt dây động rừng. Nếu họ biết người lạ đột nhập sẽ rất khó cho chúng ta tiếp cận lần sau", vậy là chúng tôi thống nhất phương án không xông thẳng vào nhà mà chỉ lặng lẽ quan sát từ xa.
Quả thật, nếu không bước vào chúng tôi chẳng nhìn thấy gì ngoài cái nóc nhà thấp lè tè. Bên trong có người hay không và họ đang làm gì đối với chúng tôi vẫn là một dấu hỏi lớn. Sự bí ẩn và câu chuyện của gia đình họ càng thôi thúc chúng tôi phải tiếp cận ngôi nhà này bằng được.
Ngõ chính vào nhà bà Thành lầy lội và nhiều gai. (Ảnh: Kim Thược) |
Thế nhưng, liệu ông bà Dung - Hồ có dám đưa chúng tôi đi vào? Nghe đâu, mới đây có 5 thanh niên sửa điện bất ngờ xông vào đã bị hai người con của bà Thành vác dao đuổi. Nghĩ đến đây tôi lại hoang mang, lo sợ. Họ là những người không bình thường nên mọi chuyện đều có thể xảy ra.
Vừa ra đến ngõ, chúng tôi gặp được bà Nguyễn Thị Dung, vợ ông Phạm Văn Hồ - Giám đốc Lâm trường Thạch Thành đi làm về tới. Đi cùng bà Dung lúc này còn có hai cán bộ kiểm lâm, công an và ông Chủ tịch UBND xã Thành Vân.
Có nhiều người, bà Dung tỏ ra mạnh mẽ: "Nào, cô ngồi lên đây tôi chở cô vào bên trong". Nói rồi bà Dung quay chiếc xe máy lao thẳng vào phía bên trong con đường tối om.
Chị Nguyễn Thị Thanh - Con gái đầu của bà Thành ra chặn đường khi thấy có người vào nhà mình. (Ảnh: Kim Thược) |
Bóng một người mặc áo bay lướt nhanh qua nóc căn chòi lá trước mặt. Tôi không kịp định thần xem đó là một người đàn ông hay phụ nữ. Chỉ thấy tiếng quát "Dừng lại!" khiến bà Dung giật bắn mình. Còn tôi chỉ kịp phản xạ bằng cách cất tiếng chào: "Em chào anh ạ!".
Lúc ấy, bà Dung nhắc nhở: "Chị chứ không phải anh".
Cái bóng áo bay lúc nãy lại vòng ngược lại trước mắt tôi. Lúc này, tôi mới để ý thấy rõ hình ảnh người đứng trước mặt mình.
Bà Dung giọng có vẻ gấp gáp: "Dì Dung đây! Thấy mẹ bảo cho dì vào đây rồi".
"Không, vẫn chưa vô được", người mặc áo bay nói lý nhí trong cổ họng.
"Mà ai cho hắn quay phim. Không phải quay. Để ma hắn ghét cho là không ra gì đâu. Hắn phạt cho đấy!", người phụ nữ mặc áo bay buông lời đe dọa khi nhìn thấy tôi cầm máy quay trên tay.
Bà Dung tiếp tục hỏi: "Bố đâu rồi Thanh? Có ai trong nhà không cho dì vào gặp mẹ một lát thôi?".
Lúc này tôi mới biết đây là chị Nguyễn Thị Thanh (SN 1982), con gái cả của bà Thành.
Căn chòi lá của gia đình bà Nguyễn Thị Thành. (Ảnh: Kim Thược) |
Nhắc chúng tôi rời khỏi mảnh đất này năm lần bảy lượt không được Thanh như nổi điên: "Tất cả đi ra hết đi. Dì cũng không được vào, không ai được vào đây cả. Dì đừng có hỏi nữa. Dì đưa người ta quay lại đi. Dì nghe cháu nói là được còn gì nữa. Nếu nghe lời chấp hành thì đi ra khỏi đây đi. Đừng để đến khi phải tức giận lên".
Thấy Thanh có vẻ nổi cáu nên bà Dung ngậm ngùi khuyên chúng tôi quay quay lại. Lúc này, phía công an và ông Chủ tịch xã Thành Vân vẫn còn đứng bên ngoài. Ông Vũ Đình Mười - Phó trưởng công an xã Thành Vân phân trần: "Không phải chính quyền địa phương ở đây không quan tâm đến họ. Chúng tôi muốn quan tâm cũng không được. Mỗi lần chúng tôi đến họ lại đuổi về.
Cách đây hơn chục năm, khi nghe tin đứa con thứ 2 nhà bà Thành mất, chính quyền và bà con nhân dân cũng tới thăm. Công an huyện cũng về làm việc nhưng họ nhất quyết không đưa con ra nghĩa trang mà chôn lại trong vườn nhà. Dù không vào bên trong nhưng chúng tôi vẫn phải để ý xem quân số thế nào. Thiếu người nào là chúng tôi sẽ lập tức đến ngay".
Cả gia đình nằm chung với xác chết
Ngồi trong căn nhà khang trang giữa nông trường cây trái rộng hơn 10 ha, ông bà Dung - Hồ rất thoái mái khi trò chuyện với chúng tôi. Ông Phạm Văn Hồ - Giám đốc Lâm trường Thạch Thành là người có nhiều năm gắn bó với mảnh đất này nên hiểu rõ nhất nguồn cơn câu chuyện.
Họ dựng mấy chục căn chỏi lá thất lè tè như thế này trong vườn nhà. (Ảnh: Kim Thược) |
Ông Hồ kể lại: "Trước đây, khi hai cô chú Thành - Thái nghỉ hưu tôi đã cho một chuyến xe để chở toàn bộ tài sản gia đình về quê dưới Nga Sơn rồi. Hộ khẩu gia đình họ đã chuyển về Nga Sơn nhưng họ không về mà quyết tâm ở lại đây lập nghiệp".
"Bình thường, người bán trâu bò đi vì thiếu tiền tiền sinh hoạt, hoặc bỏ ngân hàng tiết kiệm. Nhưng lạ là gia đình nhà bà Thành lại đi mua bát về để úp xuống nền nhà. Sau một thời gian, khi các cửa hàng không bán bát đĩa cho gia đình nhà bà Thành nữa thì lại đi mua những cái lốp xe về đốt, lấy những sợi thép cuốn thành những con chỉ rồi bỏ xuống giếng.
Mấy năm nay, thực tế chúng tôi xuống thăm hỏi đưa quà tết thì bà Thành không nhận. Hàng tháng, ông Thái vẫn cứ đi về Nga Sơn để lấy lương bình thường. Gia đình cứ sống độc lập chứ không quan hệ với hàng xóm, cộng đồng. Ông chồng ra đường, gặp mọi người vẫn chào hỏi còn vợ với hai đứa con thì tuyệt nhiên không thấy xuất hiện.
Ông Vũ Đình Mười - Phó trưởng công an xã Thành Vân có mặt tại vườn nhà bà Nguyễn Thị Thành. (ẢNh: Kim Thược) |
Ngày trước, cây cối chưa um tùm như bây giờ, thỉnh thoảng người ta còn nhìn thấy bà Thành làng vảng trong khu vực hiên nhà. Dần dà, cuộc sống cô lập khiến cỏ mọc um tùm, gai đâm khắp lối thì không ai nhìn thấy bà Thành nữa. Muốn quan tâm qua hỏi thì bị người ta vác dao đuổi. Sức khỏe của bà Thành thế nào hàng xóm cũng chỉ nắm bắt được qua ông chồng.
Sự việc xảy ra từ năm 2000, đến nay cũng đã 17 năm. Nghe ông chồng kể, bà Thành hàng ngày chỉ uống nước dừa và ăn chay. Chuyện này là quá kì lạ. Kì lạ đến mức độ không thể tin nổi. Trước đây, khi là công nhân bà ấy rất khôn lanh, tự dưng bà ấy bị như vậy ai mà tin cho được".
Tiếp tục câu chuyện của ông Hồ, bà Dung tiếp lời: "Thời kì mới bị, tự dưng bà ấy lên nhà tôi và nói rằng: Dì Dung ơi. Tôi tới đây là phải làm việc Thánh. Tôi hẹn dì đến năm 2010 khi tôi hoàn thiện việc Thánh và sẽ cho dì là người đầu tiên gặp mặt. Chú dì cứ cố gắng giúp người nghèo đi rồi sẽ có phúc".
Tất cả các lối đi vào nhà đều bị rào hoặc vây kín. (Ảnh: Kim Thược) |
Thấy phán như vậy, bà Dung chỉ nghĩ đơn giản là bà Thành muốn học đòi làm thầy đồng cốt. Khi bán một đàn trâu bò đi được tất thảy 13 triệu cũng chưa có biểu hiện ngộ hay dại cả. Sau đó bà thấy cả gia đình dùng xe đạp chở từng thùng bát to về bà Dung mới hỏi. Lúc này bà Thành trả lời: "Tôi đang làm việc Thánh nên dì đừng có hỏi nhiều".
Hiểu chuyện, bà Dung xuống các đại lý bán bát đĩa và can thiệp ngay là không được bán bát đĩa cho vợ chồng nhà Thành - Thái nữa. Mua bát không được gia đình lại chuyển qua mua lưỡi cày. Mua lưỡi cày về trồng thành những cái cây cao vút. Khi được hỏi thì bà Thành bảo làm thế để thu tín hiệu từ năm châu.
Sau khi không ai bán lưỡi cày cho nữa thì lại chuyển sang thu gom lốp xe và bao bì. Việc mua bao bì cũng rất kì công. Mấy mẹ con ngồi gỡ từng sợi ra, cuộn thành dây thừng, rồi tiếp tục cuộn tròn lại to như những chiếc trống cái.
Bà Nguyễn Thị Dung - Bí thư chi bộ, BQL rừng Thành Vân - Lâm trường Thạch Thành. (Ảnh: Kim Thược) |
Khi vợ chồng bà Dung ở gần và thấy lạ có mời bố và cậu của bà Thành dưới Nga Sơn lên để tìm hướng giải quyết xem có phải vấn đề ma quỷ hay không, bởi nếu mà là ma quỷ hành như lời đồn đại thì mượn thầy về để giải bùa.
Bà Dung tỏ vẻ thất vọng: "Tối hôm đấy ông bố cũng nhất trí rồi nhưng không hiểu sao sau một đêm ngủ lại nhà bà Thành lại thay đổi ý kiến. Sáng hôm sau ông bố nói chuyện rằng: Tôi thấy hắn làm được đó, tối hôm qua tôi cũng ngồi làm cùng vợ chồng và các con hắn.
Dần dần, những người thân như ông, bà, cô, dì, chú. bác, anh em... nhà ấy có lên đây, ban đầu ai cũng quyết tâm đưa họ về đi bệnh viện nhưng cứ sau một đêm ở lại là đổi ý. Thậm chí, có người còn ở lại tham gia làm cùng. Ba đứa con dạo đó quỳ gối đào đất chôn bát, chôn sắt nhiều đến mức sưng phồng hai chân. Không hiểu sao bà ấy lại có thể sai khiến, đầy đọa chúng nó làm những việc kỳ lạ như vậy".
Ông Phạm Văn Hồ - Giám đốc Lâm trường Thạch Thành. (Ảnh: Kim Thược) |
Nhưng chuyện kì lạ nhất là việc đứa con thứ hai chết nhưng họ không hề hay biết. Hàng xóm không thấy cậu con thứ hai của hai ông bà đâu, hỏi thì bảo cháu đang ngủ. Đến khi có mùi hôi thối bốc ra từ căn nhà, người dân mới biết cậu ta đã chết. Vậy mà hàng ngày bốn mẹ con vẫn nằm ôm nhau ngủ chung giường.
Sau khi phát hiện, hàng xóm có vận động bà con đến thăm thì gia đình này không cho thăm viếng. Họ bảo không được phiền vì con họ đang ngủ. Khi chính quyền lên làm việc thì họ đã chôn xác con ngay sau tường nhà.
Ngày chưa xảy ra vụ việc, mấy đứa trẻ nhà Thành - Thái học rất giỏi. Thanh là chị cả, nằm trong đội tuyển học sinh giỏi Văn của trường phổ thông. Bởi vậy, thời kì đầu khi thấy Thanh bỏ học theo mẹ làm những việc kì lạ, cô giáo chủ nhiệm có ra thăm.
Khi nói chuyện với cô giáo Thanh bảo: "Cô có đi khắp nước Nam thì cũng không ai giống gia đình nhà em. Cái việc này chỉ có gia đình nhà em lo được thôi chứ không ai lo được cho nhà em cả. Cô về đi".
Cũng kể từ sau cái chết của Tân thì không ai dám bén bảng tới gần khu nhà ấy nữa. Khu nhà bà Thành dần hoang vu và trở nên huyền bí, xa lạ hơn đối với tất cả người dân địa phương ở đây.
Còn tiếp...
Tác giả: KIM THƯỢC HOÀNG
Nguồn tin: Báo VTC NEWS