Pháp luật

Tân lãnh đạo Công an các tỉnh: Sẽ thêm Đường "Nhuệ", Loan "cá" sa lưới

Đường "Nhuệ", Loan "cá" và mới đây là Tuấn "cá" (chồng Loan "cá") bị bắt khẩn cấp được cho là những dấu ấn của các tân giám đốc công an Thái Bình, Đồng Nai. Mới đây, việc Bộ Công an bổ nhiệm, điều động hàng loạt lãnh đạo công an các tỉnh mang đến kỳ vọng thêm nhiều băng nhóm giang hồ, bảo kê phải lộ mặt, sa lưới pháp luật.

Băng nhóm Loan "cá" bị Công an Đồng Nai triệt phá. Ảnh Minh Châu

Làn gió mới từ các tân giám đốc công an tỉnh

Năm 2019, Bộ Công an điều động bổ nhiệm 23 giám đốc công an cấp tỉnh, trong đó có những địa bàn rất nóng về an ninh trật tự như Đồng Nai với tân Giám đốc Vũ Hồng Văn, Thái Bình với tân Giám đốc Nguyễn Thanh Trường, Quảng Nam với tân Giám đốc Nguyễn Đức Dũng, Đắk Lắk với tân Giám đốc Lê Văn Tuyến, Bình Dương với tân Giám đốc Trịnh Ngọc Quyên, Hải Phòng với tân Giám đốc Vũ Thanh Chương, Nam Định với tân Giám đốc Phạm Văn Long… Đồng thời, Bộ Công an cũng bổ nhiệm, luân chuyển hàng chục phó giám đốc mới.

Điều đáng nói là chỉ trong thời gian ngắn sau khi được điều động, bổ nhiệm thì tình hình an ninh trật tự tại các địa phương này đã có nhiều khởi sắc.

Điển hình là vụ bóc gỡ tập đoàn “xã hội đen” chuyên bảo kê, cho vay nợ tại Thái Bình do vợ chồng Nguyễn Xuân Đường (tức Đường Nhuệ) cầm đầu. Tại Đồng Nai là hàng loạt các tụ điểm ăn chơi, tệ nạn xã hội tại các quán bar, vũ trường bị đánh sập, mới nhất là vụ băng nhóm do vợ chồng Loan “cá”, Tuấn “cá” cầm đầu. Tại Nam Định là bóc gỡ đường dây bảo kê hoả táng dưới sự cầm đầu của Quang “con”, Bình Dương phá hàng chục đường dây tín dụng đen…

Tại một số địa bàn, đối với nhiều chuyên án, người dân đã mạnh dạn tố cáo không ít chiến sĩ, cán bộ công an tiếp tay, làm ngơ để cho các băng nhóm tội phạm hoành hành một thời gian dài. Ví dụ như vụ Đường “Nhuệ”, người dân đã tố cáo đích danh một số cán bộ công an, trong đó có cả những lãnh đạo đã tiếp tay cho nhóm tội phạm này trong quá trình xử lý nhiều vụ việc.

Loan “cá” và Đường “Nhuệ” (phải) đã sa lưới pháp luật. Ảnh Hà Anh Chiến- PV

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4, khi được đặt câu hỏi về nghi vấn có hay không thế lực bảo kê, chống lưng cho các đối tượng vi phạm, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang khẳng định, Bộ Công an đang chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình khẩn trương điều tra mở rộng vụ việc một cách khách quan, công tâm, với quan điểm xem xét toàn diện, vi phạm đến đâu xử lý đến đó, làm triệt để, không có "vùng cấm", không bỏ lọt tội phạm song cũng không làm oan người vô tội.

"Chúng tôi cũng đã phục hồi điều tra một số vụ án khác khi thu thập được tài liệu chứng cứ trong quá trình điều tra vụ việc này. Bộ Công an đã chỉ đạo Công an tỉnh Thái Bình quán triệt tinh thần khẩn trương, kiên quyết, thượng tôn pháp luật, không chịu tác động, ảnh hưởng của bất kỳ ai. Bộ Công an cũng sẽ hướng dẫn, hỗ trợ Công an Thái Bình trong mở rộng chuyên án này", Thứ trưởng Lương Tam Quang khẳng định.

Hay vụ bắt giữ vợ chồng Loan “cá”, Tuấn “cá” chuyên bảo kê tại các chợ ở khu công nghiệp Thạch Phú (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai), người dân cũng đã đặt câu hỏi: Trách nhiệm của Công an huyện Vĩnh Cửu ở đâu và có hay không việc tiếp tay làm ngơ của những người có trách nhiệm giữ gìn an ninh trật tự.

Kỳ vọng vào hàng loạt lãnh đạo công an tỉnh mới được luân chuyển, bổ nhiệm

Rõ ràng, bên cạnh dấu ấn của tân lãnh đạo công an các tỉnh cũng lại là câu hỏi về trách nhiệm đối với các lãnh đạo công an cấp huyện, tỉnh ở nhiệm kỳ trước đó.

Gần đây, từ đầu năm 2020 Bộ Công an lại tiếp tục có những đợt điều động, luân chuyển mới. Cụ thể đại tá Nguyễn Minh Ngọc làm Giám đốc Công an Sóc Trăng, đại tá Lê Vinh Quy làm Giám đốc Công an Lâm Đồng, đại tá Hà Văn Tuyên làm Giám đốc Công an Lai Châu, đại tá Vũ Hoài Bắc làm Giám đốc Công an Trà Vinh, thượng tá Huỳnh Việt Hòa làm Giám đốc Công an Hậu Giang, đại tá Phạm Đăng Khoa, làm Giám đốc Công an Hưng Yên, đại tá Nguyễn Thế Hùng làm Giám đốc Công an tỉnh Ninh Thuận, đại tá Phan Công Bình giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ngãi…

Cũng không thể phủ nhận những nỗ lực của lãnh đạo công an cấp tỉnh trước khi có những tân lãnh đạo được điều động, luân chuyển, bổ nhiệm nhưng từ những vụ việc, đặc biệt là trấn áp giang hồ mang dấu ấn của các giám đốc lãnh đạo công an Thái Bình, Đồng Nai, Nam Định…, cho thấy những luồng gió mới trong trấn áp tội phạm cũng như hiệu quả ban đầu trong công tác luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ.

Chính những Đường “Nhuệ”, Loan “cá”, Quảng “ke”, Quang “con”… mới bị sa lưới cũng tạo ra động lực và cả áp lực cho những tân lãnh đạo công an cấp tỉnh, để giang hồ, nạn bảo kê không còn “đất sống”.

Tác giả: Minh Bằng

Nguồn tin: Báo Lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok