Trong buổi họp báo thường kỳ Chính phủ hôm 5/5/2020, nói về hoạt động phạm tội của vợ chồng Nguyễn Xuân Đường (tức Đường nhuệ, tỉnh Thái Bình), Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, đây là băng nhóm tội phạm có tổ chức, núp dưới doanh nghiệp, còn che mắt là doanh nhân thành đạt, có những hoạt động từ thiện, thiện nguyện. Nhóm này rất xảo quyệt, có nhiều phương thức, thủ đoạn đối phó với cơ quan chức năng.
Nhận định về loại tội phạm như Đường nhuệ với Đất Việt, Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công an cho rằng, loại tội phạm núp dưới bóng doanh nhân, làm từ thiện luôn cố gắng tạo ra một vỏ bọc rất đẹp, lấy lòng dư luận, đồng thời "qua mắt" cơ quan chức năng. Khi cơ quan chức năng có động thái điều tra thì các đối tượng lợi dụng tầm ảnh hưởng của dư luận để gây sức ép khiến cho công tác điều tra sẽ gặp nhiều khó khăn.
Chân dung vợ chồng Đường nhuệ. |
Theo ông Cương, để nhận dạng được loại tội phạm núp bóng doanh nhân thành đạt, làm nhiều chương trình từ thiện thì điều quan trọng nhất là nâng cao năng lực, nghiệp vụ của lực lượng phòng chống tội phạm.
Bên cạnh đó, lực lượng công an và các tổ chức chính quyền cần phải phân biệt được hiện tượng bề ngoài và bản chất.
"Thực ra loại tội phạm doanh nghiệp núp bóng doanh nhân, làm từ thiện không phải mới. Chỉ khi bắt Đường nhuệ mới bộc lộ ra khiến nhiều người xôn xao.
Có rất nhiều đối tượng là doanh nhân làm từ thiện 1 đồng nhưng lại "căn cắp" 100 đồng dưới nhiều hình thức như trốn thuế, hàng giả, hàng kém chất lượng, hay những doanh nhân làm từ thiện nhưng mặt khác lại câu kết với xã hội đen ức hiếp dân lành..." - Thiếu tướng Lê Văn Cương cho biết.
Ông Cương chia sẻ, chính những người làm công tác quản lý cũng bị loại tội phạm này "lừa" dưới cái mác doanh nhân thành đạt cùng nhiều chương trình hỗ trợ địa phương, người có hoàn cảnh khó khăn.
"Thậm chí có những đối tượng lợi dụng việc phát triển địa phương, dùng đồng tiền làm từ thiện để thao túng địa phương đó. Điều này cũng đã được phản ánh qua nhiều tác phẩm phim ảnh, đôi khi lãnh đạo địa phương đó rất tốt nhưng vì nóng vội mà không nhận ra được loại tội phạm này nên dẫn tới những sai lầm, có quyết định ưu ái cho doanh nghiệp đó.
Vì vậy, chúng ta cần phải rất tỉnh táo. Trên đời này không ai cho không ai cái gì, nhất là đối với doanh nghiệp, những người nhìn thấy lợi nhuận thì đầu tư. Họ có thể làm từ thiện hàng tỷ đồng nhưng đằng sau đó là làm hình ảnh, hoặc hưởng lợi dưới nhiều hình thức khác nhau. Nghĩa là họ không từ thiện vì cái tâm mà từ thiện vì lợi ích của riêng mình" - ông Cương nói.
Tác giả: Ngọc Vân
Nguồn tin: Báo Đất Việt