Sáng 5/4, tại Hà Nội đã diễn ra Triển lãm Quốc gia về An ninh Bảo mật (Security World) 2018. Đây là diễn đàn lớn và uy tín nhất tại Việt Nam trong lĩnh vực an ninh bảo mật. Hội thảo quy tụ các khách mời cấp cao từ khối Chính phủ cùng các chuyên gia hàng đầu, các Giám đốc Công nghệ thông tin (CIOs) và Giám đốc Bảo mật (CSOs) tới thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp CNTT mới nhất về an ninh bảo mật.
Triển lãm Quốc gia về An ninh Bảo mật (Security World) 2018 vừa khai mạc sáng nay tại Hà Nôi. Ảnh: Trọng Đạt |
Năm nay Security World 2018 được tổ chức với chủ đề “Tăng cường bảo mật dữ liệu và an toàn, an ninh mạng trong thế giới kết”. Điều này diễn trong bối cảnh thực trạng an toàn, an ninh thông tin tại Việt Nam trong một vài năm qua diễn biến rất phức tạp, khó lường.
Những năm qua, bên cạnh những nhân tố tích cực, tình hình thế giới và hoà bình khu vực có nhiều diễn biến mới, phức tạp, khó dự báo. Điều này tác động mạnh đến hoà bình và sự ổn định của mỗi quốc gia. Đặc biệt, sự phát triển mạnh mẽ của CNTT đã làm xuất hiện nhiều nguy cơ mới đe doạ an ninh các quốc gia từ không gian mạng.
Theo Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng (Bộ Công an): “Hoạt động tấn công, xâm nhập hệ thống mạng thông tin, đánh cắp, làm thay đổi hoặc phá hoại các thông tin, dữ liệu trong hầu hết các lĩnh vực là mối lo ngại thường trực đối với tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân”.
“Các cuộc tấn công mạng phát tán thông tin sai lệch mang màu sắc chính trị liên tục diễn ra, tác động không nhỏ đến an ninh và chính trường của nhiều quốc gia. Không gian mạng đã và đang trở thành môi trường thuận lợi để các cá nhân, tổ chức khủng bố liên lạc, tuyển mộ lực lượng, gây quỹ, truyền bá tư tưởng chống đối cực đoan, kích động sự thù hận và bạo lực. Phòng chống tấn công mạng, tội phạm mạng, gián điệp mạng, khủng bố mạng, chiến tranh mạng và ứng phó với những nguy cơ mới đến từ không gian mạng đã trở thành vấn đề toàn cầu, được nhiều quốc gia xác định là nội dung cốt lõi trong bảo vệ, phát triển đất nước”, Trung tướng Hoàng Phước Thuận chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin & Truyền thông – TT&TT): “Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến nhiều cuộc tấn công gây mất an toàn thông tin xuất hiện trên không gian mạng. Các cuộc tấn công mạng đang ngày càng dai dẳng, đa dạng, thường xuyên và nguy hiểm hơn. Trong đó, các mục tiêu tấn công đang chuyển dịch từ các mục tiêu cá nhân sang các tập đoàn kinh tế lớn hay nghiêm trọng hơn là các hệ thống thông tin quan trọng của các quốc gia”.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT). Ảnh: Trọng Đạt |
Không ai có thể phủ nhận những lợi ích mà lĩnh vực CNTT&TT cũng như Internet đã mang lại cho xã hội. Tuy nhiên, song song với sự phát triển và ứng dụng rộng rãi của CNTT, mức độ thiệt hại và tác động khi xảy ra sự cố mất an toàn thông tin theo đó sẽ càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, chính trị cho đến xã hội. Vì vậy, thách thức đặt ra cho công tác bảo đảm an toàn thông tin sẽ ngày càng khó khăn và phức tạp.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong công tác bảo đảm an toàn thông tin. Sự thiếu hụt nguồn nhân lực an toàn thông tin cũng như nhận thức chưa thực sự đầy đủ của cá nhân, tổ chức về an toàn thông tin đã vô tình tạo ra các điểm yếu để các sự cố hàng ngày vẫn xảy ra trong các hệ thống thông tin. Theo đánh giá của các chuyên gia, hơn 90% sự cố mất an toàn thông tin xảy ra là do yếu tố con người.
Tuy vậy, hành lang pháp lý về an toàn thông tin tại Việt Nam đang cơ bản được hoàn thiện, ngay sau Luật An toàn thông tin mạng 2015 có hiệu lực. Trong năm 2016, có 5 Nghị định liên quan đã được Chính phủ ban hành.
Trước tình hình an ninh mạng đang diễn tiến ngày càng phức tạp, “Các doanh nghiệp, cơ quan đơn vị của Việt Nam cần nhận thức đầy đủ hơn về sự cần thiết phải chuẩn bị các nguồn lực về kỹ thuật, con người để sẵn sàng phản ứng với các sự cố. An toàn thông tin không phải là nhiệm vụ của riêng cá nhân, tổ chức nào, nó cần có sự tin tưởng, chia sẻ và phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng của nhà nước, sự chung tay góp sức của các doanh nghiệp và cá nhân trong toàn xã hội”, đại diện Bộ TT&TT chia sẻ.
Tác giả: Trọng Đạt
Nguồn tin: Báo VietNamNet