Ai vội, ai ngại hỏi còn biết mà đi…
Ngã ba Cao Thắng – Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3, TP HCM) là mốc điểm để mỗi người tìm đường đến Bệnh viện Từ Dũ. Khá nhiều người dân tới Bệnh viện này đều là người tỉnh lẻ đến lần đầu nên phải hỏi đường.
Là người mưu sinh nhiều năm qua ở ngã ba này, anh Nguyễn Văn Nam luôn hiểu rõ. Anh không nhớ nổi đã bao nhiêu lần mình phải vào vai “hướng dẫn viên” bất đắc dĩ chỉ đường cho những cặp vợ chồng hiếm muộn hoặc những thai phụ khi họ tìm đường đến Bệnh viện này. Chỉ đường không xuể nên anh nghĩ cách làm tấm biển chỉ đường từ thiện cho những ai chưa biết khỏi mất công mà hỏi.
Trò chuyện với anh Nam, điều khiến người viết bất ngờ đến cay cay khóe mắt là anh không biết chữ. Bằng chất giọng thật thà, chất phác, anh Nam tâm sự: “Công việc chính của tui hàng ngày là đứng chỗ cột đèn giao thông này bán áo mưa, tui bán ở đây cũng được 20 năm rồi. Ngày ngày tui phải chứng kiến những chuyến xe cấp cứu chạy tới bệnh viện, rồi những người dân lần đầu tiên đến hỏi đường trong sự vội vàng, lo lắng làm những người như tui không thể làm ngơ và chỉ đường qua loa được. Thành ra, dù có bận tới đâu tui cũng phải chỉ cho họ một cách đàng hoàng, cụ thể. Có như vậy, tui mới an tâm. Cứ sợ họ không tới kịp với người thân, cấp cứu chậm trễ, rồi những điều không đáng lại đến”.
Đang trò chuyện vui vẻ, chợt anh Nam nhìn ra ngoài đường có người thanh niên chở một phụ nữ mang bầu trên chiếc xe máy, kèm theo là bao nhiêu thứ đồ lỉnh kỉnh, đang chạy xe rà chậm lại, mắt hơi ngơ ngác.
Nhìn đoán ra ngay là chở vợ đi sinh nở và chuẩn bị hỏi đường tới bệnh viện. Không để cho người thanh niên này phải chờ lâu, anh Nam nhanh nhẹn nói: “Hỏi đường tới Bệnh viện Từ Dũ phải không?”. Không để người đi đường kịp trả lời, anh đưa tay chỉ nhanh về cái nhà lầu màu vàng bên kia đường và nói: “Cái nhà màu vàng bên kia, ở đó có hình mẹ bồng con, đó là Bệnh viện Từ Dũ. Không thì nhìn vào cái biển này mà đi”. Vừa nói anh Nam vừa chỉ tay vào tấm biển.
Anh Nam còn cho biết thêm, mỗi ngày anh phải chỉ đường cho khoảng 50 người, chủ yếu là những người dân tỉnh lẻ, lần đầu đến với bệnh viện. “Tới đây rồi, bệnh của ai cũng nặng, cũng nguy hiểm, chậm một chút là có thể trễ cả đời. Do vậy, công việc chỉ đường đối với anh cũng rất quan trọng. Nhiều khi nghĩ thầm, nếu một hôm nào đó mình nghỉ làm rồi không biết ai thay mình làm công việc chỉ đường này. Thôi thì bỏ ra ít tiền làm tấm biển chỉ đường này nhỡ ai vội, ai ngại hỏi còn biết đường mà tìm”.
Và sự thật, những hôm anh không dọn quán hoặc ra muộn, trời mưa gió, nắng nóng vội vàng không tiện xuống xe, cởi khẩu trang, sang đường hỏi, tấm biển này đã thay thế anh để chỉ đường cho họ. “Họ có thể nhìn và đọc lướt được dòng chữ này mà không phải phức tạp rườm rà rồi tự tìm đường. Nên hôm nào tui có nghỉ làm, hay dù có bận tới đâu tui cũng chở tấm biển này tới để đây rồi mới đi làm công việc của mình” - anh chia sẻ.
Việc nhỏ giúp đời
Công việc bán áo mưa của anh thu nhập cũng không được bao nhiêu (mỗi ngày chỉ lời khoảng 100.000 đồng), thường chỉ đủ kiếm cơm ăn qua ngày. Thành ra, để trang trải thêm cuộc sống nuôi 3 đứa con ăn học, vợ anh Nam ngoài chuyện bếp núc còn phải đi phụ rửa chén bát thuê cho người ta.
Nhiều lúc anh cũng muốn kiếm công việc khác có thu nhập hơn nhưng khổ nỗi sức khoẻ anh không được đảm bảo. Anh bảo có tuổi rồi, công việc này là phù hợp nhất với anh. Nhưng dẫu nghèo vật chất, cuộc sống kham khổ nhưng tấm lòng hào hiệp của anh vẫn luôn dạt dào. Chuyện làm tấm biển chỉ đường đã được anh làm nhiều năm, nhiều lần và đồng nghĩa tiêu tốn rất nhiều tiền so với khoản thu nhập bọt bèo mà anh kiếm được.
“Tôi đã làm biển chỉ đường này với 4 loại chất liệu khác nhau rồi. Cái đầu tiên làm bằng bìa carton nhưng cứ vài ngày lại phải thay bìa khác vì trời mưa làm ướt, còn trời nắng mờ chữ. Loại thứ hai bằng thạch cao nhưng cũng chỉ được một thời gian phải thay bằng mica.
Chất liệu này không chịu nổi nắng Sài Gòn nên cũng giòn, vỡ mất mấy cái. Cuối cùng phải thay cái biển mới làm bằng chì, không hỏng, không gãy với giá gần 650.000 đồng. Ý định làm tấm biển này đã từ lâu nhưng cũng không có tiền, giờ mới làm được cái biển chắc chắn và đường hoàng” - anh nói bằng giọng hiền.
Anh Nam kể, ngày xưa vì gia đình nghèo quá, cơm ăn ngày ba bữa còn không đủ nên anh không được đi học, thành ra không biết chữ. Rồi cứ thế bám lấy hè phố mưu sinh mà khôn lớn, rồi lập gia đình, lại phải bận rộn, vất vả với việc lo toan, nuôi các con ăn học nên cũng chả bận tâm. Đến khi làm tấm biển này, anh mới biết mình không biết chữ và phải nhờ tới thằng con trai đầu viết giúp ra giấy, rồi đem tới tiệm quảng cáo làm biển.
“Lúc đưa dòng chữ này cho anh kỹ thuật xem anh đó cứ ngớ người ra hỏi “anh đùa à”. Chắc lúc đó anh chủ tiệm nghĩ mình có vấn đề thần kinh nên mới đi làm cái chuyện “bao đồng” đó. Nhưng tôi bảo cứ làm đi, hết bao nhiêu tiền tôi trả. Lúc đó anh ta mới chịu làm” – anh Nam nhớ lại.
Và cứ thế, sáng sớm mang ra và chập tối lại gói ghém sạch sẽ, cẩn thận đem về, đó như là hành trình một ngày của tấm biển thầm lặng mà chất chứa nghĩa tình, mang đến cho cuộc đời bao điều bình dị mà tốt đẹp. Ai đó nói rằng Sài Gòn vẫn thế! Thành phố phồn hoa giữa dòng người ngày ngày vẫn hối hả bon chen chạy đua với đời. Nhưng ở đó, trong từng con hẻm, góc phố kia, những điều bình dị nhất về tình người vẫn luôn lấp lánh, đủ để ta thấy thêm yêu cuộc sống này.
Tác giả bài viết: Hà Kiều