Hiện trường vụ tấn công tại trung tâm giáo dục của cộng đồng người Shiite ở Kabul hôm 15-8. Ảnh: CN |
Tấn công dồn dập
Taliban xông vào thành phố chiến lược Ghazni hôm 10-8, giết chết hàng trăm người trong ít nhất 4 ngày giao tranh dữ dội, qua đó phá hoại kế hoạch an ninh của chính phủ Afghanistan là tập trung vào việc đảm bảo cho các trung tâm dân cư được an toàn.
Đêm 14-8, 39 binh sĩ bị giết hại tại tỉnh Baghlan khi Taliban chiếm căn cứ của họ. Và 17 binh sĩ khác cũng bị giết khi căn cứ của họ ở Faryab bị tàn phá. Hôm 15-8, hàng chục người thiệt mạng khi một trung tâm giáo dục của cộng đồng người Shiite ở Kabul bị tấn công. Hàng chục người khác cũng thiệt mạng khi các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu của nổi dậy ở Farah. Hôm 16-8, các tay súng đã tấn công trung tâm huấn luyện của cơ quan tình báo Afghanistan.
Hôm 20-8, Taliban từ chối đề nghị ngừng bắn từ phía chính quyền Afghanistan nhân dịp lễ Eid al-Adha của đạo Hồi vì lo ngại Mỹ có thể hưởng lợi từ thỏa thuận này. Lực lượng này đồng thời bắt cóc thêm khoảng 200 người. Mới nhất, ngày 21-8, phiến quân Taliban đã bắn nhiều rocket về phía Phủ Tổng thống khi Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đang đọc thông điệp nhân dịp nghỉ lễ Eid al-Adha của người Hồi giáo. Cảnh sát Afghanistan cho biết, có ít nhất 9 quả rocket đã rơi xuống gần khu vực ngoại giao đoàn ở thủ đô Kabul.
Mỹ nói gì, làm gì?
Mặc dù, "chiến lược dài hạn" mà Tổng thống Trump tự mình phác họa có vẻ đã thất bại, Nhà Trắng dường như vẫn chưa lung lay. Khi được hỏi, phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders đã không bình luận trực tiếp về tình hình ở Ghazni, nhưng "cam kết tìm kiếm một giải pháp chính trị để chấm dứt cuộc xung đột ở Afghanistan", và sẽ "tiếp tục xem xét và xem xét những cách tốt nhất để tiến lên phía trước".
Một sự thay đổi hoàn toàn mới nhưng gần như không được công bố đã xảy ra trong chính sách của Mỹ trong những tháng qua: Washington quyết định nói chuyện trực tiếp với Taliban. Dù không có xác nhận chính thức, nhiều nguồn tin cho biết, Taliban tuyên bố gần đây đã gặp một quan chức cấp cao của Mỹ tại Doha. Mỹ tìm kiếm các cuộc đàm phán hòa bình với Taliban trong nhiều năm, nhưng với điều kiện phải xảy ra giữa Taliban và chính phủ Afghanistan và Mỹ đơn thuần chỉ là bên hỗ trợ. Trong khi đó, lãnh đạo của Taliban luôn muốn nói chuyện trực tiếp với "người chiếm đóng". Và giờ đây, Washington đã đồng ý. Điều này cho thấy, quân nổi dậy Taliban đang ở thế mạnh, cả trên chiến trường và trong ý thức chính trị của người mà nhóm coi là đối thủ: Mỹ và các đồng minh NATO.
Ai thắng, ai thua?
Trên lý thuyết, chính phủ Afghanistan và hơn 40 liên minh quốc tế, chủ yếu là người Mỹ, có nhiều lợi thế so với Taliban. Quân đội và cảnh sát Afghanistan có khoảng 350.000 người, được tài trợ bởi các đối tác quốc tế. Quân đội Mỹ hiện có 14.000 quân, bao gồm các huấn luyện viên, cố vấn và các thành viên hoạt động đặc biệt. Afghanistan cũng có lực lượng không quân nhỏ của riêng mình, và sự hỗ trợ rộng rãi từ máy bay không người lái, máy bay ném bom phản lực và súng máy bay trực thăng của Mỹ.
Trong khi đó, các quan chức quân đội Mỹ ước tính Taliban có khoảng 20.000-40.000 phần tử đang hoạt động, ước tính không thay đổi nhiều trong nhiều năm mặc dù chính phủ Afghanistan tuyên bố đã giết gần 1.000 tay súng mỗi tháng. Số liệu của chính phủ Mỹ cho thấy, chính phủ kiểm soát khoảng 2/3 dân số, một con số không thay đổi nhiều trong năm qua, mặc dù mục tiêu của chính phủ Afghanistan lên tới 80% vào cuối năm 2019.
Taliban lại là một tổ chức cấp tiến nhất trong nhiều năm. Mạng lưới Haqqani liên kết với Al-Qaeda giữ vị trí số hai trong hệ thống phân cấp của nhóm. Các cuộc đàm phán dường như càng ngày càng cấp thiết đối với Nhà Trắng. Tổng thống Trump nói rằng "chiến thắng" là mục tiêu, nhưng - giống như những người tiền nhiệm của ông - chính xác phải làm những gì vẫn còn rất mơ hồ. Liệu một chính phủ Afghanistan trong đó Taliban có tiếng nói quan trọng có thể tạo thành một thỏa thuận có thể chấp nhận được không?
Nhà Trắng đang tập trung giải quyết bằng các cuộc thương lượng, nhưng thời gian đã thay đổi. Mỹ và các đồng minh của họ phải thẳng thắn thừa nhận rằng, đây không phải là "chiến thắng" như họ đã hy vọng. Taliban biết rằng họ đang chiến thắng về mặt nhận thức, và rằng phương Tây đang dần mất kiên nhẫn.
Tác giả: AN BÌNH
Nguồn tin: Báo Công an TP Đà Nẵng