Nhiều du khách tham quan suối cá thần. |
1. Tôi ngược mạn Cẩm Thủy khi cái rét nàng Bân đem theo những cơn mưa lâm thâm của tiết cuối Xuân.Vạn vật chìm trong hơi lạnh, chân trời xám như màu bạc cũ. Suối cá thần Cẩm Lương mùa này thưa vắng khách qua lại, từng đàn cá lớn dễ có đến hàng ngàn vạn con, lưng xanh vẩy tía hiền lành bơi lội dưới tán đa cổ thụ hàng trăm năm tuổi.
Cụ Phạm Hồng Đức, trú tại thôn Lương Ngọc, xã Cẩm Lương, ngồi thong thả chống ống điếu, nhả những lọn khói thuốc lào trắng đục trong trời chiều đã giăng giăng phủ kín con đường dẫn vào suối cá. Chòm râu rung rung dưới khuôn mặt in đậm dấu thời gian. Sau vài câu thăm hỏi xã giao, tôi theo chân cụ về về căn nhà sàn nằm sâu trong phía chân ngọn Trường Sinh. Trên căn gác khá sạch sẽ ngăn nắp, một chiếc bếp lửa than hừng hực được đặt giữa sàn nhà. Cụ với tay lấy thêm củi rồi ân cần kéo tôi ngồi xuống bên bếp, “Truyền thuyết về suối cá ư?! dài lắm đấy, ta chỉ sợ nhà báo không đủ kiên nhẫn ngồi nghe đến sáng thôi”- nói rồi cụ nhìn tôi cười hiền từ bắt đầu câu chuyện.
Có nhiều truyền thuyết dân gian lý giải nguồn gốc sự ra đời của suối cá thần và vùng đất này. Thế nhưng có một câu chuyện, một truyền thuyết khác cũng lý giải cho sự có mặt của đàn cá ở đây mà không phải ai cũng biết.
Người Mường tự xa xưa kể rằng: Từ thủa “Đẻ đất, đẻ nước”, làng Ngọc ngày nay là nơi cư trú của một cộng đồng người Mường sinh sống chủ yếu bằng săn bắt, hái lượm. Cuộc sống tuy khó khăn nhưng người dân trong bản thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Đến một ngày, trời đất bỗng nổi cơn thịnh nộ, mây đen bao phủ khắp nơi, sấm chớp dậy đất rồi mưa tuôn xối xả ngày này sang ngày khác tạo nên một cơn đại hồng thủy nhấn chìm tất cả. Trong cơn điêu linh, một buổi sáng kia bỗng có tiếng sáo véo von xuất hiện cùng muôn vàn tiếng chim bên đầu núi, tiếng sáo lan đến đâu, mưa ở dấy dứt, nước lũ cũng rút theo. Giữa buổi bình minh xuất hiện một chàng trai khôi ngô, tuấn tú, đầu đội mũ hình rồng, áo dát bạc, chàng khoác trên vai chiếc cung dát ngọc, trên tay cầm cây sáo trúc còn tay kia cầm một chiếc rìu vàng. Với dáng vẻ của một vị thần, chàng bước tới, nghiêng mình trước bà con dân bản cất tiếng: “Con sinh ra từ núi rừng nhưng vẫn nặng kiếp con người và tha thiết mong muốn bản làng giang tay đón nhận”- mọi người sung sướng reo hò.
Nhờ có chàng trai dạy cho dân làm nhà,biết trồng cây ngô, cây lúa, bản làng thêm trù phú tốt tươi, cuộc sống thêm sung túc đủ đầy. Đêm đêm, tiếng sáo của chàng cất lên, bản mường lại say trong những điệu múa. Mọi người gọi chàng bàng cái tên thân thiết Ái Ngọc. Ngày ngày trôi qua, tiếng sáo của chàng đã làm động lòng Tiên Thủy, công chúa yêu của Long Vương nhưng khốn khổ thay, Long Vương đã hứa gả nàng cho tên tướng thuồng luồng hung ác. Vì ngày đêm thương nhớ tiếng sáo của Ái Ngọc, nàng quyết định cãi lời cha, rời cung đi theo tiếng gọi của con tim. Hướng về phía tây theo tiếng sáo, nàng cứ thế đi mãi, cho đến một ngày cạn sức lực, nàng và chỉ kịp kêu lên “Ái Ngọc chàng ơi!” rồi gục xuống bên chân núi. Cảm nghĩa nàng, thần gió đã đưa tiếng gọi của nàng lan theo vách núi tìm đến bên tai Ái Ngọc. Duyên trời định, chàng đã tìm thấy nàng khi nàng sắp trút hơi thở cuối cùng. Bằng tiếng sáo của mình, chàng đã làm nàng hồi sinh và nên duyên với nhau giữa mùa măng đang nở rộ. Bản làng mở hội ăn mừng, núi rừng rộn tiếng ca vui.
Phần thuồng luồng, vì mất người yêu, hắn đã đùng đùng nổi giận, nhờ Long Vương giúp sức, dâng nước, kéo thủy binh quyết phá tan bản làng, giết Ái Ngọc cướp lại Tiên Thủy. Trong cơn thủy nộ, Ái Ngọc cưỡi trên mình rồng, lưng đeo cung ngọc, tay cầm búa vàng xung trận. Hai bên giáo chiến mấy ngày đêm không phân thắng bại, Ái Ngọc thân mình mang nhiều thương tích nhưng bằng sức mạnh chính nghĩa, chàng đã giương cây cung ngọc, găm thẳng một mũi tên vào tim của thuồng luồng. Tên bạo tướng gục chết, binh lính thủy cung ào ào rút chạy, Ái Ngọc khải hoàn trở về nhưng vì vết thương quá nặng, chàng chỉ kịp ôm vợ con vào lòng rồi trút hơi thở cuối cùng. Xót thương cho người anh hùng cứu nhân độ thế, dân làng đã chôn Ái Ngọc chính nơi chàng đã xuất hiện. Tiên Thủy đêm đó chỉ biết ôm con ngồi bên mộ chồng khóc than.
Sáng hôm sau không ai thấy ngôi nhà của vợ chồng Ái Ngọc đâu nữa, thay vào đó là một cửa hang ăn vào lòng núi, từ đó chảy ra một dòng nước trong vắt, mát lành. Một loài cá lạ từ đâu bơi ra không ngớt, phía cuối dòng suối có xác một con rắn cụt. Nhân dân cho rằng đây là hiện thân của Ái Ngọc được trời cử xuống giúp dân, họ đã lập miếu thờ rồi ngày ngày hương khói. Dòng suối kia được xem là dòng nước mắt của Tiên Thủy khóc thương chồng, đàn cá là những đứa con của vợ chồng chàng. Vì thương nhớ Ái Ngọc, bà con trong vùng đã lấy tên chàng đặt cho vùng đất. Cái tên làng Lương Ngọc có tên từ ấy.
Cụ Đức chiêu một ngụm nước chè vối đặc sánh rồi kể tiếp. Để tưởng nhớ công ơn của chàng Ái Ngọc, cứ vào ngày mùng Tám tháng Giêng hàng năm, người dân trong vùng lại làm lễ Khai hạ. Mỗi nhà làm một mâm cơm mặn đến cúng tại đền thờ chàng Rắn, cầu cho mưa thuận gió hòa. Sau khi đánh 3 tiếng cồng, đàn cá thường bơi hết vào trong hang núi, những con còn nằm lại bên ngoài thì người dân được phép bắt lên ăn - đây được xem như sự trả lễ của thần rắn cho những người đã tận tụy hương khói và làm cơm cúng thần hàng năm nhưng tục này cũng đã bỏ từ rất lâu, nay chỉ còn lại nghi lễ “Khai hạ”. “Hầu như ta cũng chưa thấy ai dám bắt cá ăn thịt vì những truyền thuyết, những câu chuyện ly kỳ xung quanh bầy cá”- cụ Đức khẳng định.
“Truyền thuyết này đã có từ bao giờ không ai nhớ nữa nhưng ngôi đền thờ Tứ Phủ Long Vương đã được xây dựng từ thế kỷ thứ XI. Đền thờ đã có các đạo sắc phong: 2 đạo sắc phong thời Lê và 1 đạo sắc phong vào thời Vĩnh Tộ và thời Cảnh Hưng, 1 đạo sắc vào thời Nguyễn của vua Khải Định năm thứ 8 (1924). Trải qua nhiều dâu bể, tao loạn, các đạo sắc phong cũng bị thất lạc. Hiện nay người dân đã tiến hành phục dựng một ngôi đền mới ngay cạnh bờ suối. Còn dấu tích ngôi đền cũ thì đã bị dây rừng và cây cối phủ kín”- cụ Đức cho biết thêm.
Đền thờ thần rắn gần suối cá tại xã Cẩm Lương, Cẩm Thủy, Thanh Hóa. |
2. Rời nhà cụ Đức, chúng tôi men theo con đường cũ trở lại suối cá. Trong buổi sáng trong lành, một vài du khách đang chỉ trỏ rồi trầm trồ trước cảnh tượng hàng ngàn vạn con cá nặng từ vài lạng đến 5 hoặc 7kg vây xanh, đỏ, tím, vàng chen chúc nhau bơi qua cửa hang hẹp, bắt nguồn từ lòng núi ra lòng con suối cạn trong vắt rộng chừng 4 m. Anh Nguyễn Văn Cường - cán bộ Ban quản lý ở đây cho biết: Phân tích của các nhà khoa học gần đây cho thấy, đàn cá hàng nghìn con lớn, nhỏ ở suối cá Cẩm Lương là loài Cá dốc (có tên khoa học là Spinibarbichthys denticulatus- thuộc bộ cá chép, có tên trong sách đỏ Việt Nam).
“Cá ở đây rất hiền lành, ta có thể hái vài chiếc lá rừng thả xuống suối, bầy cá sẽ đến ăn và thoải mái vuốt ve chúng. Có một điều kỳ lạ là loài cá này chỉ sinh sống quanh quẩn trong phạm vi con suối vào đến lòng núi chứ không bao giờ đi xa. Có những năm lũ dâng cao, nước ngập mênh mông khắp nơi nhưng tịnh không có con cá nào theo nước lũ bơi đi”- vừa vuốt ve chú cá anh Cường vừa cho biết.
Nhiều người ở đây còn kể về một con cá chúa nặng chừng hơn 30kg, màu sắc sặc sỡ mỗi năm chỉ xuất hiện một lần, năm nào cá xuất hiện là mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi và cuộc sống của người dân sung túc đủ đầy. Mấy năm trở lại đây, do cửa hang đã quá hẹp so với thân hình của cá chúa nên nó đã không bao giờ xuất hiện nữa… nhưng theo lời của cụ Đức thì đây chỉ là chuyện được người ta thêu dệt lúc “trà dư tửu hậu” để tăng sự thú vị cho suối cá. Còn với một người đã đã gắn bó với vùng đất này gần trọn cuộc đời như cụ mà chưa bao giờ nhìn thấy con cá chúa thì đây đích thị chỉ là một câu chuyện đồn đãi.
Cá ở đây rất hiền lành, ta có thể hái vài chiếc lá rừng thả xuống suối, bầy cá sẽ đến ăn và thoải mái vuốt ve chúng. Có một điều kỳ lạ là loài cá này chỉ sinh sống quanh quẩn trong phạm vi con suối vào đến lòng núi chứ không bao giờ đi xa. Có những năm lũ dâng cao, nước ngập mênh mông khắp nơi nhưng tịnh không có con cá nào theo nước lũ bơi đi - anh Nguyễn Văn Cường - cán bộ Ban quản lý khu suối cá cho biết. |
Tác giả: Nguyễn Chung
Nguồn tin: Báo Đại Đoàn kết