Hình ảnh các mế Mường quây quần bên bếp lửa hút điếu cày, chuyện trò tâm sự chỉ còn trong ký ức (ảnh minh họa) |
Đi tìm câu trả lời, chúng tôi được biết những chiếc điếu cày đẹp, độc, lạ nơi đây có mối liên hệ với tập tục hút thuốc lào có từ xa xưa của những bà mế xứ Mường.
Đối với các bà mế Mường ở huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa), không gian hút thuốc lào chính là chỗ để họ gặp gỡ, chuyện trò sau mỗi buổi lao động vất vả. Có điều, hút thuốc lào là thói quen lạc hậu bị loại bỏ rồi, giờ phụ nữ Mường đều hiểu rõ về tác hại của khói thuốc nên không còn ai hút nữa.
Suối cá Cẩm Lương |
Tuy vậy, chiếc điếu cày thì vẫn được người dân nơi đây sản xuất ra để bán cho du khách, như một món quà lưu niệm độc đáo cho những ai ghé thăm xứ sở suối cá thần…
Ngắm điếu cày ở xứ Mường
Đến thăm suối cá thần, du khách ngạc nhiên khi nơi đây bày bán khá nhiều điếu cày, trong đó có loại điếu cày được quảng cáo dành riêng cho các mế.
Điếu cày ở suối “cá thần” được bày bán đủ các loại kích cỡ, chất liệu khác nhau, nhưng chủ yếu đều làm bằng gốc tre, luồng. Theo quan sát, những chiếc điếu cày này được đẽo theo các khuôn hình nòng pháo hoặc hình con rồng, con rắn. Trên các gốc cây này đều được phủ một màu sơn óng ánh, khiến cho chiếc điếu đẹp, bắt mắt.
Điếu cày được thiết kế theo kiểu “xe pháo” ở suối “cá thần” |
Điếu ở suối “cá thần” đều có giá cả khác nhau, tùy và sự cầu kỳ của người chế tác. Chiều dài của “điếu pháo” là 1,5 mét, miệng điếu hướng lên trời. Có loại lại để nguyên mắt và rễ khiến cho tác phẩm điếu cày càng trở nên độc, lạ, gai góc và quấn hút du khách.
Điều khác lạ là những chiếc điếu cày này đều được gắn bốn banh xe, người hút có thể đẩy đi đẩy lại, rất dễ dàng chuyển cho người hút tiếp theo. Ngoài những cỗ “xe điếu” cồng kềnh này, nơi đây còn có điếu bát và điếu thường.
Ông Quách Công Thành (45 tuổi), một chủ tiệm bán điếu cày ở suối “cá thần” chia sẻ: “Ý tưởng làm điếu này là do tôi dựa vào những cỗ xe pháo “thần công” của dân tộc. Thực ra điếu của người Mường cũng không to lắm, ở đây là khu du lịch cộng đồng nên tôi mới phải thiết kế những chiếc điếu như thế này.
Tôi làm điếu là để quảng bá du lịch chứ không khuyến khích người dân hút thuốc. Nếu các anh muốn biết khám phá tục hút thuốc lào thì phải vào các bản làng của người Mường. Hiện trong các bản Mường vẫn còn rất nhiều các bà mế nghiện thuốc, nó trở thành tục rồi, không bỏ được”.
Du khách thích thú chụp ảnh lưu niệm bên chiếc điếu cày độc, lạ |
Được biết, tục hút thuốc lào trước kia phổ biến ở một số huyện vùng cao của tỉnh Hòa Bình, nơi tập trung đông đúc cư dân của đồng bào Mường. Do các bản làng người Mường (Thanh Hóa) có nguồn gốc là người Mường ở (Hòa Bình) di cư vào, nên các bà mế ở đây mới quen với tập tục hút thuốc lào từ thời cổ xưa.
Xưa kia người phụ nữ Mường thường làm điếu rất đơn giản, khác với điếu ở suối cá thần. Hiện mẫu điếu được khách hàng ưa chuộng nhất vẫn là kiểu thiết kế theo hình một cỗ pháo. Thiếu kế như vậy thì chiếc điếu sẽ khỏe khoắn hơn, bà con họ chọn cây tre vì nó gắn liền với con người và đất nước Việt Nam.
Những chiếc điếu cày này là sản phẩm quảng bá du lịch, du khách mua về không phải để hút thuốc lào mà là quà lưu niệm chuyến du lịch. Hiện mỗi một chiếc “điều pháo” ở suối cá sẽ được bán với mức giá là 800 đến 1 triệu đồng. Thông thường những chiếc điếu này khách nước ngoài họ rất thích mua.
Tục hút thuốc của phụ nữ Mường xưa
Để tìm hiểu tục hút thuốc lào của các bà mế ở trong các bản Mường, chúng tôi đã tìm đến gia đình cụ Hà Thị Bằng (75 tuổi) để trò chuyện. Theo cụ Bằng, ngoài tục hút thuốc lào, người phụ nữ Mường còn có tục nhuộm răng, tục ăn trầu... Thông thường các tập tục này đều được người Mường giữ gìn.
Tục hút thuốc lào thường được các bà mế Mường quây quần 5 đến 6 người ngồi xung quanh bếp lò của mùa đông. Trong bếp của người Mường luôn có sẵn một chiếc điếu cày. Đối với các bà mế, chiếc điếu cày chính là vật trung gian để họ cùng trò chuyện, tâm sự với nhau cho câu chuyện thêm phần rôm rả.
Một cửa hàng bán đồ lưu niệm bày bán những chiếc điếu cày bằng tre hình thù cổ quái, thô sơ, gâm guốc |
Cụ Bằng nhớ lại: “Từ khi đang còn là con gái, tôi đã tham gia hút thuốc lào cũng các bà mế. Thời gia đầu tôi tập hút cũng rất khó khăn lắm, hút mãi thành quen và nghiện”. Để thể hiện mình là người biết hút thuốc, cụ Bằng liền rít một hơi rồi nhả khói ra cho chúng tôi xem.
Với cụ Bằng để có một mồi thuốc lào ngon thì phải mua bằng được thuốc lào của huyện Quảng Xương hoặc thuốc lào ở huyện Nga Sơn (Thanh Hóa). Theo cụ Bằng, thuốc lào ở Thanh Hóa thì chỉ có hai huyện này mới có thuốc lào ngon.
Cụ Bằng bảo: “Thuốc Quảng Xương nặng, hút êm nên khi đi chợ là tôi cứ phải dặn con dâu mua bằng được loại thuốc này. Hiện các bà mế ở bản cũng bỏ thuốc gần hết rồi. Nghe người ta bảo hút thuốc lào có hại cho sức khỏe, ung thư phổi, bệnh tim mạnh nên tôi cũng sợ lắm. Giờ già rồi, nên lúc nào tôi cũng khuyên các con đừng có hút thuốc. Mế nghiện nên hút cũng chẳng sao chứ các cháu mà tập vào là hư”.
Vừa nói chuyện với chúng tôi, cụ Bằng lại gắp tiếp viên than đỏ hồng cho vào nõ điếu rồi kéo lục bục ở trong điếu. Hút xong một điếu thuốc lào cụ Bằng cười và nhớ lại: “Hồi mới về làm dâu, tôi rất ngượng vì mình nghiện thuốc lào. Nhưng vì đây là tập tục cổ xưa nên gia đình chồng cũng thông cảm”.
Cụ Bằng cười sảng khoái rồi lại kể tiếp: “Hồi đó lúc có thai “thằng út” mà tôi không bỏ được, sau khi sinh, thèm thuốc đễn nỗi phải để điếu cày ngay ở bênh cạnh giường”.
Cụ Bằng bảo, nhưng đấy là trước kia thôi, thời ấy lạc hậu mới thế. Chứ bây giờ, trong các bản làng của người Mường, người dân cũng đã ý thức được việc hút thuốc lào là có hại cho sức khỏe nên tự giác bỏ thuốc lào lâu rồi. Hiện người dân làm ra những chiếc điếu cày để bán phục vụ khách tham quan bản làng, như một sản phẩm du lịch mang dấu ấn phong tục của người dân nơi đây...
Tác giả: MInh Phượng
Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam