Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố, chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng sẽ chỉ kết thúc khi tìm cách đạt được "trạng thái cân bằng quân sự" với Mỹ. Giới phân tích đánh giá mục tiêu này là khó khả thi, nhưng sức mạnh tên lửa của Bình Nhưỡng lại thực sự trở thành điều đáng ngại.
Tầm bắn khiến thế giới lo ngại
Quốc gia Đông Bắc Á đã phóng tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 bay qua hòn đảo Hokkaido của Nhật Bản hôm 15/9, thách thức các lệnh trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc được đưa ra sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của nước này.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố muốn sức mạnh hạt nhân Triều Tiên ngang tầm với nước Mỹ. |
Vụ phóng tên lửa mới nhất được giới phân tích đánh giá là có hiệu quả và tầm bay xa vượt trội so với các lần thử nghiệm trước đây. “Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là thiết lập sự cân bằng với lực lượng nòng cốt của Mỹ và khiến cho các nhà lãnh đạo Washington không dám bàn về giải pháp quân sự đối với CHDCND Triều Tiên”, hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên dẫn lời ông Kim Jong-un.
“Hiệu quả chiến đấu và độ tin cậy của Hwasong-12 đã được xác nhận kỹ lưỡng", ông nhấn mạnh.
Nhà lãnh đạo Bình Nhưỡng cho biết, đất nước của ông đã gần hoàn tất chương trình hạt nhân, đồng thời ca ngợi vụ thử nghiệm bom nhiệt hạch gần đây đã giúp tăng thêm “sức mạnh chiến đấu của lực lượng hạt nhân”. “Chúng ta nên cho họ thấy mục tiêu của mình sắp hoàn thành như thế nào bằng việc phô bày sức mạnh hạt nhân, bất chấp lệnh cấm vận và phong tỏa vô thời hạn của họ”, tuyên bố cho hay.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã ngay lập tức lên án vụ phóng tên lửa mới nhất của Bình Nhưỡng là sự “khiêu khích cao độ”. Trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên kế hoạch cho các cuộc đàm phán bàn về khủng hoảng với các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc.
Tuy nhiên, Đại sứ Trung Quốc ở Washington Thôi Thiên Khải phát biểu, việc tăng cường vũ trang cho Hàn Quốc và Nhật Bản, bao gồm cả cân nhắc về vũ khí hạt nhân để đối phó với mối đe dọa từ chính quyền Kim Jong-un sẽ không phải là một lựa chọn hợp lý.
Ông Thôi Thiên Khải cho biết, sự nở rộ vũ khí hạt nhân trong khu vực sẽ không mang lại đảm bảo an ninh cho bất kỳ ai và “chỉ làm cho mọi việc tồi tệ hơn”. “Chúng tôi chắc chắn không đồng ý với việc vũ khí hạt nhân sẽ xuất hiện mới ở bất cứ nơi nào trên bán đảo Triều Tiên", ông Thôi nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Pháp Emmanuel Macron kêu gọi Mỹ và Nhật Bản tham gia vào các cuộc đàm phán với Triều Tiên và cho rằng đây là cách duy nhất để giải quyết những căng thẳng.
Trong khi đó, Mỹ, Nhật Bản vẫn kiên quyết với lập trường của mình khi kêu gọi áp lực phải được đẩy mạnh thông qua biện pháp trừng phạt, chứ không phải là các cuộc đàm phán.
Bất chấp tình hình thêm căng thẳng, hai luồng quan điểm giữa một bên là Mỹ cùng đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc và một bên là Trung Quốc và Nga vẫn không thể dung hòa trong vấn đề Triều Tiên.
Bất chấp lệnh trừng phạt
Tên lửa Triều Tiên không phải dạng vừa. |
Moscow và Bắc Kinh mặc dù ủng hộ nghị quyết do Mỹ soạn thảo tại Hội đồng Bảo an về áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với Bình Nhưỡng, nhưng hai quốc gia này vẫn duy trì lập trường đối thoại là cần thiết để xoa dịu cuộc khủng hoảng thay vì giải pháp quân sự khắc nghiệt.
Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ khẳng định tên lửa mà Triều Tiên phóng đi như một lời đáp trả các lệnh trừng phạt hôm 15/9 không đặt ra một mối đe dọa đối với Bắc Mỹ hay đảo Guam, tuy nhiên bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, vũ khí này đã bay xa với khoảng cách 3.700km mà nếu phóng đúng quỹ đạo, các mục tiêu nói trên hoàn toàn có thể rơi vào tầm ngắm.
Yang Uk, chuyên gia phân tích tại Diễn đàn Quốc phòng và An ninh Hàn Quốc cho biết, tham vọng đạt được sự cân bằng quân sự với Washington của Triều Tiên sẽ khó thành sự thật. “Để đạt được trạng thái cân bằng về sức mạnh hạt nhân với Mỹ là điều phi thực tế”, ông nói.
Nhà phân tích Hàn Quốc cho biết, vụ phóng tên lửa mới nhất dường như được thực hiện trên bệ phóng di động, thay vì các bệ phóng cố định trong quá khứ. Điều này có nghĩa Bình Nhưỡng đã sẵn sàng triển khai các tên lửa tầm xa Hwasong-12 cho mục đích chiến đấu.
Triều Tiên được cho là đã giải quyết được những rắc rối về mặt kỹ thuật trong triển khai các bệ phóng tên lửa di động. Với sự linh hoạt này, tên lửa Hwasong-12 sắp tới sẽ là mối đe dọa hiện hữu hơn bao giờ hết đối với Mỹ và các đồng minh trong khu vực.
Các nhà quan sát dự đoán, trong vòng 3-5 năm, Triều Tiên dự kiến sẽ hoàn thiện khả năng răn đe bằng tên lửa hạt nhân.
Để ứng phó trước vụ phóng tên lửa mới nhất, quân đội Hàn Quốc ngay lập tức tiến hành một cuộc diễn tập tên lửa đạn đạo của riêng mình. Tổng thống Moon Jae-in cũng tiến hành một cuộc họp khẩn với Hội đồng an ninh quốc gia, đồng thời nêu rõ đối thoại không còn là giải pháp “trong tình huống hiện tại”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tự tin cho rằng các lựa chọn của ông trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên đều có hiệu lực và chiếm thế thượng phong.
Phản ứng trước động thái mới từ quốc gia Đông Bắc Á, nhà lãnh đạo Mỹ chỉ trích Bình Nhưỡng “đã một lần nữa hoàn toàn không tôn trọng các nước láng giềng và toàn bộ cộng đồng thế giới”.
Tác giả: Quốc Vinh
Nguồn tin: Báo Người đưa tin