Cuộc sống

Sự ngọt ngào đáng sợ - Phần 1: Bi kịch cuộc hôn nhân trả ơn

Hễ nghĩ đến chuyện Dương từng cứu mạng mình là cô lại cắn răng thực hiện mọi yêu cầu của nhà chồng. Cô cần trả ơn họ, không phải sao?

3 năm trước…

“Rầm”, một tiếng động chát chúa vang lên, Phượng theo bản năng nhắm tịt mắt lại, ôm mặt run rẩy sợ hãi. Ngờ đâu khi mọi thứ qua đi, cô không hề có cảm giác đau đớn ở đâu, mở mắt ra nhìn lại, Dương đã chắn trọn trước người cô, che chở cho cô khỏi va chạm với chiếc ô tô ngược chiều. Cô hoàn hảo không có vấn đề nào, Dương thì ngất xỉu không biết gì nữa. Phượng kinh khoảng tột độ, nhẹ nhàng đỡ Dương rồi run lẩy bẩy gọi cấp cứu.

Dương vì cứu cô mà bị thương nặng, phải nằm viện mấy tháng trời. Nếu đổi lại là cô, sức phụ nữ yếu ớt hơn, sợ rằng khó qua khỏi. May mắn làm sao, lúc ra viện Dương đã bình phục hoàn toàn, không để lại di chứng gì.

Dương đang theo đuổi Phượng, cô thấy anh hiền hậu, thật thà nên đã cho cả 2 cơ hội tìm hiểu nhau. Hôm ấy, Dương mượn ô tô của người quen chở Phượng ra ngoại thành tổ chức picnic. Từ đó mới xảy ra chuyện không mong muốn kia.

Vừa xuất viện, Dương liền cầu hôn Phượng. Cô thật lòng chưa muốn nhận lời, nhưng anh vừa cứu cô, chỉ nghĩ đến đó thôi là Phượng không sao thốt nổi câu từ chối. Thêm bố mẹ cô nhất mực ủng hộ, bảo cô phải trả ơn Dương. Cô tự an ủi mình, người đàn ông sẵn sàng bảo vệ cô trong tình huống nguy cấp, chính là người đàn ông cô có thể tin tưởng được.

Sự ngọt ngào đáng sợ - Phần 1: Bi kịch cuộc hôn nhân trả ơn - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

3 năm sau…

Phượng đang trên công ty, giữ giờ làm việc thì điện thoại rung lên bần bật. “Con tranh thủ chạy qua ngân hàng chuyển cho chị cả 5 triệu, chị ấy cần có việc”, giọng nói lạnh nhạt mang tính ra lệnh của mẹ chồng vang lên. Phượng nhăn mày, cố gắng bình tĩnh trả lời bà: “Mẹ xem để vài hôm nữa được không, tháng này con chưa lĩnh lương…”. “Chưa có lương thì cô không biết cách xoay xở à, có thế cũng thắc mắc, không hiểu sao ngày xưa con trai tôi lại cứu cô nữa”, mẹ chồng gắt lên một câu rồi cúp máy, không cho cô có ý định thương lượng.

Phượng chán nản buông điện thoại. Chuyện như thế này đã là lần thứ bao nhiêu rồi cô chẳng nhớ rõ. Vật chất, công sức, thời gian của cô, nhà chồng thản nhiên đòi hỏi đã gần như là việc tất lẽ dĩ ngẫu. Trong gần 3 năm kết hôn với Dương, cũng cỡ tới hàng nghìn lần mẹ chồng mang chuyện Dương cứu cô khi ấy ra nhắc lại, để uy hiếp cô hòng đạt được mục đích của mình. Mà cô, dù mệt mỏi cùng cực, nhưng sự thật ấy cô lại chẳng thể thay đổi được: nhờ Dương cô lúc này mới được sống khỏe mạnh. Hễ nghĩ đến đó thôi cô lại cắn răng thực hiện mọi yêu cầu của nhà chồng. Cô cần trả ơn họ, không phải sao?

Hỏi nhỏ cô đồng nghiệp thân thiết mượn tiền, cô nàng chép miệng: “Mẹ chồng vừa gọi điện hả”, đến cả đồng nghiệp thân của cô cũng chẳng còn lạ gì. Cô cười khổ thay câu đáp, cô nàng rút tiền cho cô mượn, kèm một tiếng thở dài thườn thượt. Phượng chạy vội xuống ngân hàng dưới tầng 1 tòa nhà chuyển tiền cho chị chồng. Ban đầu họ đều nói vay, nhưng không bao giờ có trả. Đến giờ, tới câu “vay” họ cũng lười phải khách sáo với cô nữa rồi.

Hết giờ làm, Phượng vội vã qua chợ mua thực phẩm nấu bữa tối rồi phóng hết tốc lực về nhà chồng. Vứt túi xách, thay quần áo qua loa, Phượng một mình tất bật nấu nướng. Xong xuôi bày hết lên mâm, cô mời bố mẹ chồng và Dương đến ăn cơm. Bữa tối kết thúc, ai việc người nấy, chỉ còn mình Phượng dọn dẹp bát đũa, lau quét nhà cửa, giặt quần áo…, ổn thỏa tất tần tật mới được tắm rửa nghỉ ngơi.

Sau khi kết hôn, mẹ chồng không cho Dương động tay giúp đỡ Phượng việc nhà. Dương muốn giúp vợ, nhưng hễ anh mà làm là bà gây khó dễ đủ bề, không khí trong nhà căng như dây đàn. Phượng nhìn mà oải, quyết định tự mình làm cho xong. Cứ thế, Dương dần dà cũng bớt quan tâm, thương xót vợ, giờ này thì anh đã coi đó là chuyện hiển nhiên.

Ngày nào Phượng cũng dậy sớm chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà, nấu sẵn món ăn mặn của bữa trưa cho bố mẹ chồng và Dương ở nhà xong mới đi làm. Tối về lại quần quật như hôm nay, kết thúc công việc cũng 10, 11 giờ đêm. Cuối tuần mẹ chồng lại bày đủ thứ việc cho cô làm, Phượng chẳng có lúc nào nghỉ ngơi, đến thời gian đi café tụ tập một bữa với bạn bè cũng trở thành xa xỉ, dù cô và Dương còn chưa sinh con.

Nhìn Dương đang mải miết với trò game trên máy tính, trong lòng Phượng dâng dầy chua xót và đắng nghét. Vì tai nạn kia phải nằm viện lâu, lại không biết sau này thế nào nên Dương nghỉ làm. Cưới xong anh có đi xin việc vài chỗ không được, thế là anh ở nhà cho tới nay. Mẹ chồng bênh con trai, nói anh cần tĩnh dưỡng, chờ vài năm nữa đi làm không muộn. Bác sĩ khẳng định sức khỏe Dương đã hồi phục hoàn toàn, song mẹ chồng không tin.

Trước đấy, Phượng không ưng ý ở Dương một điểm, đó chính là anh chẳng có chí tiến thủ, thiếu nhanh nhạy, năng động. Ngờ đâu, kết hôn xong anh còn ỷ lại và chây lười tới mức này, ngày ngày ở nhà chơi game rồi ngủ, không thì ra ngoài bù khú với bạn. Cô nói bao nhiêu, nhẹ nhàng khuyên nhủ thế nào cũng như nước đổ lá khoai tất cả.

Gần 3 năm qua, mọi chi tiêu trong nhà đều trông vào mình cô, bố mẹ chồng có lương hưu nhưng ông bà không chi ra xu nào, cô lại chẳng muốn tính toán chi li với họ. Chưa nói tới chuyện vay tiền như chiều nay, cô phải vắt kiệt sức lực ra làm việc để kiếm thêm thu nhập. Kinh tế khó khăn, chán nản về chồng, Phượng mới kế hoạch không sinh con tới tận bây giờ.

Trong đầu Phượng bất chợt hiện lên hình ảnh người đàn ông kia, là sếp mới của bọn cô, hôm nay bắt đầu nhận công tác. Ngay từ cái nhìn đầu tiên, cô đã bị anh ta thu hút. Ở anh ta có một sức hấp dẫn mạnh mẽ khiến trái tim cô rung động - phong độ của một người đàn ông bản lĩnh, thành đạt – thứ cô chưa một lần được nhìn thấy trên người chồng mình!

(Còn tiếp)

Tác giả: Phạm Giang

Nguồn tin: Báo Trí thức trẻ

  Từ khóa: bi kịch , gia đình , hôn nhân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok