Trước khi sinh con ba tháng, Nga nói với mẹ chồng: “Vợ chồng con sinh cháu đầu lòng, bố mẹ đẻ con ở xa nên con trông cậy cả vào bố mẹ. Hết 6 tháng nghỉ chế độ, mẹ trông cháu giúp con nhé vì con phải đi làm. Mẹ đừng lo về kinh tế, chúng con hứa sẽ chu đáo”. Nhưng mẹ chồng Nga cứ ỡm ờ không từ chối cũng chẳng nhận lời. Chồng Nga bảo “Em cứ lo xa, cháu bà bà phải bế”.
Sự khác biệt trong tình thương của mẹ với con dâu và con gái - Ảnh minh họa |
Hết 6 tháng, Nga trở lại cơ quan. Công việc kế toán đặc thù của cô thường phải mang cả việc về nhà. Nhiều khi chỉ nhầm lẫn trên sổ sách vài trăm đồng con cô cũng phải tìm vã mồ hôi. Nhưng dù bận thế nào, cũng đúng 5h chiều khi cô về đến nhà là bà nội trả cháu. Coi như cả ngày bà mệt thì tối bố mẹ nó phải lo.
Nếu bà nghĩ như thế thật Nga cũng chẳng dám trách nửa lời. Người già, trông trẻ con, quấy khóc cũng vất vả chứ chẳng nhàn hạ gì. Nhưng chỉ cần Nga đưa bé Tép cho bà để đi thay quần áo hoặc quấy bột là bà giục nhộn nhạo lên. Cô cũng chẳng dám hé răng cằn nhằn nửa lời. Vì biết đâu vào địa vị của mẹ chồng, Nga cũng như vậy?
Tối qua, ăn cơm xong, Nga ngỡ ngàng khi bà tuyên bố: “Tuần sau bố trí người trông con. Tao lên chỗ con út. Nó có bầu rồi”. Có bầu thì sao chứ? Nga cũng có bầu rồi sinh con và tất cả mọi việc vẫn diễn ra bình thường đó thôi. Có nhất thiết vì “cô nó” có bầu mà bà phải lên Hà Nội “không biết bao giờ mới về” không? Nga nghĩ và cảm thấy khá tủi thân chứ cũng không dám tỏ ý không hài lòng. Gái nhà này, dâu nhà khác. Mẹ thương em thì cũng phải lẽ.
Gần 1 năm lên với con gái, khi trở về, mẹ chồng cô còn mang theo hai thành viên nữa. Bà sụt sùi: “Thằng chồng nó đi như ngựa vía, chẳng chịu chăm sóc vợ con. Tao không mang về thì nó chết đói”. Là bà cứ quan trọng hóa vậy chứ, ai có con chẳng xót. Nga nghĩ vậy. Chẳng qua có bà ngoại thì em rể cô mới ỷ lại cho bà. Bây giờ, cô lại thêm nhiều nhiệm vụ. Tất bật từ sáng đến tối. Chợ búa, cơm nước cho đại gia đình. Tắm giặt cho cháu “vì bà mệt rồi”. Thằng con Nga thì bé. Tối mẹ cứ bế em một tí là nó nhèo nhẽo quấy khóc. Có bực con, Nga cũng chẳng dám quát mắng, đe nẹt gì vì mẹ chồng cô luôn ráo “dâu dữ mất họ, chó dữ mất láng giềng” để cảnh báo cô.
Nhiều lần, Nga thử đặt mình vào bà để cảm thông cho sự thiên vị mà cô ấm ức bao ngày qua nhưng cô vẫn không tìm được sự lí giải nào để tự giải tỏa cho mình. Kể cả chuyện cái phòng điều hòa mà những ngày nóng như đổ lửa vừa qua, bà cũng “ưu tiên cho mẹ con em nó, chúng nó sướng quen rồi”. Có cả sướng quen, khổ quen sao? Không biết nếu Nga là con gái bà, thì bà có bắt nhường phòng cho cô con dâu thành phố không nhỉ?
Cô sẽ cố vui vẻ trong những ngày em chồng ở nhà, nhưng một điều Nga đang nghĩ tới, các cụ xưa luôn dạy “Trồng chuối phải rẽ con sao”. Cô vừa làm vừa nghĩ tới một không gian riêng, không xa lắm nơi mẹ chồng ở, nhưng nó sẽ thực sự là của vợ chồng cô và bọn trẻ. “Không có gì quý hơn độc lập tự do” mà.
Tác giả: Lê Hồng
Nguồn tin: Báo Gia đình Việt Nam