Giáo dục

Sở GD&ĐTT tỉnh Thanh Hóa lên tiếng sau 'thương vụ' dạy liên kết trong trường học

Sở GD&ĐT Thanh Hóa đề nghị Công an tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo công an cấp huyện giám sát các hoạt động của các cơ sở giáo dục tư thục trên địa bàn.

Giờ hoạt động trải nghiệm ở sân Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, TP Thanh Hóa được học sinh hào hứng đón nhận.

Sau loạt bài “Hoạt động dạy liên kết trong trường học tại Thanh Hóa” (đăng trên Báo GD&TĐ), Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết, đang chỉ đạo các phòng chuyên môn kiểm tra, chấn chỉnh.

Nghiêm cấm lợi dụng, trá hình để dạy ngoài giờ chính khóa

Trả lời Báo GD&TĐ, ông Trần Văn Thức - Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết, sau khi Báo GD&TĐ đăng tải loạt bài “Hoạt động dạy liên kết trong trường học tại Thanh Hóa”, sở đã giao Thanh tra, các phòng chuyên môn, nhất là Phòng Quản lý đào tạo và Giáo dục thường xuyên rà soát lại các văn bản, quy định.

Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cũng yêu cầu các phòng chức năng liên quan của đơn vị rà soát, kiểm tra và căn cứ vào thực tiễn, để chấn chỉnh hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ, tin học, trung tâm kỹ năng... trong việc thoả thuận, liên kết, hợp đồng với các cơ sở giáo dục (CSGD) trên địa bàn tỉnh.

“Nghiêm cấm việc lợi dụng hay trá hình để dạy thêm Toán, Tiếng Việt ngoài giờ chính khóa. Lãnh đạo sở yêu cầu các nhà trường khi triển khai nội dung này phải rất thận trọng, bảo đảm quy định của pháp luật. Nếu kiểm tra, xác minh mà có dấu hiệu tiêu cực, sẽ chấn chỉnh, thu hồi việc cấp phép và xử lý nghiêm minh”, Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa khẳng định.

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Thanh Hóa, tính đến tháng 7/2023, số lượng trung tâm ngoại ngữ (TTNN), tin học đang hoạt động giáo dục (HĐGD) theo quy định là 206 đơn vị. Cùng đó, có 53 đơn vị hoạt động giáo dục kỹ năng sống (GDKNS) đang HĐGD theo quy định. Trong 6 tháng đầu năm 2023, có 17 đơn vị tự giải thể do hết hạn cấp phép hoạt động hoặc không HĐGD. Trong đó, có 13 trung tâm ngoại ngữ; 4 đơn vị hoạt động GDKNS.

Báo cáo của Sở GD&ĐT Thanh Hóa cũng cho thấy, hiện nay hoạt động liên kết giữa các đơn vị với các CSGD, các tổ chức xã hội còn rất hạn chế, chưa phát huy được chức năng, nhiệm vụ của các bên trong việc cung ứng dịch vụ theo nhu cầu xã hội.

Nguyên nhân là do các bên chưa đầu tư để nghiên cứu, áp dụng văn bản quy định của pháp luật có liên quan. Một số CSGD khi phối hợp với các đơn vị thực hiện HĐGD ngoài giờ chính khóa cho học sinh chưa bảo đảm quy định về liên kết giữa các bên.

Nhiều đơn vị chưa tạo được mối quan hệ phối hợp tốt với chính quyền và cơ quan chức năng ở địa phương, nên chưa nhận được nhiều sự ủng hộ và tạo điều kiện để đơn vị hoạt động.

Ngoài các đơn vị đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động, còn nhiều đơn vị hoạt động trái quy định của pháp luật, như: Tự thành lập, tự cấp phép, hoạt động ngoài địa điểm được cấp phép, tự giải thể không báo cáo cơ quan có thẩm quyền...

Công an thi hành lệnh bắt Lê Thị Hồng Vân (thứ 2 bên trái) là người lập, đứng tên pháp nhân của Công ty TNHH giáo dục quốc tế Apple. Ảnh: CACC

Đã có công ty phát triển giáo dục “dính” án

Cũng liên quan đến vấn đề hoạt động của TTNN, ngày 12/9 vừa qua, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với Lê Thị Hồng Vân (39 tuổi), trú tại phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa để điều tra về các tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” và tội “Tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép”.

Lê Thị Hồng Vân là người lập và đứng tên pháp nhân của 2 công ty: Công ty TNHH đầu tư và phát triển giáo dục PPV; Công ty TNHH giáo dục quốc tế Apple.

Cơ quan công an cũng đã khởi tố, áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú” đối với các bị can Đỗ Thị Vân (29 tuổi), ở phường Ngọc Trạo, TP Thanh Hóa và Phạm Thị Hiền (34 tuổi), ở phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa.

Theo tài liệu của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa: Trong khoảng thời gian từ tháng 5/2021 đến tháng 3/2023, Lê Thị Hồng Vân đã chỉ đạo 2 nhân viên Đỗ Thị Vân, Phạm Thị Hiền sử dụng các phần mềm trên máy tính như: Phần mềm photoshop, phần mềm ghép, tách file PDF online… để làm giả 65 tài liệu của 30 người nước ngoài.

Sau đó, sử dụng pháp nhân của 4 công ty, gồm: Công ty TNHH đầu tư và phát triển giáo dục PPV; Công ty TNHH giáo dục quốc tế Apple (đây là 2 công ty do Lê Thị Hồng Vân lập và đứng tên pháp nhân); Công ty cổ phần truyền thông & giáo dục Global, Công ty TNHH tư vấn & đào tạo Hoàng Hà (là 2 công ty do Vân mượn danh nghĩa tư cách pháp nhân) để làm thủ tục mời, bảo lãnh, đề nghị cấp giấy phép lao động, cấp thẻ tạm trú cho 30 người nước ngoài nhập cảnh rồi ở lại Việt Nam trái phép...

Trước vấn đề trên, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đang phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài trên địa bàn tỉnh theo quy định. Phối hợp với các sở, ngành tăng cường quản lý liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài trên địa bàn.

Đồng thời, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đang đề nghị Bộ GD&ĐT sớm sửa đổi, bổ sung những quy định về quản lý HĐGD đối với các trung tâm ngoại ngữ, tin học; các đơn vị hoạt động GDKNS, như: Thời hạn cấp phép hoạt động, phối hợp trong công tác quản lý giáo viên nước ngoài...

Sở GD&ĐT Thanh Hóa cũng đề nghị Công an tỉnh Thanh Hóa tiếp tục chỉ đạo công an cấp huyện thường xuyên quan tâm, nắm bắt thông tin, giám sát các hoạt động của các cơ sở giáo dục tư thục đóng trên địa bàn.

Khi phát hiện có những dấu hiệu sai phạm, thì báo cáo UBND cấp huyện và phối hợp với Sở GD&ĐT có biện pháp chấn chỉnh, xử lý theo đúng quy định của pháp luật...

Tác giả: Thế Lượng

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok