Trụ sở Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa. |
Có bộ phận dư luận cho rằng, cơ quan hữu trách phải vào cuộc thanh, kiểm tra?
Ai hưởng lợi từ các gói thầu sát giá?
Số tiền đầu tư hàng trăm tỉ đồng đã được lãnh đạo Sở GD&ĐT Thanh Hóa sử dụng hiệu quả, trách nhiệm, tiết kiệm như thế nào cho ngân sách? Đây là vấn đề đang được dư luận tại tỉnh Thanh Hóa hết sức quan tâm, đề nghị được làm rõ.
Sở GD&ĐT Thanh Hóa là chủ đầu tư dự án mua sắm bộ đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học trong nhà cho học sinh 5 tuổi cho các trường mầm non. Tại gói thầu số 02 (gói mua sắm, thuộc dự án cùng tên) được Sở GD&ĐT Thanh Hóa mời thầu là 5.468.274.000 đồng, sau đấu thầu “công khai, minh bạch”, lãnh đạo Sở GD&ĐT Thanh Hóa ký QĐ số 1101/QĐ-SGDĐT cho một doanh nghiệp tại Hà Nội trúng thầu với giá 5.443.525.000 đồng.
Như vậy, ở gói thầu hơn 5,4 tỉ đồng này, sau khi đấu thầu lãnh đạo Sở GD&ĐT Thanh Hóa tiết kiệm cho vốn đầu tư chỉ khoảng 25 triệu đồng. “Đây là hệ số giảm giá èo uột, giảm giá cho có hơn là ý nghĩa thực trong việc tiết kiệm cho vốn đầu tư khi tổ chức đấu thầu” - một nhà thầu phân tích.
Kết quả thu thập tài liệu, xác minh của GD&TĐ cho thấy, ngày 24/8/2017 lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa ký QĐ số 857/QĐ-SGD ĐT phê duyệt liên danh Công ty TNHH thiết bị giáo dục Nam Hoa và một doanh nghiệp khác trúng thầu gói thầu số 12 về việc cung cấp, lắp đặt thiết bị công trình trường THPT dân tộc nội trú tỉnh tại đô thị Ngọc Lặc với giá trúng thầu là 20.500.000.000 đồng.
Một Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu do Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa kí. |
Gói thầu lớn này thuộc dự án Đầu tư xây dựng công trình trường THPT dân tộc nội trú tỉnh tại đô thị Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa. Dự án do Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa làm chủ đầu tư, mời thầu. Gói thầu số 12 như đã nói được Sở GD&ĐT Thanh Hóa mời thầu ở mức giá 20.511.700.000 đồng. Điều kỳ lạ là, sau đấu thầu “công khai, minh bạch” lãnh đạo Sở GD&ĐT Thanh Hóa tiết kiệm cho vốn đầu tư vẻn vẹn 11,7 triệu đồng/gói thầu hơn 20,5 tỉ đồng.
Ghi nhận cho thấy việc giảm giá èo uột, tiết kiệm thấp cho vốn đầu tư như trên trong các dự án giáo dục do Sở GD&ĐT Thanh Hóa làm chủ đầu tư không khỏi khiến dư luận nghi ngại về tính công khai, minh bạch trong việc quản lý sử dụng hiệu quả, không thất thoát lãng phí vốn đầu tư tại Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa.
Cần thanh, kiểm tra làm rõ
Theo quy định của pháp luật hiện hành, các dự án đầu tư được triển khai thông qua hình thức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu. Việc chủ đầu tư thực hiện đúng, đủ, công khai, minh bạch, chí công, vô tư sẽ giúp lựa chọn được nhà thầu đủ năng lực thực hiện dự án, ngoài ra vốn đầu tư ngân sách được giảm giá tốt sau hoạt động đấu thầu. Đại diện chủ đầu tư nguồn vốn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước cơ quan quản lý cấp trên về việc quản lý hiệu quả, tiết kiệm nguồn vốn. Tại Sở GD&ĐT Thanh Hóa thì Giám đốc sở phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước UBND tỉnh Thanh Hóa về hoạt động của sở, về việc quản lý sử dụng nguồn vốn tại các dự án do Sở làm chủ đầu tư.
Tài liệu bạn đọc phản ánh (đã được phóng viên xác minh) cho thấy gói thầu số 3 về mua sắm trang thiết bị, đồ dùng nhà ăn, nhà bếp và thiết bị, đồ dùng khu nhà ở nội trú cho 6 trường THCS dân tộc bán trú… (thuộc dự án mua sắm trang thiết bị, đồ dùng cho các trường phổ thông dân tộc bán trú thuộc chương trình mục tiêu giáo dục miền núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn…) được Sở GD&ĐT Thanh Hóa mời thầu 2.240.150.000 đồng.
Ngày 31/7/2017 lãnh đạo Sở GD&ĐT Thanh Hóa ký QĐ 624/QĐ-SGDĐT QĐ Cty cổ phần thiết bị giáo dục Hồng Đức trúng thầu với giá 2.238.000.000 đồng. Như vậy, sau đấu thầu lãnh đạo Sở GD&ĐT Thanh Hóa chỉ tiết kiệm cho vốn đầu tư vẻn vẹn 2,150 triệu đồng/gói thầu hơn 2,2 tỉ đồng.
Ở gói thầu số 2 về mua sắm thiết bị đồ dùng học tập và đồ chơi dạy học trong nhà cho 45 trường mầm non (thuộc dự án mua sắm thiết bị đồ dùng học tập và đồ chơi dạy học trong nhà cho học sinh các trường mầm non và THCS thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2017) được Sở GD&ĐT Thanh Hóa mời thầu là 4.828.700.000 đồng.
Xác minh cho thấy, vẫn là cái tên quen thuộc - Cty TNHH thiết bị giáo dục Nam Hoa trúng thầu (QĐ 1160/QĐ-GDDT) với giá 4.826.880.000 đồng. Một lần nữa chỉ có khoảng 2 triệu đồng được lãnh đạo Sở GD&ĐT Thanh Hóa tiết kiệm cho vốn đầu tư sau khi tổ chức đấu thầu “công khai, minh bạch” gói thầu trị giá gần 5 tỉ đồng.
Tại gói thầu số 3 ( gói thầu mua sắm, thuộc dự án như trên) được Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa mời thầu là 7.110.000.000 đồng. Sau đấu thầu, ngày 02/11/2017 lãnh đạo Sở GD&ĐT Thanh Hóa ký QĐ 1161/QĐ-GDDT quyết định liên danh Sách - Thiết bị trường học - Á Châu trúng thầu với giá trúng 7.102.665.000 đồng.
Như vậy, ở gói thầu hơn 7 tỉ đồng này, sau đấu thầu lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa chỉ tiết kiệm cho vốn đầu tư chỉ hơn 7 triệu đồng. Đây là con số tiết kiệm "cho có" nếu không muốn nói là không có ý nghĩa tiết kiệm cho đầu tư ngân sách.
“Hoạt động đấu thầu, lựa chọn nhà thầu cần phải công khai minh bạch, chí công vô tư để lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực thực hiện dự án, giảm giá tối đa cho đầu tư ngân sách… Hoạt động này sẽ bị bóp méo, không có ý nghĩa nếu giữa chủ đầu tư - người quản lý nguồn vốn và nhà thầu bắt tay với nhau. Việc một nhà thầu liên tiếp trúng thầu tại các dự án cùng một chủ đầu tư, trúng sát giá… là sợi chỉ đỏ, là dấu hiệu để các cơ quan quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra. Khi các cơ quan này vào cuộc kiểm tra một cách có hệ thống, sai phạm, móc ngoặc (nếu có), được chứng minh thì cần phải xử lý nghiêm minh, đúng quy định pháp luật với tổ chức, cá nhân có liên quan” - một luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội nêu quan điểm. |
Tác giả: H.Châu - M.Thư
Nguồn tin: Báo Giáo dục & Thời đại