Kinh tế

Siết chặt quảng cáo trên mạng

Vấn đề người nổi tiếng, các Facebooker, YouTuber, TikToker quảng cáo sản phẩm sai sự thật gây thiệt hại cho người tiêu dùng, đã làm nóng nghị trường.

Chính phủ cần sớm sửa đổi nghị định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo; tăng xử lý, buộc bồi thường đối với người nổi tiếng quảng cáo không đúng sự thật gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Sáng 10-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Dự án luật dự kiến được QH biểu quyết thông qua vào ngày 11-6.

Bịt lỗ hổng pháp lý về trách nhiệm

Vấn đề người nổi tiếng, các Facebooker, YouTuber, TikToker quảng cáo sản phẩm sai sự thật gây thiệt hại cho người tiêu dùng, đã làm nóng nghị trường.

Theo đại biểu (ĐB) Trần Thị Thu Hằng (đoàn Đắk Nông), thời gian gần đây, lực lượng chức năng liên tục phát hiện các vụ việc quảng cáo hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc thổi phồng công dụng của sản phẩm. Điểm tên các vụ quảng cáo sữa giả của MC, biên tập viên truyền hình; vụ việc quảng cáo kẹo rau củ Kera của Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục và mới đây nhất là "lòng xe điếu", ĐB Hằng kiến nghị: "Cần có chế tài nghiêm khắc hơn để bịt lỗ hổng pháp lý về trách nhiệm của các bên liên quan, xử lý hành vi vi phạm pháp luật".

ĐB Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) góp ý trong Luật Quảng cáo lần này, cùng với quy định trách nhiệm về tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo, phát hành quảng cáo, cần tăng cường xử phạt vi phạm hành chính đối với các KOL (người có sức ảnh hưởng), người nổi tiếng, các Facebooker, YouTuber, TikToker… truyền tải sản phẩm quảng cáo sai sự thật. Chính phủ cũng cần sớm sửa đổi nghị định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo, nâng cao mức phạt để bảo đảm tính răn đe.

Còn ĐB Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) kiến nghị cơ quan soạn thảo xem xét bổ sung quy định kiểm soát hoạt động quảng cáo đối với tất cả các nền tảng trực tuyến, các trang tin tức, các trang thông tin điện tử… Theo ĐB Thu, các vụ sữa giả, thực phẩm chức năng giả vừa qua cho thấy các công ty sản xuất những mặt hàng này đều có đầy đủ giấy tờ kiểm định, kiểm nghiệm, công bố sản phẩm nhưng thực tế các sản phẩm này được cơ quan công an xác định là hàng giả. Như vậy, việc yêu cầu các ca sĩ, nghệ sĩ, người nổi tiếng, các KOL có trách nhiệm kiểm tra tài liệu liên quan đến sản phẩm sẽ khó khả thi khi thực hiện. Do đó, cần sửa đổi, bổ sung các nội dung này để bảo đảm khả thi hơn về trách nhiệm, cơ chế bồi thường đối với người nổi tiếng khi quảng cáo sai sự thật.

Đại biểu Trần Khánh Thu đề nghị có cơ chế buộc người nổi tiếng bồi thường khi quảng cáo không đúng sự thật. Ảnh: PHẠM THẮNG

Còn ĐB Hà Phước Thắng (đoàn TP HCM) đề nghị điều chỉnh giải thích khái niệm "người quảng cáo" theo hướng bao quát cả trường hợp người quảng cáo thuê các bên khác thực hiện, quảng cáo online hoặc không sở hữu sản phẩm, dịch vụ để giúp xác định rõ trách nhiệm pháp lý khi xử lý vi phạm quảng cáo, tránh tình trạng không bên nào nhận trách nhiệm.

Đề nghị bỏ công bố hợp quy sản phẩm

Sáng cùng ngày, QH thảo luận về Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật. Nhiều ĐB khi thảo luận dự thảo luật này đề nghị bỏ quy định về công bố hợp quy.

ĐB Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) cho rằng không có quốc gia nào quy định người sản xuất - kinh doanh công bố hợp quy sản phẩm trước khi sản xuất, đưa hàng hóa ra thị trường như Việt Nam. Đây là khó khăn cho doanh nghiệp (DN), làm tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh và gánh nặng cho người tiêu dùng. Theo ĐB Thanh, việc tồn tại quy định công bố hợp quy còn trái với chủ trương của Đảng, Nhà nước là chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

ĐB Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh) nhận định quy định về công bố hợp quy là thủ tục mang tính hình thức, chồng chéo và không cần thiết. Việc buộc DN phải lặp lại toàn bộ quy trình kiểm tra lấy mẫu và đánh giá để công bố hợp quy chỉ nhằm xác nhận lại những gì đã được xác nhận là "vô lý và lãng phí".

Theo ĐB Vân, thời gian qua, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và khoảng 20 hiệp hội, hội DN đã tổ chức nhiều hội thảo để phân tích, đánh giá và đều kiến nghị bãi bỏ quy định về công bố hợp quy trong dự thảo luật. Đặc biệt, trong các phiên thảo luận tổ, thảo luận tại hội trường tại kỳ họp thứ 8 cũng có nhiều ĐBQH từng đề xuất bỏ quy định này.

Giải trình sau đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng lý giải đây là một công cụ để quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa trước khi đưa ra lưu thông trong thị trường. Nhắc lại các vụ việc tai tiếng liên quan vụ sữa giả, thuốc, thực phẩm chức năng giả, Phó Thủ tướng cho rằng nếu không có các tiêu chuẩn, quy chuẩn thì rất khó quản lý chất lượng hàng hóa khi đưa ra thị trường, làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Tăng gấp đôi diện tích quảng cáo trên báo in

Về quảng cáo trên báo in, trong báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, Ủy ban Thường vụ QH cho rằng thị phần quảng cáo trên báo in đã giảm mạnh.

Do vậy, để hỗ trợ các cơ quan báo chí thực hiện tốt cơ chế tự chủ tài chính, đủ nguồn lực đầu tư, nâng cao chất lượng nội dung tin, bài, Ủy ban đồng tình với quy định tại dự thảo luật về việc điều chỉnh diện tích quảng cáo trên ấn phẩm báo, tạp chí (không được vượt quá 30% tổng diện tích một ấn phẩm báo hoặc 40% tổng diện tích một ấn phẩm tạp chí). Điều này có nghĩa diện tích quảng cáo trên báo, tạp chí in tăng gấp đôi so với quy định hiện hành của Luật Quảng cáo năm 2012.

Ngày 11-6, trình Đề án sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh

Chiều 10-5, phát biểu khai mạc phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ QH, Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn cho biết phiên họp tiến hành thành 2 đợt. Đợt 1 vào chiều 10-5, Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến về 2 nội dung dự kiến trình QH tại kỳ họp thứ 9, bao gồm: Nghị quyết của QH về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; Bộ Luật Hình sự (sửa đổi).

Đợt 2 của phiên họp sẽ diễn ra vào chiều 17-5, cho ý kiến về 3 nội dung dự kiến trình QH tại kỳ họp thứ 9 vào ngày 19-5, bao gồm: Chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TP HCM; chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku; bố trí nguồn thanh toán các khoản nợ thuộc trách nhiệm của Chính phủ tại Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC).

Theo Chủ tịch QH, tại kỳ họp thứ 9, nhiều nội dung khác cũng sẽ được trình QH. Trong đó, Đề án sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh dự kiến trình vào ngày 11-6; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật trong lĩnh vực quốc phòng dự kiến trình ngày 11-6...

Tác giả: V.Duẩn

Nguồn tin: Báo Người Lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP ok