Người dân chài trên sông Mã khát vọng được lên bờ. |
Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương có đồng bào sinh sống trên sông, tính đến ngày 31/8/2022, tỉnh Thanh Hóa hiện có 353 hộ đồng bào sinh sống trên sông. Trong đó, Thọ Xuân có 81 hộ; Thiệu Hóa có 54 hộ (trong đó có 27 hộ là hộ gốc); Cẩm Thủy có 01 hộ; Vĩnh Lộc có 04 hộ; Thạch Thành 05 hộ; Yên Định 84 hộ. TP Thanh Hóa có 124 hộ.
Trong số 353 hộ dân sinh sống trên sông, có 308 hộ hiện đang đề nghị cấp đất ở, còn 45 hộ không đề nghị cấp đất ở. Tính đến ngày 31/8, thành phố Thanh Hóa và các huyện có đồng bào sinh sống trên sông đã cấp đất ở cho 68 hộ. Đến nay các địa phương đã hoàn thành việc rà soát bố trí được quỹ đất, lập được phương án đầu tư để bố trí tái định cư cho 232 hộ với 242 lô đất cho đồng bào sinh sống trên sông trên địa bàn tỉnh.
Một góc làng chài trên sông Chu thuộc huyện Thọ Xuân. |
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng khẳng định: Việc bố trí đất ở và hỗ trợ kinh phí để xây dựng nhà ở cho đồng bào nghèo đang sinh sống trên sông lên bờ ổn định cuộc sống là chủ trương hoàn toàn đúng đắn và rất kịp thời, là sự tiếp nối thực hiện Chỉ thị 08 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XV. Đây là việc làm hết sức có ý nghĩa, mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện truyền thống “lá lành đùm lá rách” tinh thần tương thân tương ái, chung tay vì người nghèo, không để một ai bị bỏ lại phía sau.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện chủ trương bố trí đất ở và hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở cho đồng bào nghèo đang sinh sống trên sông vẫn chưa đạt mục tiêu và yêu cầu đề ra; tiến độ thực hiện tại một số địa phương vẫn còn chậm. Đến thời điểm này, quỹ đất, phương án đã có nhưng vẫn còn 240 hộ chưa được cấp đất ở; còn 273 hộ chưa nhận kinh phí hỗ trợ để làm nhà; có huyện đã được cấp kinh phí hỗ trợ nhưng việc triển khai xây dựng nhà ở cho các hộ còn chậm so với yêu cầu. Công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ kinh phí để các hộ đồng bào nghèo sinh sống trên sông xây dựng nhà ở chưa được quan tâm, chưa tạo thành phong trào rộng lớn, chưa thu hút được nhiều nguồn lực tham gia, nhất là các nguồn lực hỗ trợ từ doanh nghiệp, từ các nhà hảo tâm…
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng chỉ đạo các địa phương sớm hoàn tất việc đưa đồng bào trên sông lên bờ an cư. |
Để việc bố trí đất ở và hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở cho đồng bào nghèo đang sinh sống trên sông đạt hiệu quả cao, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng yêu cầu các cấp, ngành, địa phương phải nghiêm túc nhìn nhận, phát huy những việc làm tốt, những vấn đề hạn chế; tìm biện pháp khắc phục, tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu trong 2 năm (2022- 2023) phải hoàn thành việc cấp đất ở và hỗ trợ xây dựng nhà ở cho đồng bào nghèo đang sinh sống trên sông lên bờ định cư để ổn định cuộc sống. Theo đó, đối với 6 huyện chậm nhất ngày 30/6/2023 phải hoàn thành; TP Thanh Hóa chậm nhất đến 31/12/2023 phải hoàn thành.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ đánh giá kết quả việc cấp đất ở và hỗ trợ xây dựng nhà ở cho đồng bào nghèo đang sinh sống trên sông lên bờ định cư để ổn định cuộc sống là một trong những tiêu chí để đánh giá năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và kết quả xếp loại hàng năm của từng đồng chí cán bộ chủ chốt, nhất là người đứng đầu.
Tiếp tục tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là cho đồng bào sinh sống trên sông hiểu đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc hỗ trợ và xây dựng nhà cho đồng bào sinh sống trên sông lên bờ ổn định cuộc sống. Coi đây là việc làm thiết thực mang tính nhân văn sâu sắc để được lan tỏa, trở thành phong trào sâu rộng trong xã hội.
Hàng trăm hộ dân sinh sống trên sông đang ngày đêm mong ngóng sớm được lên bờ nhận đất, làm nhà để ổn định đời sống. Ông Nguyễn Văn Thanh (SN 1964, trú tại thị trấn Thọ Xuân, huyện Thọ Xuân) đã gắn bó với cuộc sống sông nước từ bé. Gia đình ông sinh được 2 cậu con trai và cũng đang lay lắt sống qua ngày từ nguồn lợi tự nhiên. Mấy gia đình tụ lại với nhau trên 3 chiếc thuyền.
“Cuộc sống bấp bênh lắm chú ạ. Hai vợ chồng phải dậy từ tờ mờ sáng đi thu lưới bát quái thả trên sông. Thả 50 chiếc mà có khi mấy ngày vẫn phải về tay không. Tôm, cá ngày một hiếm. Nguồn nước thì bị ô nhiễm và từ ngày có thủy điện thì cá lớn không còn. Hôm nào may mắn kiếm được mớ cá bán lấy mấy chục nghìn mua mớ rau, lạng thịt sống qua bữa. Gắn với sông nước nên mấy đứa con tôi không được học hành gì nhiều, giờ chúng lại quẩn quanh trên vệt sông này biết khi nào thoát ra được cảnh cơ hàn. Đời mình coi như đã an bài, mong sao các con, các cháu có thể lật sang trang mới, ổn định hơn”.
Thuyền của ông Thanh được kết nối với thuyền gia đình con trai bằng chiếc ván nhỏ. Chị Nguyễn Thị Hiền cũng lớn lên trên mạn thuyền. Lấy chồng sống lay lắt trên sông, cô gái hơn 20 tuổi mà mặt đã dày đặc nếp nhăn. Vừa phải trông cậu con lớn chạy nhảy, nghịch ngợm, vừa phải bế con nhỏ. Chỉ cần sơ sẩy một chút là ngã xuống dòng nước xiết.
“Nhà 4 miệng ăn chỉ trông chờ vào chồng đi đánh lưới trên sông và nuôi mấy con cá trắm lồng. Mấy năm nay, cá lồng nuôi chậm lớn hoặc chết giữa chừng không rõ lý do khiến chúng tôi nản lắm. Cũng may nhà nước tạo điều kiện cho đứa con trai lớn được đi học, biết cái chữ. Mai mốt còn có thể đi học lấy cái nghề, thoát cảnh lênh đênh như bố mẹ nó cho đỡ khổ. Mấy hôm nay, thấy chính quyền địa phương thông báo sẽ thống kê đưa các hộ dân chài lên bờ, được hỗ trợ đất, làm nhà khiến ai cũng mừng", chị Hiền nói.
Lên bờ an cư, trẻ em sẽ có cuộc sống ổn định, an toàn hơn. |
Cũng mưu sinh trên sông Chu, xóm Thủy Cơ, xã Xuân Tín (Thọ Xuân) tụ nhau lại tới vài chục hộ. Đa phần đều là hộ nghèo, đông con cái, học hành nửa chừng thì bỏ. Xã Xuân Tín đã tiến hành rà soát, thống kê và bố trí quỹ đất, giải phóng mặt bằng; đấu mối, phối hợp với các đơn vị liên quan, hoàn tất các thủ tục theo quy định của pháp luật để sớm cấp đất cho 23 hộ đang sinh sống trên sông được lên bờ.
Sau khi bố trí được đất tái định cư cho các hộ, việc hỗ trợ làm nhà từ nguồn của tỉnh, chính quyền địa phương, xã hội hóa và nguồn tự có của các hộ dân. Về lâu dài, cần thống kê, phân loại cụ thể số lượng người trong từng độ tuổi. Từ đó tạo sinh kế phù hợp với giới tính, tư duy, khả năng của từng gia đình, cá nhân. Làm sao để người dân lên bờ sớm hòa nhập cuộc sống, có công ăn việc làm, trẻ em được đến trường, trang bị kiến thức để lập thân, lập nghiệp.
Tác giả: Thanh Phương
Nguồn tin: Báo Công lý