Ngày Phương lấy Sinh, rất nhiều người muốn cầm tay Sinh mà rằng: “Cậu khổ rồi”, bởi Phương vẫn nổi tiếng xa gần là người hay nói, biết nói, và không ai có thể nói lại.
Trước khi lấy nhau, anh nhìn thấy ở cô sự thông minh, có tài ăn nói, thẳng thắn, dũng cảm, nhưng sau hôn nhân, anh mới dần nếm được những dư vị khác của nó.
Phương thích gì là nói và không phải ai cũng quen với cách ăn nói này - Ảnh minh họa |
Phương thích gì là nói và không phải ai cũng quen với cách ăn nói này. Lần đầu tiên khi hai vợ chồng về nhà nội ăn tết, bố mẹ chồng vui vẻ bầy cả một bàn thức ăn, không ngờ Phương tuôn ra một tràng về lý luận dưỡng sinh, nào là những thực phẩm chiên rán có lượng cholesterol cao, thịt dê dễ bị cháy, cà rốt và củ cải trắng xào với nhau dễ bị trúng độc, mùa đông ăn hải sản dễ bị lạnh… Cô làm cho mọi người không biết có nên cầm đũa gắp thức ăn hay không, không khí bàn ăn trở nên vô cùng gượng gạo.
Phương có thói quen tự mình quyết định mọi chuyện, rất ít khi nghe người khác, và đương nhiên cũng rất ít người có thể nói nổi cô. Ở nhà bố mẹ đẻ đã đành, đằng này ở nhà nội cô cũng chẳng nể nang ai, khuấy đảo mọi chuyện, bởi thế mà cô cũng không được mọi người hoan nghênh cho lắm. Đặc biệt là từ chuyện mua nhà cách đây nửa năm. Nó đã trở thành một chủ đề lớn trong gia đình cô và dường như chưa bao giờ ngừng.
Lúc đầu Phương tưởng bố mẹ chồng đã hỗ trợ cho con trai lớn mua nhà thì nay cũng sẽ “hỗ trợ” cho con trai thứ hai một chút. Thứ 2, từ chuyện xem nhà đến thiết kế ngôi nhà, hễ ai có bất cứ ý kiến gì là lại bị Phương lý luận cho không còn nói được gì thì thôi. Lâu dần, Sinh cảm thấy rất khó chịu, anh vừa phải chịu sự trách móc của vợ, vừa phải quay sang động viên người nhà.
Và rồi cuối cùng “chiến tranh” cũng bùng nổ. Hôm đó, Phương vừa dọn dẹp vừa luôn mồm than trách, còn Sinh ngồi ôm quyển tạp chí trên ghế sô fa, mắt nhìn mà đầu óc để đâu đâu. Đến khi cơn nổi giận lôi đình của Phương bắt đầu, Sinh liền nhảy bổ từ ghế sô fa xuống rồi lao ra khỏi cửa, đứng ở hành lang anh hét rất to: “Tôi không chịu nổi nữa rồi”.
Sự việc này đã kích thích rất mạnh đến Phương, cả đêm hai người không nói năng gì. Điều khiến Phương không ngờ là, buổi sáng hôm sau cô nhận được điện thoại của đồng nghiệp của Sinh: “Phương à, tai anh Sinh có vấn đề rồi, anh ấy không nghe thấy gì cả, hôm nay suýt nữa thì xảy ra chuyện ở phòng thí nghiệm, giờ anh ấy đang nằm trong phòng cấp cứu, cô mau đến viện đi”.
Sau sự việc đó Phương bắt đầu hối hận và nhận ra điểm thất bại lớn nhất của mình, đó là cô đã phá hủy quan hệ với nhà chồng bằng chính “tài hùng biện” của mình. Hôn nhân xưa nay vốn không phải là chuyện của riêng hai người mà là sự dung hợp của hai dòng họ, mất đi sự ủng hộ của một bên, cuộc hôn nhân này của cô thực sự đã đối mặt với nguy cơ tan vỡ. Không những thế, Phương còn nhận ra một điều rằng, trong cách cư xử với mọi người trong nhà, cho dù bạn có thông minh, có lý đến mấy thì hãy nên “cầu bại chứ không nên tranh thắng”. Giống như lấy Nhu thắng Cương, khi một bên tỏ ra nhún nhường thì bên kia tự nhiên sẽ trở nên mềm mỏng, như vậy mâu thuẫn làm sao có cơ hội xảy ra?
Tác giả: Phương Thảo
Nguồn tin: Báo Gia đình Việt Nam