Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG) vừa thông qua nghị quyết chuyển nhượng dự án và các tài sản khác thuộc dự án Nhà máy Thủy điện IA Grai 2 (Gia Lai) và Nhà máy Thủy điện Ayun Trung (Gia Lai).
Mục đích của việc chuyển nhượng này là nhằm tái cơ cấu hoạt động đầu tư của công ty. Thời gian thực hiện đều trong quý 2 và quý 3 năm nay. Tổng giá trị chuyển nhượng là 615 tỷ đồng. Được biết, cả 2 nhà máy nêu trên đều do Công ty CP Đầu tư Xây dựng Thủy điện Quốc Cường - một công ty con của QCG làm chủ đầu tư.
Nhà máy Thủy điện Ia Grai 2 sẽ được chuyển nhượng lại với giá 235 tỷ đồng. Đây là dự án gồm 2 tổ máy với công suất lắp máy là 7,5MW, nằm tại xã Ia Tô, Ia Krái Ia Grăng, Ia Khai, huyện Ia Grai, được cấp chứng nhận đầu tư lần đầu vào năm 2007.
Trong khi đó, nhà máy thủy điện Ayun Trung có giá trị chuyển nhượng 380 tỷ đồng. Dự án này có công suất lắp máy 13 MW, được cấp chứng nhận đầu tư lần đầu vào năm 2009.
Điều kiện đi kèm là bên nhận chuyển nhượng có trách nhiệm sử dụng nguyên trạng lực lượng lao động của nhà máy tại thời điểm chuyển nhượng và đảm bảo quy định quyền lợi của người lao động.
Đặc biệt, cả 2 dự án thuỷ điện nói trên đều liên quan đến các khoản vay của Quốc Cường Gia Lai tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Gia Lai. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024, doanh nghiệp đang có 1 khoản vay 101 tỷ đồng để tài trợ dự án thủy điện Ia Grai 2 và 1 khoản vay 198 tỷ đồng để tài trợ dự án thủy điện Ayun Trung. 2 khoản vay này sẽ lần lượt đáo hạn vào tháng 4 và tháng 6 năm 2029.
Vị trí dự án Phước Kiển |
Liên quan đến các khoản nợ của Quốc Cường Gia Lai, theo báo cáo tài chính quý 1/2024, QGC có tổng nợ ở mức 5.161 tỷ đồng, trong đó, nợ phải trả ngắn hạn lên đến 4.304 tỷ đồng. Trong số nợ ngắn hạn này có số tiền 2.883 tỷ đồng QCG nhận từ Sunny Island cho ở dự án Khu dân cư Bắc Phước Kiển. Đây là số tiền liên quan trong vụ án Vạn Thịnh Phát, Hội đồng xét xử đề nghị Quốc Cường Gia Lai hoàn trả lại cho Trương Mỹ Lan để khắc phục hậu quả.
Về hoạt động kinh doanh, trong 3 tháng đầu năm, doanh nghiệp này chỉ ghi nhận doanh thu đạt 38,7 tỷ đồng, giảm gần 77% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn thu chính đến từ hoạt động bán điện với 22,6 tỷ đồng, doanh thu từ bất động sản giảm 95% xuống còn 6,6 tỷ đồng. Hoạt động bán hàng hoá cũng suy giảm 11%, chỉ mang về 9,5 tỷ đồng. Khấu trừ chi phí và thuế, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này chỉ còn 651 triệu đồng, giảm 28% so với cùng kỳ.
Theo báo cáo phân tích ngành điện do Công ty chứng khoán VnDirect thực hiện cho biết, thông tin từ Viện Nghiên cứu Quốc tế (IRI), giai đoạn El Nino đã chính thức diễn ra từ tháng 5/2023. Pha El Nino kéo theo thời tiết nóng và lượng mưa thấp. Phía EVN thông tin, mực nước thượng nguồn các sông và hồ chứa thủy điện trên toàn quốc đang ghi nhận giảm mạnh so với cùng kỳ, kéo theo việc huy động công suất thấp hơn. Chính vì vậy, thủy điện đã chính bước ra khỏi giai đoạn thời tiết thuận lợi, nhường chỗ cho các nguồn điện khác. "Chúng tôi kỳ vọng sản lượng thủy điện sẽ giảm từ mức nền cao năm 2022, ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh của các nhà máy thủy điện. Về triển vọng phát triển công suất trong dài hạn, công suất thủy điện dự kiến tăng trưởng kép 1% trong 2021 - 2050 do hiện tại về cơ bản Việt Nam đã khai thác gần hết tiềm năng của thủy điện, chỉ còn dư địa để phát triển các dự án thủy điện vừa và nhỏ", VnDirect nhận định.
|
Tác giả: Pha Lê
Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn