Theo đó, ông Tống Văn Thọ (SN 1976) hiện đang là Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, trong quá trình tuyển dụng cũng như bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo tại UBND thị xã Bỉm Sơn có rất nhiều bất thường.
Chỉ trong không đầy 2 năm, ông Tống Văn Thọ từ nhân viên hợp đồng lên chức Phó phòng rồi Trưởng phòng Tài chính. Nguồn: Báo Dân trí |
Trong hồ sơ thể hiện, ngày 23/12/2013, ông Tống Văn Thọ được ông Tống Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND thị xã Bỉm Sơn thay mặt Chủ tịch UBND thị xã ký hợp đồng lao động 1 năm (thời điểm ký hợp đồng lao động, ông Thọ là lao động hợp đồng). Tuy nhiên, trước đó vào ngày 7/10/2013, ông Thọ đã được ông Bùi Huy Hùng, Chủ tịch UBND thị xã Bỉm Sơn làm hồ sơ trình UBND tỉnh Thanh Hóa qua Sở Nội vụ đề xuất tuyển dụng công chức không qua thi tuyển.
Đến ngày 23/4/2014, xét đề nghị của Sở Nội vụ, ông Trịnh Văn Chiến, thời điểm này đang là Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, đã ký quyết định tuyển dụng vào công chức không qua thi tuyển đối với ông Tống Văn Thọ. Tuy nhiên, ông Thọ là trường hợp đặc biệt trước khi tuyển dụng phải báo cáo Bộ Nội vụ, bởi theo quy định tại Thông tư 13/2010 thì: “Người đứng đầu cơ quan quản lý công chức, có văn bản gửi Bộ Nội vụ hoặc Ban Tổ chức Trung ương để thống nhất theo thẩm quyền trước khi tổ chức thực hiện”. Song tỉnh Thanh Hóa đã “quên” việc này và vẫn “xé rào” tuyển dụng ông Thọ.
Đáng nói, quá trình ông Thọ được tuyển dụng không qua thi tuyển cũng có nhiều bất thường, vì thời điểm ông Trịnh Văn Chiến ký quyết định tuyển dụng, ông Thọ đang là lao động hợp đồng của thị xã Bỉm Sơn (hợp đồng 1 năm), thế nhưng chức vụ lại ghi đơn vị công tác là Giám đốc Ngân hàng bán lẻ (VIB bank) thị xã Bỉm Sơn thuộc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc tế Việt Nam.
Mặc dù ký hợp đồng lao động 1 năm với thị xã Bỉm Sơn, chức danh nghề nghiệp của ông Tống Văn Thọ là lao động hợp đồng... Nguồn: Báo Người lao động |
Vừa trở thành công chức không qua thi tuyển chưa “ấm chỗ” (hơn 3 tháng), ngày 4/8/2014, ông Thọ đã được thị xã Bỉm Sơn cất nhắc lên vị trí Phó trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch. Đến ngày 18/9/2014, ông Bùi Huy Hùng, Chủ tịch UBND thị xã Bỉm Sơn đã có tờ trình xin Thường vụ Thị ủy Bỉm Sơn phê chuẩn bộ nhiệm ông Tống Văn Thọ vào vị trí trên.
Ngày 13/3/2015, ông Thọ được bổ nhiệm chức Phó phòng Tài chính - Kế hoạch thị xã và 5 tháng sau (ngày 11/9/2015), ông Thọ tiếp tục được bổ nhiệm lên là Trưởng phòng này.
Đáng nói hơn, cả hai lần bổ nhiệm, ông Thọ đều không có lý luận chính trị và bằng quản lý nhà nước ngạch chuyên viên theo quy định.
Quyết định tuyển dụng công chức không qua thi tuyển của ông Tống Văn Thọ do ông Trịnh Văn Chiến khi đó là Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký ban hành. Ảnh: Báo Dân trí |
Trao đổi với trên Dân trí, ông Thịnh Văn Phong, Trưởng Phòng Nội vụ thị xã Bỉm Sơn xác nhận việc ông Tống Văn Thọ thời điểm chưa ký hợp đồng lao động nhưng đã được thị xã làm hồ sơ đề nghị xét công chức. Theo ông Phong thì dù chưa ký hợp đồng lao động nhưng thời điểm đó ông Thọ đã có quyết định tiếp nhận vào làm lao động hợp đồng cho thị xã từ ngày 4/10/2013. Tức là 3 ngày sau khi ông Thọ được nhận vào làm hợp đồng thì thị xã mới trình lên UBND tỉnh qua Sở Nội vụ đề xuất xét công chức cho ông Thọ.
Cũng theo Trưởng phòng Nội vụ thị xã Bỉm Sơn, trước khi về đây, ông Thọ đã có thời gian làm trong lĩnh vực tài chính, cụ thể là làm trong ngân hàng, đến thời điểm xét là trên 60 tháng nên theo quy định ông Thọ đủ điều kiện xét tuyển công chức không qua thi.
Ông Phong thừa nhận nguyên tắc phải chấm dứt hợp đồng lao động với ngân hàng thì thị xã mới tiếp nhận vào làm hợp đồng 1 năm đối với ông Thọ. Tuy nhiên, việc thị xã trình lên UBND tỉnh đề xuất tuyển dụng công chức đối với ông Thọ nhưng lại ghi chức vụ, đơn vị công tác tại Ngân hàng thì ông Phong không lý giải được.
Khi được hỏi trong một thời gian ngắn ông Thọ được bổ nhiệm Phó rồi Trưởng Phòng tài chính thì có được làm trong quy hoạch không, Trưởng phòng nội vụ cho biết, có thể quy hoạch ông Thọ được bổ sung.
Ông Bùi Huy Hùng, Chủ tịch UBND thị xã Bỉm Sơn (là người ký văn bản đề xuất cho ông Thọ được xét công chức không qua thi tuyển thời bấy giờ) cho biết: “Thị xã tiếp nhận theo đúng quy định của Nhà nước, những đối tượng thuộc cán bộ quản lý doanh nghiệp được tiếp nhận không qua thi tuyển. Lúc đó, thị xã cũng thành lập hội đồng xét, ông Thọ trình độ tài chính chính quy, làm giám đốc phòng giao dịch ngân hàng thì làm công chức chắc được, thừa được, chẳng qua là thủ tục.
Thị xã làm văn bản báo cáo sở nội vụ thẩm định hồ sơ. Thời kỳ đó cách đây 6-7 năm do cơ chế quản lý, sau này soi ra Chủ tịch UBND tỉnh phải xin ý kiến của Bộ nội vụ nhưng không xin, thị xã không theo dõi cái đó, thị xã chỉ cần có quyết định của tỉnh. Sau này xếp lương thì hình như tỉnh đã có xin ý kiến Bộ Nội vụ".
Việc thời điểm ký quyết định tuyển dụng công chức, ông Thọ đang là lao động hợp đồng của thị xã nhưng lại được ghi là người của ngân hàng, Chủ tịch UBND thị xã Bỉm Sơn lý giải: “Xét tuyển phải lấy từ hồ sơ. Theo tôi nghĩ thì chắc không bất hợp lý, bởi vì đã có mấy cuộc thanh tra, kiểm tra mấy lần rồi, nếu có sai đã xử lý rồi”.
Mới đây, Ban Bí thư vừa ban hành Kết luận số 71-KL/TW do Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng ký về xử lý sai phạm trong công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức theo Thông báo kết luận số 43, ngày 28/12/2017 của Bộ Chính trị.
Theo đó, Ban Bí thư yêu cầu tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và phòng, chống tiêu cực trong công tác cán bộ nói chung, công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức nói riêng.
Qua rà soát, kiểm tra, thanh tra cho thấy, còn vướng mắc, bất cập, chưa thống nhất trong việc xử lý những trường hợp sai phạm liên quan công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có trường hợp đã được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc là nhân sự dự kiến tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Để bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong việc xử lý các sai phạm trong công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và phòng, chống tiêu cực trong công tác cán bộ nói chung, công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức nói riêng. Kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý theo thẩm quyền đối với các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc chưa thực hiện đúng quy định về tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức.
Tập trung xử lý dứt điểm các trường hợp có sai phạm đã được phát hiện.
Thu hồi quyết định tuyển dụng đối với các trường hợp có kết luận vi phạm trong công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan có thẩm quyền; đồng thời, kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, tập thể lãnh đạo và cá nhân có liên quan.
Muốn lựa chọn được cán bộ có tâm, xứng tầm thì những người làm công tác này phải hết sức thận trọng, đảm bảo nguyên tắc, minh bạch, công tâm trong chọn lựa, giới thiệu.
Đặc biệt, trong việc chọn lựa cán bộ, dứt khoát không để lọt những người cơ hội chính trị, giỏi luồn lách nhưng non tài, kém đức như những “con lươn”, “con chạch” lọt vào quy hoạch.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị cán bộ toàn quốc diễn ra ngày 23/4/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định, phải làm tốt công tác nhân sự từ đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới làm tốt công tác nhân sự Đại hội XIII của Đảng, “dưới có vững thì trên mới bền chắc được”.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, liên quan đến sự sống còn của Đảng, sự phát triển bền vững của Đảng, của đất nước. Do đó, từng cơ quan, từng cấp, từng ngành phải làm cho tốt công tác đặc biệt quan trọng này, phải đặt lợi ích của Đảng, của đất nước, nhân dân lên trên hết, toàn tâm toàn ý lo cho công việc chung, trên dưới đồng lòng, đoàn kết nhất trí thì công việc mới trôi chảy, mới xứng tầm lãnh đạo đất nước trong bối cảnh tình hình mới.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng khẳng định, công tác nhân sự vô cùng phức tạp, nhạy cảm, vì nó liên quan đến con người, danh dự, chế độ chính sách… dễ nảy sinh vấn đề, tâm tư day dứt, vì vậy cần phải được tiến hành theo một quy trình khoa học, chặt chẽ, công tâm, khách quan.
Trong quá trình lựa chọn, phải lấy phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, tiêu chuẩn, hiệu quả, uy tín của bản thân trong công việc… làm thước đo chủ yếu; phải bố trí đúng người đúng việc, tạo ê kíp ăn ý, đoàn kết thống nhất, tạo nên sức mạnh.
Bởi vậy, cần nêu cao vai trò của tổ chức Đảng, tránh giản đơn, tùy tiện, vô nguyên tắc, không để lọt vào bộ máy những người không đáp ứng tiêu chuẩn, không đủ đức đủ tài, dẫn đến hại nước hại dân.
Trong từng khâu, từng công đoạn phải làm thật chắc chắn, khoa học, đồng bộ, tránh tối đa sai sót, làm đến đâu chắc chắn đến đó, đừng thấy đỏ tưởng chín, đừng để mã bên ngoài che đậy sơ sài bên trong…
Trong thời gian vừa qua, tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong đó có cả người nhà, người thân, họ hàng xảy ra ở một số nơi, gây bức xúc dư luận xã hội... Thậm chí, tại nhiều địa phương, người đứng đầu cơ quan đảng, chính quyền trong công tác cán bộ luôn khẳng định việc việc giới thiệu, lựa chọn đối với các chức danh chủ chốt đều trải qua quy trình chặt chẽ, thế nhưng khi kiểm tra, thanh tra vẫn có sai phạm xảy ra buộc phải xử lý.
Nhiều vụ việc bổ nhiệm thần tốc cán bộ thời gian qua được dư luận phản ánh, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã vào cuộc kịp thời để xử lý, chấn chỉnh. Những tiêu cực trong công tác cán bộ có lẽ không dừng lại ở những vụ việc được báo chí và dư luận phản ánh.
Điều này, đã khiến dư luận băn khoăn về quy trình bổ nhiệm cán bộ đúng mà sao cán bộ sai? Đó là mới nói về đầu ra, còn cái cần quan tâm phải là đầu vào của quy trình cán bộ. Không thể có một đầu ra tốt khi đầu vào chỉ là nguyên liệu “ôi thiu, kém chất lượng”.
Quy trình chỉ là quy trình, vấn đề là lựa chọn người đầu vào để trải qua quy trình ấy ra sao. Nếu không lựa chọn kỹ lưỡng, quy trình lại dễ dàng được sử dụng để hợp thức hóa cho người không đảm bảo tiêu chuẩn.
Đối với vụ việc ông Tống Văn Thọ được xét tuyển và thăng tiến thần tốc, tại sao một cán bộ không thi tuyển công chức lại có quá trình thăng tiến nhanh đến vậy? Trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa thời kỳ đó và trách nhiệm tham mưu của Sở Nội vụ, UBND thị xã Bỉm Sơn trong vụ việc này là gì? Tại sao trong quá trình xét tuyển, bổ nhiệm trường hợp của ông Tống Văn Thọ đầy rẫy sự bất thường vẫn “lọt cửa” nhiều sở ngành để trình đến cấp Chủ tịch UBND tỉnh ký duyệt như vậy?
Đối với những bất thường trong công tác cán bộ xảy ra tại tỉnh thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa như đã nêu ở trên, đề nghị Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ cần vào cuộc, thanh tra, kiểm tra, làm rõ những biểu hiện bất thường trong việc xét tuyển, sử dụng, bổ nhiệm công chức tại Thị xã Bỉm Sơn như đã nêu ở trên.
Hai là, người dân rất trông chờ vào sự thành công của Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đặc biệt là công tác nhân sự. Bởi lẽ công tác nhân sự có vị trí, ý nghĩa cực kỳ quan trọng, là nhân tố bảo đảm cho thành công của đại hội và triển khai thực hiện thắng lợi các nghị quyết của đại hội.
Chính vì vậy, cấp ủy các cấp phải làm tốt công tác nhân sự đại hội, lựa chọn được “những đồng chí tiêu biểu của Đảng về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực công tác; bảo đảm tiêu chuẩn chung của cán bộ”.
Do đó, cần phải kiểm soát quyền lực một cách chặt chẽ trong giai đoạn nhạy cảm cuối nhiệm kỳ. Những người có quyền thì phải kiểm soát quyền lực để không xảy ra những biểu hiện vi phạm như đã nêu trên…
Ba là, hoạt động của cán bộ, lãnh đạo ở đâu, như thế nào, nhân dân đều biết cả. Nếu ở cơ quan thì cấp dưới, những người ở cơ quan sẽ nắm được. Nếu ở địa phương thì nhân dân nơi cư trú người ta biết hết. Như vậy phải phát huy tai mắt của nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương, trong đó có vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc này.
Từ đó, cần có những cơ chế, khuyến khích để phát hiện ra những biểu hiện sai phạm kịp thời. Đồng thời phải có cơ chế để bảo vệ những người dám đấu tranh, dám nêu ra những sai trái, những hành vi vi phạm.
Tác giả: Phan Anh Tuấn
Nguồn tin: tapchimattran.vn