Mã hóa bài làm
Theo hướng dẫn, quy trình bảo quản bài thi tại phòng chấm thi trắc nghiệm theo quy định tại khoản 2, Điều 23 Quy chế thi.
Cụ thể, phiếu trả lời trắc nghiệm được quét theo từng phòng thi. Thư ký cắt miệng túi bài thi, kiểm điểm phiếu trả lời trắc nghiệm đối chiếu với số phiếu trả lời trắc nghiệm ghi trên túi bài thi và phiếu thu bài, chuyển phiếu trả lời trắc nghiệm cho cán bộ kỹ thuật nạp vào máy quét.
Quét xong phiếu trả lời trắc nghiệm của túi nào, phiếu trả lời trắc nghiệm được thư ký kiểm đếm, đóng lại túi đó và niêm phong theo quy định.
Phiếu trả lời trắc nghiệm được quét theo từng phòng thi. (Ảnh: Mỹ Hà) |
Sao lưu toàn bộ dữ liệu ảnh quét (đã được mã hóa) ra đĩa CD hoặc DVD (gọi là CD0) thành 3 bộ đĩa giống nhau, bàn giao 1 đĩa cho Chủ tịch Hội đồng thi lưu trữ, 1 bộ đĩa Ban Chấm thi trắc nghiệm lưu trữ, 1 bộ đĩa gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thực hiện chức năng nhận dạng ảnh của phần mềm chấm thi trắc nghiệm để chuyển dữ liệu ảnh bài làm của thí sinh thành kết quả dưới dạng văn bản đã được mã hóa.
Toàn bộ dữ liệu đã nhận dạng (dạng văn bản đã mã hóa) và ghi ra đĩa 3 bộ CD hoặc DVD (gọi là CD1) giống nhau bàn giao 1 bộ đĩa cho Chủ tịch hội đồng thi lưu trữ, 1 bộ đĩa Ban Chấm thi trắc nghiệm lưu trữ, 1 bộ đĩa gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Dữ liệu ảnh và bài làm trắc nghiệm của thí sinh được mã hóa để tránh can thiệp (Ảnh: Mỹ Hà) |
Gắn camera 24/24
Việc chấm điểm được thực hiện theo cách mở niêm phong đĩa dữ liệu đáp án do Bộ GD&ĐT cung cấp. Nạp dữ liệu chấm từ đĩa dữ liệu vào phần mềm chấm thi trắc nghiệm.
Xuất toàn bộ dữ liệu xử lý và kết quả chấm thi trắc nghiệm chính thức từ phần mềm chấm thi trắc nghiệm và ghi vào 3 đĩa CD hoặc DVD (gọi là CD3) giống nhau, được niêm phong dưới sự giám sát của Tổ Giám sát, công an và lập biên bản;
1 đĩa gửi về Bộ GD&ĐT, 1 đĩa bàn giao cho Chủ tịch Hội đồng thi, 1 đĩa trưởng Ban chấm thi trắc nghiệm lưu trữ.
Theo hướng dẫn quy trình chấm bài thi trắc nghiệm, thì việc quét và đọc phiếu trả lời trắc nghiệm được tiến hành theo từng lô, mỗi lo là một túi bài thi của một phòng thi.
Quá trình chấm được thực hiện hoàn toàn trên phần mềm với chu trình khép kín.
Dữ liệu được sinh ra bởi phần mềm đều được mã hóa và chỉ có thể giải mã khi Bộ GD&ĐT cấp khóa giải mã.
Rút kinh nghiệm của kì thi năm 2018, năm nay camera an ninh giám sát ghi hình tại các phòng bảo quản bài thi, phòng chấm bài thi trắc nghiệm.
Có bộ lưu điện dự phòng đảm bảo hoạt động liên tục kể cả khi mất điện lưới.
Ngay sau khi kết thúc công tác chấm thi, thiết bị lưu trữ của camera được niêm phong và lưu giữ ít nhất một năm.
Theo hướng dẫn quy trình chấm bài thi trắc nghiệm, việc quét và đọc phiếu trả lời trắc nghiệm được tiến hành theo từng lô, mỗi lo là một túi bài thi của một phòng thi. (Ảnh: Mỹ Hà) |
Công bố kết quả thi vào ngày 14/7
Về việc xét tốt nghiệp THPT, thí sinh học chương trình giáo dục THPT phải bắt buộc dự thi 4 bài, gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài tự chọn trong hai bài thi tổ hợp. Thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên phải dự thi bắt buộc 3 bài gồm Toán, Ngữ văn và một trong hai bài tổ hợp.
Trường hợp thí sinh chọn thi cả hai bài thi tổ hợp thì điểm bài thi nào cao hơn sẽ được sử dụng để xét tốt nghiệp. Trừ môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các bài thi còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan.
Các đơn vị thống nhất sử dụng phần mềm quản lý thi THPT quốc gia (hệ thống quản lý thi và phầm mềm chấm thi trắc nghiệm) do Bộ GD&ĐT cung cấp, thực hiện đúng quy trình, thời hạn xử lý dữ liệu và chế độ báo cáo theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Theo Bộ GD&ĐT, việc hoàn thành việc đối sánh kết quả thi chậm nhất ngày 13/7. Ngày 14/7, các sở sẽ công bố kết quả thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp THPT và sử dụng kết quả xét tuyển cao đẳng, đại học.
Tác giả: Mỹ Hà
Nguồn tin: Báo Dân trí