Trong tỉnh

Sạt lở bờ sông Mã ăn sâu vào nhà dân: Chưa thể xác định nguyên nhân

Ông Đỗ Văn Nhân – Sở NN&PTNT Thanh Hóa cho biết, việc sạt lở bờ sông Mã “kể cả có lập đoàn kiểm tra cũng không xác định được nguyên nhân".

Ông Đỗ Văn Nhân – Phó chi cục trưởng Chi cục Đê điều (Sở NN&PTNT Thanh Hóa) cho biết: Việc sạt lở bờ sông Mã đoạn qua xã Cẩm Vân, Cẩm Tân (huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa) “kể cả có lập đoàn kiểm tra cũng chưa thể khẳng định được nguyên nhân”.

Nhưng đến nay, UBND tỉnh này đã quyết định cho thăm dò các mỏ cát. Việc này khiến bà con nơi đây vô cùng lo lắng, nếu các mỏ hoạt động trở lại sẽ khiến tình trạng sạt lở trầm trọng hơn, không những sạt lở vào đất canh tác mà đang có nguy cơ xâm lấn vào nhà.

Ở kỳ trước, Phapluatplus.vn đã đăng tải bài viết "Dân kêu cứu vì sạt lở bờ sông Mã ăn sâu vào nhà" về việc người dân các xã Cẩm Vân, Cẩm Tân (huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa) phản ánh tình trạng sạt lở bờ sông Mã mấy năm vừa qua làm mất đất bãi bồi sản xuất nông nghiệp và đang có nguy cơ xâm lấn sâu vào nhà dân khiến bà con không dám đầu tư chăn nuôi, trồng trọt.

Theo đánh giá của người dân cho rằng, tình trạng sạt lở bờ sông Mã hiện nay là do hoạt động khai thác cát của các đơn vị được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép. Hiện tại, bờ sông sạt lở theo vách dựng đứng, sạt từng mảng khối lớn là do quá trình hút cát để lại cộng với mưa lũ tràn về khiến cho tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng hơn. Trước khi việc khai thác cát bắt đầu thì chưa từng xuất hiện hiện tượng sạt lở.

Bờ sông Mã đoạn qua xã Cẩm Vân bị sạt lở nghiêm trọng, đang có nguy cơ xâm lấn vào nhà dân. Ảnh: Nguyệt Chi

Ông Nguyễn Khắc Tuấn – Trưởng phòng TNMT huyện Cẩm Thủy cho biết: “3 mỏ cát ở khu vực Cẩm Tân, Cẩm Vân hiện tại đã dừng hoạt động năm ngoái do hết hạn. Trước ý kiến của cử chi, cuối năm 2017, UBND huyện đã đi kiểm tra thực tế thấy có sạt lở ở khu vực thôn Vân Trai, thôn Eo Lê. Đến nay hiện tượng sạt lở vẫn diễn ra dù không có hoạt động khai thác cát. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng chủ yếu là do mưa lũ hàng năm gây nên.

Hiện tại, UBND tỉnh đã có quyết định thăm dò cho cả 3 mỏ cát. Việc có nên cấp phép lại cho cả 3 mỏ này hay không thì đó là việc đánh giá của các phòng ban tham mưu cho ủy ban tỉnh. UBND huyện chỉ thực hiện theo chỉ đạo của tỉnh. Để tránh thiệt hại khi mưa lũ gây sạt lở, UBND huyện sẽ kịp thời cập nhật thông tin để bà con giảm tối đa thiệt hại. Thời gian tới, ủy ban huyện tiếp tục kiến nghị cơ quan chức năng khải sát tình hình thực tế địa phương để hỗ trợ kè bờ chống sạt lở khu vực dân cư thông Quan Bằng” – Ông Tuấn trả lời.

Bờ sông bị sạt theo vách đứng, sụt từng mảng, khối lớn. Theo kinh nghiệm của người dân cho rằng nguyên nhân chính là do việc khai thác cát quá tập trung với khối lượng lớn. Ảnh: Nguyệt Chi

Ông Phạm Văn Hoành – Trưởng phòng Tài nguyên Khoáng Sản, Sở TNMT Thanh Hóa cho biết: Năm 2017, 3 mỏ cát này xin gia hạn tiếp thì Sở NN&PTNT là đơn vị chính đánh giá tình hình sạt lở bờ bãi, các công trình liên quan tới thủy lợi. Dựa vào đánh giá của Sở NN&PTNT và huyện Cẩm Thủy rồi chúng tôi mới trình UBND tỉnh quyết định.

“Việc sạt lở bờ sông Mã, Sở NN&PTNT và huyện đã có đánh giá nguyên nhân khẳng định là do tác động của dòng chảy chứ không phải do khai thác cát. Chiều dài khoảng 1,5km có 3 mỏ cát hoạt động, cái này không có quy định nào yêu cầu các mỏ phải cách nhau bao nhiêu. Miễn đảo bản an toàn cho lòng sông, bờ bãi. Theo chủ trương của tỉnh yêu cầu các đơn vị khai thác cát tại đây phải lập phương án đảm bảo an toàn ổn định cho bờ bãi, lòng sông trình Sở NN&PTNT thẩm định. Nếu đủ điều kiện thì mới trình cấp phép. Tuy nhiên đến giờ họ vẫn chưa có và cũng chưa ai cấp” – ông Hoành khẳng định.

Hàng năm, bờ sông bị sạt lở ăn sâu khoảng 4-5 m vào diện tích đất canh tác của bà con. Ảnh: Nguyệt Chi

Trong khi đó, ông Đỗ Văn Nhân – Phó chi cục trưởng Chi cục Đê điều Phòng chống lụt bão Sở NN&PTNT Thanh Hóa cho rằng: “Việc sạt lở bờ sông Mã đoạn qua 2 xã Cẩm Vân, Cẩm Tân có nhiều nguyên nhân. UBND huyện Cẩm Thủy đã có văn bản báo cáo là do dòng chảy. Các ngành đi kiểm tra thì không đưa ra được kết luận. Sở NN&PTNT căn cứ vào thực tế và báo cáo của huyện Cẩm Thủy thì sạt lở là do mưa lũ và do dòng chảy.

Nguyên nhân sạt lở do đâu thì tôi cũng không thể khẳng định được. Kể cả thành lập đoàn kiểm tra cũng không thể khẳng định được. Về giải pháp lâu dài là chỉ có làm kè bảo vệ thì mới có thể ổn định bờ bãi cho người dân sản xuất. Chứ việc di dời dân là rất khó, vì kinh phí khó khăn. Đây là khu vực miền núi, lại không có đê nên việc đi kiểm tra thường xuyên định kì là không có. Về việc hỗ trợ cho bà con thì chỉ có hỗ trợ thực tế sau mỗi cơn bão xảy ra theo báo cáo của địa phương” – ông Nhân nói.

Phapluatplus.vn sẽ tiếp tục thông tin!

Tác giả: Nguyệt Chi

Nguồn tin: Pháp Luật Plus

  Từ khóa: sông mã , sạt lở

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok