Người dân ở xã An Quang Đông, xã Cát Khánh (huyện Phù Cát) lo lắng căn nhà bị sóng biển cuốn trôi |
Bình Định bờ biển dài 134km, trong đó chiều dài cồn cát ven biển là 69km. Hiện đã xuất hiện 11 điểm bờ biển và đê kè bị sạt lở với 7.812m; trong đó bờ biển bị sạt lở là 6.600m và 1.192m bờ kè bị hư hỏng.
Cụ thể, tại huyện Hoài Nhơn, sạt lở nhiều năm nay tại khu vực thôn Kim Giao Bắc, Kim Giao Nam (xã Hoài Hương). Thời điểm bị sạt lở nghiêm trọng nhất là vào các năm 2005, 2006, 2016 và 2017 với 500m, ảnh hưởng đến đời sống 500 hộ dân.
Hệ thống đê kè chống xói lở bờ biển ở xã Tam Quan cũng bị sạt lở nặng vào các năm 2016, 2017 ảnh hưởng đến cuộc sống 300 hộ dân. Hiện hệ thống đê kè này đang được gia cố tạm và tiến hành nghiên cứu đánh giá nguyên nhân, đề xuất giải pháp sửa chữa, khắc phục.
Bờ biển huyện Phù Mỹ thì sạt lở xảy ra tại các thôn Phú Hà và PhúThứ (xã Mỹ Đức) với 750m, ảnh hưởng đến đời sống của 500 hộ dân. Bờ biển thuộc khu vực thôn 8, thôn 9 và thôn Tân Phụng (xã Mỹ Thắng) cũng bị sạt lở 1.700m, ảnh hưởng đến đời sống của 1.150 hộ dân.
Sạt lở cũng diễn ra tại bờ biển thuộc thôn Xuân Thạnh – Xuân Thạnh Nam (xã Mỹ An) với chiều dài 1.000m, ảnh hưởng đến đời sống của 550 hộ dân. Bãi biển thuộc các thôn Bãi Đăng, Vĩnh Lợi 3 (xã Mỹ Thành) cũng bị sạt lở 450m, ảnh hưởng đến đời sống 320 hộ dân.
Còn ở huyện Phù Cát, vào những năm 2015 - 2017, bờ biển thôn An Quang (xã Cát Khánh) đã bị sạt lở với chiều dài 520m, chỗ rộng nhất ăn sâu vào đất liền đến 70m, làm ngã 1 số cây phi lao trồng ven biển, cuộc sống 500 hộ dân bị uy hiếp.
Vùng biển xã Cát Tiến cũng xảy ra hiện tượng xâm thực mạnh tại thôn Trung Lương với chiều dài 500m. Xâm thực xảy ra mạnh nhất là vào các năm 2001, 2002 và 2016, đe dọa 495 hộ dân.
Tại TP Quy Nhơn, bờ biển xã Nhơn Hải hiện vẫn đang tiếp diễn nạn sạt lở với chiều dài 1.200m, ảnh hưởng 160 hộ dân. Đặc biệt, hệ thống đê kè ở xã Nhơn Lý thuộc các thôn Lý Chánh, Lý Hòa bị sạt lở từ năm 2014 đến năm 2016 làm hư hỏng 520m, tác động đời sống của 216 hộ dân.
Rặng phi lao bên bờ biển ngã rạp trước nạn xâm thực |
Hệ thống đê kè này mới xây dựng hoàn thành vào năm 2014, ngay trong mùa mưa bão năm ấy đã gây sạt lở phần mái kè. Bước sang năm 2015, 2016, phần chân kè tiếp tục bị sạt lở, UBND tỉnh chỉ đạo xử lý tạm bằng biện pháp đổ đá hộc.
“Qua kiểm tra, trong mùa mưa bão năm 2018 này, tuyến đê kè ở xã Nhơn Lý có nguy cơ xảy ra sự cố. Nếu như vậy thì có khoảng 60 nhà dân đứng trước nguy cơ sẽ bị sập đổ theo. Chúng tôi đang nỗ lực gia cố tạm để hạn chế thiệt hại”, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng, lo lắng.
Tình hình bồi lấp cửa biển cũng nghiêm trọng không kém. Ví như cửa biển Tam Quan thuộc huyện Hoài Nhơn là nơi neo đậu, tránh trú bão của 1.400 tàu cá của ngư dân, vì luồng ra vào bị bồi lấp nghiêm trọng khiến tàu thuyền ra vào bị mắc cạn, va đập.
Từ năm 2010 đến nay đã có 8 tàu cá bị mắc cạn và bị sóng đánh chìm, 14 tàu khác mắc cạn bị gãy chân vịt, bánh lái. Các cửa biển An Dũ, Hà Ra, Đề Gi hiện cũng đang bị bồi lấp nghiêm trọng, gây cản trở đường thoát lũ.
“Ngân sách tỉnh rất khó khăn, trong khi sạt lở bờ biền và bồi lấp cửa biển xảy ra quá nghiêm trọng, nên không thể khắc phục triệt để. Chúng tôi đề nghị Bộ NN-PTNT xem xét, trình Chính phủ hỗ trợ kinh phí để Bình Định có điều kiện khắc phục, bảo đảm an toàn cho người dân ở các khu vực nguy hiểm”, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh. |
Tác giả: TRẦN HẠ MÔN
Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam