Trong tỉnh

Sai phạm trật tự xây dựng “nở rộ”!

Hiện nay trên địa bàn Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh liên tục xảy ra hiện tượng vi phạm trật tự xây dựng, quy hoạch. Điều đáng nói là cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn lại xử lý theo kiểu “vừa đấm vừa xoa”, chỗ thì xử phạt, nơi thì “bảo kê”.

Hơn 230 công trình vi phạm trật tự xây dựng

Nguồn tin từ Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa cho biết: trong thời gian từ năm 2016 đến tháng 5/2018, trên địa bàn 12 xã trong KKT Nghi Sơn và các KCN có 232 công trình do các hộ gia đình riêng lẻ đầu tư xây dựng vi phạm trật tự xây dựng; trong đó có 107 công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng, 10 công trình xây dựng sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp, 18 công trình san lấp mặt bằng, 97 công trình xây dựng trên đất nông nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản, đất hành lang giao thông.

UBND huyện Tĩnh Gia cũng xác nhận: đến thời điểm 11/2018, mới chỉ xử lý được 42,05 % trường hợp vi phạm. Đặc biệt, có 90 trường hợp xây dựng không có giấy phép và 24 trường hợp xây dựng trên đất không được phép xây dựng chưa bị xử lý.

Một số vụ vi phạm trật tự xây dựng nghiêm trọng không được phát hiện xử lý kịp thời. Chỉ đến khi người dân và báo chí lên tiếng, cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn mới vào cuộc. Điển hình như trường hợp để cho doanh nghiệp ngang nhiên xây dựng xưởng may trái phép trong trường THPT Tĩnh Gia 4; trường hợp Công ty Cổ phần Xi măng Công Thanh ngang nhiên “bạt núi” xây biệt thự trái phép...

Công ty Xi măng Công Thanh

Công ty Xi măng Công Thanh ngang nhiên “bạt núi” xây dựng công trình trái phép.

Nhiều vụ việc bị phát hiện nhưng biện pháp xử lý thiếu kiên quyết theo kiểu: đề nghị xử phạt vi phạm hành chính, sau đó cho hoàn thiện các thủ tục hồ sơ để tiếp tục tồn tại. Thậm chí có trường hợp vừa đề nghị tháo dỡ, di dời xong lại đồng ý cho tiếp tục tồn tại.

Hợp thức hóa sai phạm hay “bảo kê” cho doanh nghiệp?

Như Congluan.vn đã phản ánh: Ngay trên địa bàn thôn 9, xã Xuân Lâm, huyện Tĩnh Gia, cách trụ sở Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN tỉnh Thanh Hóa khoảng 500m, một trạm trộn bê tông không phép ngang nhiên hoạt động. Điều đáng nói là cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn lại xử lý kiểu: vừa “đấm” vừa “xoa”, thậm chí tìm cách “hợp thức hóa” sai phạm cho doanh nghiệp.

Theo đó, tháng 10/2018, trên diện tích hơn 7000 m2 được phê duyệt chủ trương đầu tư Trung tâm kinh doanh vật liệu xây dựng nhưng Công ty cổ phần môi trường cây xanh Nghi Sơn đã tự ý phá vỡ quy hoạch, ngang nhiên xây dựng 01 trạm trộn bê tông không phép. Sự việc sau đó đã bị Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN phát hiện yêu cầu tháo dỡ, di rời; đồng thời chuyển hồ sơ đề nghị UBND huyện Tĩnh Gia xử phạt vi phạm hành chính.

Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì chính Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN lại có công văn đồng ý cho Công ty CP môi trường cây xanh Nghi Sơn được xây dựng trạm trộn bê tông vốn đã xây dựng “chui” trước đó. Điều kỳ lạ là Công văn nêu trên không hề nhắc đến việc vi phạm trật tự xây dựng, vi phạm quy hoạch của Công ty CP môi trường cây xanh Nghi Sơn mà lại khẳng định: “việc xây dựng công trình tạm phục vụ thi công dự án cơ bản phù hợp với Luật Xây dựng”.

Như vậy chỉ trong vòng 10 ngày, Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN đã ban hành 2 công văn trái ngược nhau về cùng một hiện tượng vi phạm. Một đằng khẳng định xây dựng không phù hợp, đề nghị dừng thi công, di dời, tháo dỡ, xử phạt; một đằng cho là phù hợp và tiếp tục xây dựng? Căn cứ vào ý kiến đồng ý cho trạm trộn bê tông trái phép, không có trong quy hoạch được tồn tại, hoạt động của Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN, ngày 30/11, UBND huyện Tĩnh Gia cũng có văn bản trả lời: không ra quyết định xử phạt Công ty CP môi trường cây xanh Nghi Sơn.

Trạm trộn bê tông

Trạm trộn bê tông của Công ty CP môi trường cây xanh Nghi Sơn được “phù phép” từ trái phép thành ...hợp lý.

Không những thế, hiện tại Ban Quản lý KTT Nghi Sơn và các KCN đang tạo điều kiện hỗ trợ rất tích cực cho doanh nghiệp này hoàn thiện hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công dự án. Trước đó, theo quan sát của phóng viên, dù chưa được cấp phép xây dựng và hoạt động nhưng trên diện tích mới được UBND phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, Công ty CP môi trường cây xanh Nghi Sơn đã tập kết một khối lượng lớn cát sỏi. Xe bồn của một nhà cung cấp bê tông hàng đầu Thanh Hóa (mang tên Minh Nguyên) vẫn ra vào trạm trộn bê tông trái phép này.

Có “vùng cấm” trong Chỉ thị 22 của UBND tỉnh Thanh Hóa?

Ngày 11/11/2014, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa (thời điểm đó là ông Trịnh Văn Chiến) đã ký ban hành Chỉ thị 22/CT-UBND về việc tăng cường quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý trật tự xây dựng, quản lý đất đai và quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn KKT Nghi Sơn.

Khoản 5, Chỉ thị này nêu rõ: “Chủ tịch UBND huyện thuộc Khu kinh tế Nghi Sơn nếu để từ 2 doanh nghiệp trở lên trên địa bàn mình quản lý có một trong những hành vi vi phạm về quy hoạch; trật tự xây dựng; sử dụng đất sai mục đích; khai thác khoáng sản trái phép;... thì bị tạm đình chỉ công tác để xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.

Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn nếu không tăng cường kiểm tra, giám sát để xảy ra vi phạm mới về quy hoạch xây dựng, trật tự xây dựng, sử dụng đất sai mục đích, khai thác khoáng sản trái phép mà không có hình thức nhắc nhở, xử lý thì Lãnh đạo Ban và Trưởng phòng được giao tham mưu tùy theo mức độ sẽ bị phê bình hoặc chịu hình thức kỷ luật của Chủ tịch UBND tỉnh. Trường hợp thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến quy hoạch, xây dựng, đất đai, khoáng sản mà vi phạm thì Trưởng ban hoặc Phó Trưởng ban (người xử lý) và Trưởng phòng tham mưu phải chịu hình thức kỷ luật từ khiển trách trở lên.”

Chỉ thị 22/CT-UBND

Chỉ thị 22/CT-UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa liệu có “vùng cấm”?

Theo tìm hiểu của phóng viên, từ khi có Chỉ thị 22, tình trạng doanh nghiệp vi phạm quy hoạch, trật tự xây dựng trên địa bàn KKT Nghi Sơn và các KCN diễn biến rất phức tạp. Năm 2014 phát hiện 23 doanh nghiệp vi phạm, năm 2015 phát hiện 41 doanh nghiệp vi phạm, năm 2016 phát hiện 24 doanh nghiệp vi phạm. Thống kê chưa đầy đủ đến cuối tháng 11/2018, có ít nhất 13 công trình do doanh nghiệp đầu tư vi phạm quy hoạch, trật tự xây dựng.

Mặc dù sai phạm đã rõ như vậy nhưng Chủ tịch huyện thuộc KKT Nghi Sơn, Trưởng ban, Phó ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN vẫn chưa ai bị tạm đình chỉ công tác để xem xét xử lý kỷ luật hoặc phải chịu hình thức kỷ luật từ khiển trách trở lên như Chỉ thị đã nêu.

Duy nhất, chỉ có trường hợp ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia mới bị kỷ luật khiển trách là do những vi phạm trong công tác giải phóng mặt bằng. Phải chăng Chỉ thị 22 của UBND tỉnh Thanh Hóa lại có “vùng cấm”?

Tác giả: Quang Duy

Nguồn tin: Báo Công luận

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok