Pháp luật

Rước họa vào thân vì tham gói ma túy nhặt được

Được vị khách nhờ quay lại nhặt gói ma túy trị giá 200 triệu đồng ném vào bụi rậm trong lúc bị CA truy đuổi, Nếnh nảy lòng tham nên tìm cách chiếm đoạt.

Anh ta đâu ngờ đã phải trả giá đắt vì sự tham lam ấy. Những ngày trong tù, nhắc đến gia đình, vợ con, Nếnh lại mặt buồn rười rượi. Nhất là khi nhắc đến cậu con trai út, Nếnh không nén nổi nước mắt.

Hai người đàn ông, một già một trẻ nói chuyện với nhau qua điện thoại khi mà trước mặt họ chỉ có một tấm kính ngăn cách. Hai bàn tay của họ áp vào nhau nhưng không thể chạm tới, ánh mắt buồn và khoắc khoải,… Chứng kiến cảnh bố con gặp gỡ nhau của phạm nhân Hà Văn Nếnh, SN 1966, quê ở Mộc Châu, Sơn La, chúng tôi cũng cảm thấy bùi ngùi.

Nếnh đang cải tạo ở trại giam Ninh Khánh về tội “Tàng trữ và chiếm đoạt trái phép chất ma túy”, mức án 18 năm tù. Ngày Nếnh bị bắt, cậu con trai còn là một đứa trẻ 4 tuổi nhưng giờ cậu bé đã là học sinh cấp 2. Mỗi năm hai lần vào dịp nghỉ hè hoặc những ngày giáp Tết, con trai Nếnh lại được ông nội cho theo cùng, về trại giam Ninh Khánh thăm bố.

Tất cả vì... tham

Hà Văn Nếnh có dáng người nhỏ con, gương mặt choắt nên thật khó đoán tuổi. Những lúc anh ta cười, trông như thanh niên mới ngoài ba mươi tuổi, nhưng khi anh ta nhăn nhó, trông chẳng khác nào một ông lão.

Bước qua cái tuổi năm mươi, Nếnh đâu còn trẻ nữa nên cũng biết nghĩ nhiều hơn cho gia đình. Anh ta bảo giá như ngày đó đừng vì quá tham thì bây giờ đâu phải sống cảnh tù tội để rồi mỗi lần gia đình xuống thăm, chỉ biết khóc cười nhìn nhau qua một tấm kính.

Nếnh là con trai lớn trong nhà, bên dưới còn 5 người em nên cuộc sống cũng lam lũ đói khổ. Nếnh lấy vợ sớm và cũng có con sớm nên từ khi chưa vào tù, anh ta đã có con dâu, con rể. Đứa trẻ xuống thăm bố hôm đó là con trai út của Nếnh. Cũng giống cha mẹ, vợ chồng Nếnh có một đàn con, lít nhít và chẳng đứa nào được học hành. Duy chỉ có cậu con trai út, được đi học là nhờ tiền ông nội bán đất.

Nhà Nếnh ở thị trấn, bố bán đất chia cho các con, cuộc sống của gia đình Nếnh vì thế mà đổi đời. Có tiền, Nếnh mua chiếc xe máy để đi lại cho thuận tiện và những khi ngơi việc nương, việc rẫy, anh ta đi chở khách để kiếm thêm. Từ việc đứng đường đón khách chở thuê ấy mà Nếnh bắt tay với tội phạm ma túy.

Theo lời Nếnh kể thì anh ta không tham gia vào đường dây ma túy nào cả mà chỉ chở họ đến nơi được yêu cầu, lấy tiền công rồi về. Một vài lần Nếnh chỉ chỗ cho họ mua thuốc phiện, được trả công môi giới. Trong một lần chở khách vào huyện Sông Mã để mua ma túy, lúc quay về thì Nếnh gặp tổ công tác CA tỉnh Sơn La nên vội vã cho xe quay đầu, bỏ chạy.

Bị tổ công tác đuổi theo, Nếnh đã chạy xe tưởng như vấp ngã là chết. Vị khách ngồi phía sau vội vàng móc bọc ma túy giấu trong người quăng vào một bụi cây ven đường. Vì là người bản địa nên Nếnh thông thạo địa bàn, biết nhiều đoạn đường tắt nên đã “cắt đuôi” được lực lượng chức năng.

Chạy thoát an toàn, Nếnh đã giật mình khi nghe vị khách xuýt xoa rằng gói ma túy đó trị giá gần 200 triệu đồng. Không phải tiền của mình bỏ ra song khi nghe nói thế Nếnh cũng tiếc ngẩn ngơ. Thế nên khi có cơ hội được khách nhờ cầm hộ gói ma túy, Nếnh đã chiếm đoạt luôn.

“Họ nhờ tôi lấy hộ 2 bánh ma túy, đem ra xe khách gửi. Nghĩ đến món tiền lớn, tôi đã nói dối rằng là gói ma túy ấy đã bị CA phát hiện, lấy mất rồi. Tôi đâu ngờ gói ma túy ấy đã khiến tôi rước họa vào thân ”, Nếnh kể.

Trí trá để chiếm đoạt 2 bánh heroin của những kẻ trước đó vẫn thường thuê Nếnh chở vào bản mua ma túy, Nếnh cứ nghĩ là ngon ăn. Nhưng những tên tội phạm đâu dễ dàng để anh ta “qua mặt”. Thông qua những tên đồng bọn, chúng giả vờ hỏi mua ma túy của Nếnh rồi bí mật báo tin cho CQCA. Nếnh bị bắt và bị khép tội tàng trữ trái phép chất ma túy.

Bất ngờ và sợ hãi, Nếnh khai tuốt tuột những suy nghĩ và cả những điều mình biết về nhóm người buôn bán ma túy mà không ngờ rằng khi những kẻ này bị bắt, Nếnh lại khoác thêm một tội nữa là chiếm đoạt ma túy của người khác.

Ngày Nếnh bị bắt, anh ta vừa tròn 44 tuổi. Giờ 52 tuổi, Nếnh đã có con dâu, con rể và 5 đứa cháu nội, ngoại.

Cảnh ba bố con, ông cháu phạm nhân Hà Văn Nếnh trong buổi thăm gặp ở trại giam.

Lần nào gặp cũng rơi nước mắt...

Nhà ở xa nên từ ngày Nếnh về trại Ninh Khánh cải tạo, thi thoảng người thân của anh ta mới về xuôi thăm gặp. Người tới thăm Nếnh nhiều nhất lại chính là người bố-ông Hà Văn Ếnh.

Đông con nhiều cháu nhưng từ ngày vợ mất, ông Ếnh vò võ một mình, chẳng có việc gì làm ngoài uống rượu, đi chơi và lúc chợt nhớ ra thì thăm cậu con trai đang ở trong trại giam.

Tâm sự với chúng tôi, ông Ếnh bảo, từ ngày bán được mảnh đất ngoài thị trấn, có một khoản tiền kha khá ông chia cho các con nên chẳng đứa nào còn túng thiếu như trước. Nếnh đi tù nên khoản tiền cho cậu con trai này ông cất giữ, chỉ đưa một phần cho vợ con Nếnh có tiền chăn nuôi. Cậu con trai út của Nếnh được ông nội đưa về nhà chăm sóc, cho ăn học nên giờ đã là học sinh lớp 7.

“Ngày thằng bé đi học, tôi có xuống đây hỏi ý kiến thằng Nếnh thì nó giãy nảy lên kêu học làm gì cho tốn tiền rồi sau này cũng chỉ cuốc đất làm nương. Tôi kệ nó nói, vẫn cho cháu đi học vì nghĩ phải có cái chữ thì mới mở mang đầu óc được. Giờ đến lượt thằng Nếnh động viên con nó đi học. Nghe nó khuyên con học bao giờ hết chữ thì thôi mà tôi cứ thấy buồn trong lòng. Giá như ngày xưa tôi không nghèo, cho con cái đi học thì chắc thằng Nếnh nó không vi phạm pháp luật”, ông Ếnh bộc bạch.

Hỏi ông đã nói gì với con trai, người đàn ông tóc bạc này cười nhăn nhúm: “Tôi chỉ hỏi nó ở trong này ăn ngủ thế nào, có cãi lộn với ai thì cố nhịn mà giữ gìn sức khỏe, còn nó thì động viên tôi về nhà đừng uống nhiều rượu, rồi bảo con trai phải chịu khó chăm ông. Chúng tôi cứ dặn dò nhau như thể tất cả đều là con trẻ, không hiểu biết gì”.

Về trại giam Ninh Khánh cải tạo ở đội làm cói, tháng nào Nếnh cũng vượt định mức đề ra nên hai năm nay, anh ta được cán bộ tín nhiệm cho làm tự quản, đôn đốc, nhắc nhở các phạm nhân trong tổ làm việc. Hỏi Nếnh đã biết viết chưa, anh ta ngượng ngập: “Đã học hai lớp rồi mà mới viết được cái tên mình, tên trại giam”.

Rồi không để chúng tôi hỏi thêm, phạm nhân này cho biết, mỗi lần gặp người thân là trong lòng lại có một tâm trạng khác nhau. Cảm giác vui buồn cứ đan xen khi Nếnh nhìn thấy mái tóc của ông Ếnh cứ trắng ra từng vạt và thưa dần. Nhưng khi thấy cậu con trai út mỗi lần xuống là một lần đổi khác, Nếnh mừng lắm trước sự trưởng thành của con.

Không chỉ thay đổi về vóc dáng, cậu bé còn tỏ ra chững chạc hơn khi trò chuyện với bố cho dù nhiều lúc không nén nổi tò mò, vẫn hỏi bố những câu đại loại như có được ăn thêm không, lúc muốn chơi thể thao thì thế nào… Cậu bé bảo nhiều lúc nhớ bố lắm, muốn viết thư cho bố nhưng lại thôi khi chợt nhớ ra rằng bố mình không biết chữ…

Rồi với sự hồn nhiên của một đứa trẻ, cậu bé hỏi bố thích món gì, lần sau sẽ mang xuống. Nếnh lặng im nghe con nhắc đến những món ăn dân dã quê nhà mà đã lâu rồi không được ăn qua. “Trong này được ăn nhiều thứ hơn ở nhà nhưng tôi vẫn thấy thiếu thiếu”, Nếnh kể. Cái thiếu ấy chỉ có người xa quê mới cảm nhận được và với những kẻ đang mất tự do như Nếnh thì đó là nhớ người thân.

Nếnh bảo mỗi lần gặp bố, gặp con, là một lần anh ta được tiếp thêm sức mạnh để cải tạo tốt hơn cho ngày về gần lại. Nhìn cảnh ba bố con, ông cháu bịn rịn chia tay, tôi thầm nghĩ, chắc là tối đó về buồng giam, Nếnh lại có đêm mất ngủ vì nhớ nhà và day dứt.

Tác giả: Nguyễn Vũ

Nguồn tin: Báo Pháp luật & Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok